Những ngày qua, trước nỗi đau của hàng triệu người dân Việt Nam về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất thực hiện những công trình tưởng nhớ và ghi nhận công đức của Đại tướng, trong đó có đề xuất chọn đặt tên cho một con đường mang tên Võ Nguyên Giáp.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng: “Nếu tìm một con đường để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì tôi nghĩ con đường đó phải có các tiêu chí sau: Thứ nhất là phải đạt tầm quy mô, đàng hoàng, đẹp, để xứng với hình tượng và công lao của Đại tướng. Thứ hai là vị trí con đường phải ở nội đô, được nhiều người nhìn thấy, đi lại. Một điều nữa mà tôi thấy ít người nói đến đó là con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên được đặt gần với những biểu tượng mang tên Bác Hồ và với những chiến công lẫy lừng của tướng Giáp – ý tôi muốn nói là đường Điện Biên Phủ. Vì đường Hồ Chí Minh thì ở quá xa, không ở nội đô, nên có thể lấy lăng Bác Hồ và con đường Điện Biên Phủ làm tham chiếu để chọn một con đường mang tên Đại tướng. Tôi nghĩ một con đường đẹp, rộng nằm trong vòng bán kính một vài km tính từ hai địa điểm trên là phù hợp, không quan trọng là đường đã có tên rồi hay đang xây dựng, chưa được đặt tên.
|
Đường Thanh Niên sạch, mát, rợp bóng cây, lồng lộng gió. |
Một số ý kiến cho rằng nên lấy tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng con đường này tuy quy mô lớn, dài rộng, song vị trí lại xa nội đô quá, cô đơn quá, không nên đặt tên Đại tướng cho đường này. “Đâu cần một con đường rộng lớn, quốc lộ làm gì để rồi nhiều ô tô, xe tải đi lại, đường bụi bặm, lại nhanh hư hỏng thì xót xa lắm. Tôi nghĩ một con đường sạch đẹp ở các quận trung tâm có vị trí như tôi vừa nêu trên là phù hợp nhất”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia, nhà sử học khác có vẻ không đồng tình với ý kiến này. Nhiều người cho rằng vì công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với dân tộc Việt Nam là rất lớn nên cần tìm một con đường có quy mô như đại lộ, quốc lộ để đặt tên Người thì mới phù hợp.
Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ở Hà Nội thì có lẽ đổi tên Quốc lộ 1A thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp là một ý tưởng hay. Đây là một việc làm cần thiết, việc xây dựng những nhà tưởng niệm, những con đường, đúc tượng mang tên Người có tác dụng như một thông tin, một tín hiệu để giúp cho lớp trẻ ghi nhớ công lao và cốt cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó cũng là một biểu hiện của một đất nước văn minh.
|
Quốc lộ 1A dài rộng thênh thang. |
Tuy nhiên, khi quyết định chọn một con đường nào để mang tên Đại tướng thì không nên bỏ qua việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Nhiều độc giả cũng khá đồng tình với ý kiến đổi tên Quốc lộ 1A thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp, với lý do đây là con đường đi từ Bắc vào Nam, dài rộng thênh thang, nên đi tới đâu chúng ta cũng đều nhớ tới Người.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển không phản đối phương án trên, song theo ông, con đường tối ưu nhất để mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tuyến đường cao tốc từ Nội Bài đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố. Các thành viên Hội sử học Hà Nội hiện thống nhất phương án này. “Việc đề xuất tên đường mang tên danh nhân, bao giờ cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ đề xuất từ phía các hội khoa học, các nhà khoa học lịch sử rồi Hội đặt tên đường phố Hà Nội mới họp bàn và đề xuất lên HĐND thành phố thông qua”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.
Ngoài các ý kiến trên, trước đó, có một độc giả đã tha thiết muốn đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường Thanh Niên hiện nay và ý kiến này được rất nhiều cư dân mạng ủng hộ. Độc giả này đưa ra rất nhiều lý do để chọn đường Thanh Niên. Thứ nhất là ở cạnh lăng Bác. Có nhiều con đường đẹp khác cũng ở cạnh lăng Bác, nhưng hiện các con đường đã có tên danh nhân, hoặc mang dấu ấn văn hóa. Chỉ có đường Thanh Niên là vốn đặt tên không theo quy luật trên, chỉ mang ý nghĩa là đường cho giới trẻ, nên chọn con đường này sẽ không gây rắc rối gì. Bên cạnh đó, con đường này rất đẹp, lộng gió, bao lớp người già trẻ Hà Nội yêu con đường này vô cùng. Bây giờ, đổi tên thành Võ Nguyên Giáp thì càng thêm gần gũi.
Theo quy định, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm mới xem xét đặt tên đường. Nhưng với trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng và Nhà nước đã “đặc cách” để tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang thế nên tất cả những việc khác cũng nên được “đặc cách” theo hướng đó. Thực tế, một số danh nhân như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh vẫn được đặt tên đường mà không cần chờ đến khoảng thời gian trên.