Vén bức màn lính đặc nhiệm Nga đang kiểm soát Crimea

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia phương Tây tin rằng, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất Quân đội Nga Spetsnaz đang kiểm soát Khu trự trị Crimea, Ukraine.

Spetsnaz là viết tắt của cụm từ spetsialnogo naznacheniya (phiên âm tiếng Nga tạm dịch là lực lượng chiến đấu đặc biệt). Sự tồn tại và phát triển của Spetsnaz rất bí mật, thời điểm đơn vị này được hình thành vẫn chưa được xác định. Một số nguồn tin cho rằng, Spetsnaz được hình thành ngay từ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Ban đầu đơn vị này gồm khoảng 120 người chuyên thực hiện các hoạt động do thám đặc biệt và phá hoại dưới sự giám sát của Tổng Cục 2, Bộ tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2. Đến năm 1950, Nguyên soái Georgy Zhukov ủng hộ việc tạo ra một đơn vị quân đội chiến đấu đặc biệt được gọi là Spetsnaz.
 Phương Tây tin rằng, trong số các "lính lạ" kiểm soát Crimea có cả những chiến sĩ thuộc Spetsnaz.
Đây là lần đầu tiên trong Quân đội Liên Xô cụm từ Spetsnaz được sử dụng để chỉ một đơn vị quân đội riêng, từ đó về sau cụm từ này được sử dụng để gọi tên lực lượng đặc nhiệm của Liên Xô và Nga hiện nay. Quy mô của Spetsnaz phát triển khá nhanh từ cấp tiểu đoàn đến cấp lữ đoàn.
Hiện tại Spetsnaz có 14 lữ đoàn trong lục quân và 2 lữ đoàn hải quân. Những năm chiến tranh Lạnh, Spetsnaz nằm dưới sự chỉ huy của Cục tình báo trung ương thuộc Bộ Tổng tham mưu còn được biết đến với tên gọi Spetsnaz GRU.
Những năm chiến tranh lạnh, nhiệm vụ của Spetsnaz GRU khá nặng nề. Họ phải tìm cách xâm nhập vào gần NATO để tìm hiểu các hệ thống vũ khí mới của khối quân sự này. Trong những năm 1957, một số tiểu đoàn Spetsnaz GRU đã tiến hành các hoạt động trinh sát vượt ra ngoài phạm vi đóng quân của đơn vị từ 150-200km.
Trong những năm 1960, một số lữ đoàn mới thành lập của Spetsnaz GRU đã tiến hành các hoạt động trinh sát, phá hoại ở khoảng cách tới 750km sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương. Nhiệm vụ lúc này của họ là tìm hiểu và phá hủy các hệ thống tên lửa đạn đạo MGM-52 Lance, MGM-29 Sergeant và MGM-31 Pershing.
 Lính Spetsnaz trong cuộc chiến Gruzia 2008.
Nhiệm vụ của Spetsnaz GRU trong thời chiến là thực hiện các hoạt động luồn sâu vào khu vực đóng quân của đối phương núp bóng dưới các đồng phục của quân nhân nước sở tại hoặc các thường dân. Họ sẽ tiến hành các hoạt động phá hoại vài ngày trước khi diễn ra cuộc tấn công chính chẳng hạn như phá hoại các cơ sở thông tin liên lạc, hậu cần, ám sát các nhà lãnh đạo chính phủ và sĩ quan trong quân đội các nước NATO.
Spetsnaz GRU được đào tạo một cách chuyên sâu trong các hoạt động: Xử lý chất nổ, chống khủng bố, bắn tỉa, chiến đấu tay không, nhảy dù, leo núi, chiến đấu dưới nước, phá hoại phương tiện chiến đấu của đối phương và hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Sự tồn tại của Spetsnaz GRU khá bí mật, công chúng hầu như không hề biết đến sự tồn tại của đơn vị quân đội này mãi đến cuối những năm 1980 khi Tổng thư ký Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev thực hiện các chính sách cởi mở.
Lính Spetsnaz tập luyện.
Kể từ đó những câu chuyện về sức mạnh đáng kinh ngạc của Spetsnaz GRU trở thành chủ đề yêu thích của những người Nga yêu nước nhất là trong giai đoạn cuộc cải tổ lực lượng an ninh thời hậu Xô Viết. Spetsnaz GRU có các đơn vị đặc biệt nổi tiếng như: Alpha, Vympel, SOBR , Vityaz.
Chiến công lừng lẫy nhất của Spetsnaz GRU là chiến dịch đột kích ám sát Tổng thống Afghanistan vào năm 1979. Đây là một vụ ám sát chấn động thế giới mà đến nay chỉ có Spetsnaz GRU thực hiện được. Ngoài ra, Spetsnaz GRU còn đóng góp phần rất quan trọng trong các chiến dịch quân sự ở Chechnya, chiến tranh Dagestan, cuộc nổi dậy ở Bắc Kavkaz, chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008.
Spetsnaz GRU cũng được cho là đã xuất hiện làm nhiệm vụ tại khu tự trị Crimea trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ukraine. Trong cuộc cải tổ quân sự vào năm 2010, Spetsnaz đã tách khỏi sự quản lý của Cục tình báo trung ương và giao quyền quản lý cho lục quân và hải quân. Tuy nhiên, một số đơn vị của Spetsnaz vẫn tiếp tục đặt dưới sự quản lý của Cục tình báo trung ương, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga.
Spetsnaz được trang bị các loại vũ khí được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động chiến đấu đặc biệt như: Biến thể rút gọn súng trường tấn công AKS-74U, súng trường tấn công AK-9, súng trường tấn công chính xác nhất thế giới AN-94, súng bắn tỉa VSS Vintorez, SV-98.
 Không nổi tiếng như Navy SEALs, nhưng Spetsnaz luôn được kính trọng với chiến công không thua kém.
Bên cạnh đó họ còn được trang bị những vũ khí mà chỉ họ mới cho như: Con dao đặc biệt NRS-2 có khả năng bắn một viên đạn 7,62x42mm. Con dao kiêm khẩu súng này được ví von là “con dao sống sót” đây là vũ khí cuối cùng giúp người lính thoát khỏi sự khống chế của đối phương khi các vũ khí khác đã hết tác dụng. Viên đạn bí mật nằm trong cán dao có thể giúp họ tiêu diệt đối phương và trốn thoát.
Spetsnaz còn được trang bị súng phóng lựu chống tăng RPG-16, trung liên PKP Pecheneg LMG, vật liệu nổ dẻo cho các hoạt động chiến đấu đặc biệt. Ngoài vũ khí họ còn được trang bị các phương tiện vận chuyển chuyên dụng như trực thăng, xe thiết giáp hoặc những phương tiện di chuyển đặc biệt dưới nước.
So với các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ, Anh thì tên tuổi của Spetsnaz không nổi tiếng bằng nhưng quân đội các nước lớn trên thế giới luôn dành cho họ một sự tôn trọng đặc biệt bởi những chiến công hiển hách của họ.
Bình Đức

Bình luận(0)