Việt Nam dùng súng máy bắn hạ chiến đấu cơ tối tân

Google News

Bằng chiến thuật phù hợp, bộ đội Việt Nam dùng súng trường, súng máy bắn hạ chiến đấu cơ tối tân của Mỹ.

Năm 1972, Không quân Mỹ lần đầu triển khai chiến đấu cơ F-111 thực hiện các chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, F-111 là một trong những máy bay hiện đại nhất của Mỹ.

“Kẻ đánh lén” nguy hiểm

Máy bay ném bom chiến thuật tầm trung F-111 do hãng General Dynamics thiết kế phát triển từ đầu những năm 1960. Mẫu thử nghiệm F-111 bay lần đầu tháng 12/1964, năm 1967 nó chính thức đưa vào phục vụ trong Không quân Mỹ.

F-111 là thiết kế “ẩn chứa” nhiều công nghệ tiên phong trong sản xuất máy bay chiến đấu như: dùng kiểu cánh cụp cánh xòe, trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy có đốt tăng lực và hệ thống radar theo dõi địa hình.

Đặc biệt, với hệ thống radar theo dõi địa hình, F-111 có thể bay độ cao rất thấp (50m) trong mọi điều kiện thời tiết, trên mọi địa hình.

Các hệ thống điện tử khác trên máy bay gồm: radar điều khiển ném bom AN/APQ-113, hệ thống dẫn đường, hệ thống thông tin liên lạc.

Máy bay ném bom chiến thuật F-111 khi mở rộng cánh hết cỡ và khi cụp cánh hết cỡ (ảnh nhỏ, bên phải).
Máy bay ném bom chiến thuật F-111 khi mở rộng cánh hết cỡ và khi cụp cánh hết cỡ (ảnh nhỏ, bên phải).

Máy bay thiết kế với khoang vũ khí trong thân và các giá treo trên cánh có khả năng mang tới 14,3 tấn gồm các loại bom: bom nổ phá, bom chùm, bom phá boongke, bom có điều khiển.

F-111 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Pratt & Whitney TF30-P-100 cho phép đạt tốc độ tối đa 2.655km/h, bán kính tác chiến 2.140km, trần bay 20.100m.

Khi được đưa vào sử dụng ở Việt Nam, Không quân Mỹ thường dùng F-111 đánh lén, đánh bồi vào sân bay, trận địa tên lửa, pháo phòng không. Ưu điểm tải trọng mang bom lớn, tốc độ cao, khả năng bay siêu thấp, F-111 trở thành kẻ thù lợi hại đối với bộ đội phòng không Việt Nam.

Thậm chí, lực lượng tên lửa SAM-2 khó có khả năng tiêu diệt F-111. Do nó bay rất thấp, luồn lách theo địa hình như khe núi, triền sông gây nhiễu loạn trên màn hiện sóng radar tên lửa, giảm khả năng phát hiện bằng khí tài quang học.

Tuy nhiên, có một điều mà Không quân Mỹ không thể ngờ tới, bộ đội Việt Nam bằng chiến thuật phù hợp đã dùng những khẩu súng trường bộ binh, súng máy 12,7mm cổ lỗ bắn hạ F-111.

Súng máy bắn hạ chiến đấu cơ tối tân

Theo cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không – Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”, bộ đội phòng không Việt Nam dùng chiến thuật phục kích “đón lõng” dựa trên kinh nghiệm đánh máy bay bay thấp của quân Mỹ nhiều năm trước để tiêu diệt F-111.

Để “đón lõng” có hiệu quả, trên suốt đoạn đường bay dự kiến F-111 bay qua, lực lượng dân quân tự vệ địa phương đã bố trí trận địa mai phục trang bị súng trường, súng máy, pháo phòng không tầm thấp.

Xác F-111 bị quân dân miền Bắc bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972.
Xác F-111 bị quân dân miền Bắc bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972.

Quân chủng Phòng không – Không quân còn bố trí những đài quan sát dày đặc phối hợp đài địa phương hình thành mạng quan sát dày đặc quanh Hà Nội. Khi phát hiện F-111 (nhìn thấy bằng mắt hoặc nghe tiếng động cơ), các trinh sát viên phải lập tức thông báo ngay về sở chỉ huy.

Bộ đội ta còn đề ra chế độ trực chiến chặt chẽ, tất cả các nòng súng pháo đều quay về một hướng định sẵn, đạn lên nòng, sẵn sàng kéo cò. Ngay khi nhận được thông báo và có lệnh là bắn ngay. Với hàng loạt lưới lửa tung lên dựng thành màn đạn có chiều sâu sẽ chặn đứng đường bay của F-111.

Với chiến thuật, cách đánh phù hợp, lực lượng phòng không tầm thấp đã bắn rơi 5 chiếc F-111 (trên tổng số 48 chiếc Mỹ triển khai, đạt tỷ lệ 10%) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972).

Ví dụ, đêm 20/12, tự vệ nông trường Thanh Hà (Hà Tây) bằng 44 viên đạn 12,7mm bắn rơi tại chỗ một F-111A. Đêm 22/12, tự vệ nhà máy thuộc quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng từ trận địa Vân Đồn bằng 116 viên đạn 14,5mm bắn hạ một F-111A.

Phượng Hồng (tổng hợp)

[links()]

Bình luận(0)