Vì sao tiêm kích MiG-21 không chịu lạc hậu?

Google News

(Kiến Thức) - Chiến thuật của tiêm kích MiG-21 chủ yếu dựa vào sự hướng dẫn của đài chỉ huy mặt đất nên chiến đấu cơ này không lạc hậu cho dù đã gần 60 năm trôi qua.

Máy bay quân sự vốn có tuổi thọ khá ngắn, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thay đổi một cách chóng mặt. Một chiến đấu cơ tiên tiến nhất thế giới có thể lỗi thời chỉ sau vài tháng. Ví dụ những máy bay chiến đấu tiên tiến đã chiến đấu trên bầu trời bán đảo Triều Tiên đã trở thành “rác” chỉ vài năm sau đó.

Tuy nhiên, một số thiết kế máy bay vẫn trường tồn trước thách thức của thời gian. Chẳng hạn như máy bay ném bom chiến lược B-52 bay lần đầu tiên vào năm 1952, đến nay vẫn tiếp tục hoạt động. Hay áy bay vận tải quân sự C-130 vẫn tiếp tục được xuất xưởng dựa trên thiết kế đi vào hoạt động từ năm 1954.

Các máy bay trên là những phi cơ ném bom, vận tải quân sự không phải đối đầu trực tiếp với các máy bay khác. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu phải đối mặt với thách thức lớn về mặt tuổi thọ vì phải cạnh tranh trực tiếp với các mô hình mới hơn. Do đó, máy bay chiến đấu chỉ duy trì sản xuất và phục vụ trong một thời gian khá ngắn để nhường cho các máy bay mới. Tạp chí National Interest cho rằng, tiêm kích MiG-21 là một ngoại lệ.

Nguồn gốc

Vi sao tiem kich MiG-21 khong chiu lac hau?
MiG-21 thả pháo sáng trong một đợt diễn tập. Ảnh: Airplane Pictures 

Quá trình phát triển ban đầu của MiG-21 được bắt đầu từ năm 1953. Sự thành công của MiG-15 và MiG-17, các kỹ sư Liên Xô cho rằng, họ có thể cạnh tranh với phương Tây và với MiG-19, Liên Xô đã có máy bay chiến đấu siêu âm đầu tiên.

Tuy nhiên, công nghệ hàng không thay đổi rất nhanh trong 2 thập kỷ từ chuyến bay đầu tiên của máy bay phản lực. Những chiếc máy bay chiến đấu thống trị bầu trời Triều Tiên đã trở nên lỗi thời vào giữa những năm 1950. MiG-15 dễ dàng cắt qua đội hình máy bay ném bom B-29, nhưng nó không thể bắt kịp máy bay ném bom hiện đại của Mỹ.

Do đó, MiG-21 được chế tạo để đảm nhận vai trò đánh chặn và chiếm ưu thế trên không. MiG-21 (NATO định danh Fishbed) có thể đạt tốc độ Mach 2 (khoảng 2.200 km/h). Máy bay được vũ trang một pháo 23 mm, cùng 2 đến 6 tên lửa. Tổng cộng có khoảng 10.645 chiếc đã được sản xuất trong giai đoạn 1959-1985.

Huyền thoại của bầu trời

Tốc độ, khả năng cơ động của các máy bay chiến đấu hiện đại do phương Tây hay Nga chế tạo cũng chỉ tương đương MiG-21. Điểm khác biệt là các máy bay mới mang theo nhiều vũ khí và hệ thống điện tử tinh vi hơn. Tuy nhiên, việc mua sắm chiến đấu cơ mới vốn là mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là với các quốc gia có ngân sách quốc phong eo hẹp.

Các quốc gia này đơn giản chỉ muốn một loại máy bay chiến đấu giá rẻ, dễ bảo trì, có thể tuần tra không phận và thỉnh thoảng thả vài quả bom khi cần thiết. MiG-21 là lựa chọn tối ưu. Về cơ bản, MiG-21 tồn tại khá nhiều nhược điểm, cửa hút không khí cho động cơ nằm ở mũi máy bay nên thiếu không gian để lắp radar công suất lớn. Vị trí buồng lái gây khó khăn cho phi công khi quan sát hai bên và phía sau. Tải trọng vũ khí  mang theo khá hạn chế.

Tuy vậy, tiêm kích đánh chặn MiG-21 tỏ ra lợi hại khi hoạt động dưới sự điều khiển của đài chỉ huy mặt đất. Tại chiến trường Việt Nam, chiến thuật đánh chặn bằng MiG-21 dưới sự điều khiển của đài chỉ huy mặt đất mang lại hiệu quả rất cao.

MiG-21 thường áp dụng chiến thuật công kích tốc độ cao vào đội hình máy bay ném bom của Mỹ để tiêu diệt mục tiêu, sau đó nhanh chóng rút về căn cứ. Chiến thuật công kích này buộc các máy bay chiến thuật của Mỹ phải cắt bom sớm hoặc hủy nhiệm vụ trước khi đến mục tiêu.

Vi sao tiem kich MiG-21 khong chiu lac hau?-Hinh-2
MiG-21 phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Airliners 

Tại Trung Đông, MiG-21 được sử dụng khá nhiều trong các cuộc xung đột, đặc biệt là trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và một số khu vực khác ở châu Á. Trong giai đoạn 1980-1990, số lượng sử dụng MiG-21 ngày càng giảm dần. Hiện tại, MiG-21 vẫn phục vụ trong không quân khoảng 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 nước thuộc khối quân sự NATO.

Nga, Ukraine và Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp các gói nâng cấp MiG-21 cho các quốc gia có nhu cầu. Một số phiên bản MiG-21 được trang bị hệ thống điện tử hiện đại cho phép mang những vũ khí tiên tiến.

Phần lớn các quốc gia sử dụng MiG-21 đều lên kế hoạch thay thế bằng một loại chiến đấu cơ mới hơn. Tuy nhiên việc thay thế hoàn toàn có thể kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh đó, một số quốc gia dường như không đủ tiền để tính đến việc mua máy bay mới, nên việc duy trì hoạt động MiG-21 vẫn là lựa chọn hàng đầu của họ.

Nhà phân tích quốc phòng Robert Farley, giảng viên cao cấp tại Đại học Kentucky nhận xét, MiG-21 có thể vượt qua cột mốc 70 năm sử dụng mà không gặp mấy khó khăn. Nó vẫn là một trong những máy bay mang tính biểu tượng của thời đại siêu âm.

Quốc Minh

Bình luận(0)