Vũ khí giúp Nhật “quật ngã” tên lửa Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Với hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 và tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 trên tàu Aegis, Nhật Bản hoàn toàn có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nước này tuyên bố sẽ phóng tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản. Trước đó, Tokyo đã ra lệnh triển khai khẩu đội tên lửa đánh chặn PAC-3 sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào từ Triều Tiên.

So với Hàn Quốc, khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nhật Bản cao hơn nhiều, thậm chí không hề thua kém Mỹ. Ở trên bộ, Nhật Bản được trang bị hệ thống tên lửa tối tân MIM-104F PAC-3 (16 khẩu đội) với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tuyệt vời.

MIM-104F PAC-3 uy lực gấp 5 lần PAC-2

MIM-104F PAC-3 là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot. Ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, nhà sản xuất Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong.

Điểm khác biệt đầu tiên so với biến thể PAC-2 trước đó là tên lửa. Quả đạn tên lửa của PAC-3 được trang bị động cơ thế hệ mới điều đó cho phép đường kính của đạn thu gọn hơn so với trước.
Triều Tiên đã tuyên bố sẽ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày mai.

Do kích thước tên lửa nhỏ hơn nên mỗi hộp phóng chứa được 4 tên lửa thay vì chỉ 1 tên lửa như PAC-2. Như vậy, mỗi xe phóng mang đến 16 quả đạn và với 4 xe phóng mỗi khẩu đổi thì tổng số đạn là 64 quả (so với 16 quả của PAC-2 trước đây). Điều này mang lại lợi thế rất lớn về mặt hỏa lực.

Đạn tên lửa PAC-3 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn chỉnh luồng phụt thế hệ mới cung cấp tốc độ nhanh hơn so với trước. Ngoài ra, công nghệ “hit-to-kill” trên PAC-3 đã được nâng cấp lên một tầm cao mới với độ chính xác cao hơn.

Một tính năng quan trọng khác của PAC-3 mà PAC-2 không có là, bổ sung đầu tự dẫn radar chủ động băng tần Ka cho việc khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối. Việc bổ sung đầu tự dẫn này mang lại khả năng phản ứng nhanh với các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật thay vì phải phụ thuộc vào việc khóa mục tiêu từ đài radar mặt đất.

Mặt khác, việc trang bị đầu tự dẫn radar chủ động cho phép loại bỏ việc sử dụng đầu đạn để đánh chặn ở pha cuối giúp giảm trọng lượng của tên lửa. Tên lửa PAC-3 đánh chặn mục tiêu bằng vụ va chạm ở tốc độ cao (không dùng đầu đạn). Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó cũng được trang bị một đầu đạn phân mảnh nhỏ để phá hủy mục tiêu.

Cải tiến quan trọng khác ở phần điều khiển hỏa lực là bổ sung hệ thống hỗ trợ phân phối thông tin chiến thuật JTDIS mang lại khả năng nhận thức cao hơn đối với các tình huống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Nhật Bản đã triển khai các khẩu đội PAC-3 trên bộ sẵn sàng đối phó tên lửa Triều Tiên.

Radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 được trang bị thêm các bộ phận khuếch đại tín hiệu bằng đèn chân không TWT giúp tăng cường khả năng phát hiện, phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn.

Công nghệ dẫn đường “track-via-missile” (TVM) được cải tiến một số tính năng nhằm kiểm soát tên lửa tốt hơn trong môi trường đánh chặn tốc độ cao. Phạm vi đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật của PAC-3 tăng lên 40km so với 20km của PAC-2, phạm vi chống lại các mục tiêu  máy bay khoảng 170km.

PAC-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật gấp 5 lần so với PAC-2. Bên cạnh đó Lockheed Martin đã giới thiệu gói nâng cấp PAC-3 MSE được trang bị động cơ mới mạnh hơn cùng công nghệ dẫn đường tiên tiến cho phép tăng hiệu suất của hệ thống lên 50% so với hiện tại.

“Sát thủ chống tên lửa đạn đạo” SM-3

Bên cạnh hệ thống Patriot PAC-3 trên bộ, lực lượng Phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF) cũng trang bị các tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân như Hàn Quốc. Nhưng nổi trội hơn, các tàu này đều có khả năng mang phóng tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo siêu hạng RIM-161 Standard Missile 3 (gọi tắt là SM-3).

Đây là hệ thống tên lửa trên hạm tàu sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, thậm chí có thể bắn hạ vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp.

Tên lửa đánh chặn SM-3 nặng 1,5 tấn, dài 6,55m, đường kính thân 0,34m, sải cánh 1,57m. SM-3 được thiết kế với 3 tầng động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ đánh chặn 9.600km/h (gấp gần 8 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn trên 500km, độ cao bay 160km.
Tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 rời bệ phóng.

Nguyên lý hoạt động của tên lửa là, khi hệ thống radar mạng pha AN/SPY-1 (trên tàu Aegis) phát hiện mục tiêu tên lửa đạn đạo, hệ thống vũ khí Aegis dựa vào các thông số cần thiết (tốc độ mục tiêu, quỹ đạo bay) tính toán một giải pháp đánh chặn.

Sau đó, hệ thống sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 để tiêu diệt mục tiêu. SM-3 rời bệ phóng thẳng đứng Mk41 bằng tầng động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn Mk-72 4 loa phụt. Giai đoạn này tên lửa chủ yếu được dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính.

Khi cháy hết nhiên liệu, tên lửa sẽ sẽ tách tầng khởi tốc Mk-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc – hành trình 2 chế độ Mk-104. Giai đoạn này tên lửa được dẫn hướng thông qua radar AN/SPY-1 trên tàu phóng với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Sau khi tách tầng đẩy Mk-104, tầng 3 động cơ đẩy tăng cường Mk-136 (cháy trong 30 giây) sẽ được kích hoạt và đưa tên lửa vượt ra ngoài tầng khí quyển.

Cuối cùng, khi tên lửa tách tầng đẩy Mk-136, thì kết cấu tầng tự dẫn LEAP (Lightweight Exo-Atmospheric Projectile) nặng 23kg được kích hoạt.
 
Tầng tự dẫn LEAP sẽ tự động tìm kiếm mục tiêu thông qua các dữ liệu từ hệ thống chiến đấu Aegis trên tàu phóng tên lửa. LEAP dùng một cảm biến hồng ngoại kết hợp radar bán chủ động để xác định mục tiêu. LEAP có thể phân biệt được đâu là đầu đạn tên lửa, đâu là mảnh vụn tách ra từ tầng đẩy tên lửa.

Trong module LEAP tích hợp đầu đạn động năng (dùng động lực để phá hủy mục tiêu thay vì thuốc nổ). Theo tính toán, động năng của vụ va chạm có thể đạt 130 Jun (tương đương với 31kg thuốc nổ TNT) đủ khả năng phá hủy mục tiêu tên lửa đạn đạo.
Khu trục hạm JDS Kirishima của JMSDF trang bị tên lửa SM-3 (trong ảnh góc trái là tên lửa SM-3 khởi động từ tàu Kirishima).

SM-3 được xem là tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới hiện nay, xét về tầm bắn, các công nghệ được áp dụng thì khó có tên lửa nào trên thế giới có thể so sánh.

Hiện nay, hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 trang bị trên 4 tàu khu trục hiện đại nhất Nhật Bản thuộc lớp Kongo. Kể từ lần bắn thử đầu tiên tháng 12/2007, tính tới năm 2010 cả 4 tàu đã thực hiện 4 lần bắn thử tên lửa SM-3 đánh chặn mục tiêu.

Hệ thống đánh chặn Aegis tối tân trên các tàu khu trục Aegis với tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 sẽ đảm nhiệm vai trò đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên ngay sau khi nó rời bệ phóng và hướng về Nhật Bản. Nếu tên lửa Triều Tiên vượt qua được hệ thống đánh chặn Aegis nó sẽ phải tiếp tục đối mặt với hệ thống đánh chặn PAC-3.

Tokyo có vẻ an toàn hơn Hàn Quốc bởi chiếc ô che chắn Aegis và PAC-3 trước mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Mặt khác, khoảng cách từ Triều Tiên đến Nhật Bản đủ xa để hệ thống đánh chặn tên lửa của họ đủ thời gian triển khai đội hình chiến đấu.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Bình Đức

Bình luận(0)