Ukraine đã cố hủy diệt siêu cơ Tu-160 như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Liên Xô tan rã, một trung đoàn Tu-160 thuộc quyền sở hữu của Ukraine, Kiev đã bắt tay với Mỹ để phá hủy những máy bay này. 

Tu-160 có nguồn gốc từ một chương trình chế tạo máy bay ném bom liên lục địa rất lớn và được bắt đầu từ rất lâu của Liên Xô. Phòng thiết kế Tupolev không tham gia từ đầu vào chương trình này nhưng đã kết thừa và phát triển rất thành công những gì có từ trước đó. Dòng Tu-160 có thiết kế khí động đẹp và rất thanh thoát. Chúng được phủ trên mình một lớp sơn trắng chống bức xạ. Vì vậy, người ta thường gọi chúng là “thiên nga trắng”.
Thiên nga trắng đáng sợ
Thiết kế máy bay có nhiều điểm tương đồng với dòng máy bay ném bom B-1 của hãng Boeing (Mỹ), đặc biệt là biến thể B-1A Rockwell International. Tuy nhiên, Tu-160 to lớn và mạnh mẽ hơn đối thủ. Cỗ máy nặng 275 tấn này đã thiết lập 44 kỷ lục thế giới.
Tu-160 sử dụng động cơ 4 Samara NK-32 đốt sau có sức đẩy 245kN mỗi chiếc, là loại động cơ phản lực mạnh mẽ nhất từng trang bị trên một máy bay tấn công cho tốc độ bay tới Mach 2,05 - nhanh nhất thế giới trong làng máy bay ném bom hạng nặng.
Tu-160 có hai khoang vũ khí, mỗi khoang có khả năng chứa 20 tấn. Vũ khí đáng sợ nhất của chúng là những siêu tên lửa hành trình Raduga Kh-55, trong đó biến thể Kh-55SM đạt tầm bắn gần 3.000 km, trang bị đầu đạn hạt nhân 200 Kt (gấp khoảng 12,5 lần quả “little boy”mà Mỹ đã “tặng” cho Hiroshima). Tu-160 có thể mang 12 tên lửa loại này.
Siêu máy bay ném bom chiến lược Tu-160 thời Liên Xô
Với 130 tấn nhiên liệu mang theo, “thiên nga trắng” có thể tung cánh liên tục trong 15 giờ, tầm hoạt động 13.000km. Nếu được nạp dầu trên không (bằng máy bay Il-76) máy bay có thể bay xa hơn và thời gian bay trên 20 giờ. Tu-160 có thiết kế mang dáng dấp của công nghệ tang hình và có độ tự động hóa cao, chỉ cần 4 người để điều khiển máy bay (trong đó một phi công dự bị)
Tu-160 bắt đầu được sản xuất theo lô từ 1984, ra mắt trước công chúng trong cuộc duyệt binh năm 1989. Đó là những ngày tháng mà Liên Bang Xô Viết đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tu-160 là mẫu máy bay ném bom chiến lược cuối cùng mang theo biểu tượng ngôi sao đỏ. Sau đó nhiều chiếc đã phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp ở Ukriane, một số vĩnh viễn không thể quay trở về với nước Nga được nữa.
Những chiếc Tu-160 đầu tiên đi vào phục vụ từ 17/4/1987 tại Trung đoàn ném bom hạng nặng “Cận Vệ 184” đóng tại Pryluki. Không lâu sau đó, Liên Xô sụp đổ, nước Ukraine mới tuyên bố toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của nước Cộng hòa XHCN Ukraine trước đây đều thuộc về họ. Tất nhiên, 19 máy bay tương đương với 2 phi đội Tu-160 cũng không phải là ngoại lệ.
Đây là một mất mát cực lớn với không quân chiến lược Nga nói riêng và lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga nói chung vì phút chốc họ đã mất đi phần lớn máy bay tấn công hiện đại nhất, số Tu-160 có thể trực chiến còn lại trên đất Nga được thu gom lại. Tuy nhiên, cũng chỉ có 6 chiếc, nghĩa là chưa đủ một phi đội. Dù tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga, Boris Yeltsin đã ra lệnh nối lại dây chuyền sản xuất Tu-160 vốn bị ngừng sau những biến động đất nước. Nhưng do gặp quá nhiều khó khăn mà công việc sản xuất, thực chất là hoàn thiện các khung thân đã có từ trước không thể thực hiện được. Chọn lựa khả dĩ nhất lúc bấy giờ là mua lại những máy bay Tu-160 đang nằm ở Pryluki.
Số phận thê thảm của thiên nga trắng
Về phía Ukraine, ngay sau khi tách ra độc lập, nước này đã gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng, khối tài sản quân sự khổng lồ được thừa hưởng từ nước Cộng hòa XHCN Ukraine nhanh chóng bị xuống cấp, ngân sách cho quân đội bị cắt giảm mạnh. Trong khi đó, một chiếc Tu-160 ngốn mất 1 triệu USD/ năm tiền bảo dưỡng. Trong trường hợp có đủ tiền thì Ukraine cũng không thể mua đủ phụ tùng thay thế. Các hợp phần của một chiếc Tu-160 được sản xuất ở khắp nơi trên lãnh thổ Liên Xô. Một ví dụ nhỏ là trong khi động cơ NK-32 được sản xuất tại Kazan thì loại dầu đặc biệt IP-50 dùng cho động cơ chỉ được sản xuất ở Azerbaijan. Không những thế, nước Ukraine mới tuyên bố phi hạt nhân. Vì vậy, duy trì hoạt động cho một đơn vị chiến lược đặc biệt như trung đoàn “Cận Vệ 184” là thực sự quá tầm và không cần thiết với Kiev.
Các máy bay Tu-160 đã bị xóa đi biểu tượng ngôi sao đỏ. Nhìn từ bên ngoài chúng đều bạc phếch và han gỉ do sương gió.
V. Zakharchenko, cố vấn quân sự cao cấp của quân đội Ukraine đã thẳng thắn: "Lực lượng vũ trang Ukraine không có nhiệm vụ nào cho Tu-160”. Tư lệnh Không quân Ukraine V. Antonets cũng thừa nhận không thể duy trì hoạt động của các máy bay Tu-160. Các máy bay ở trong tình trạng rất kém. Bề ngoài có thể nhận thấy lớp sơn trắng đã bị bong tróc, nhiều vết han rỉ. Sau khi máy bay bị xóa đi biểu tượng của quân đội Liên Xô là ngôi sao đỏ 5 cánh, chỉ một số ít chúng được sơn biểu tượng mới, cây đinh ba của Ukraine. Rõ ràng siêu phẩm công nghệ đang dần bị hoang phế. Ukraine khi đó đang có ý định bán lại chúng.
Tất nhiên họ biết Nga rất muốn mua, các cuộc đàm phán được thiết lập nhanh chóng giữa hai bên. Tuy nhiên, giữa hai bên vốn đã có nhiều bất đồng sâu sắc, quá trình đàm phán rất khó khăn. Ukraine kiên quyết giữ mức giá rất “cứng” 75 triệu USD cho một chiếc. Báo chí Nga còn cho rằng, người “an em” cũ cố tình kéo dài thời gian để các máy bay thêm xuống cấp và khi Nga mua về sẽ phải tốn rất nhiều tiền để đại tu.
Lúc này, không chỉ có Kremlin quan tâm tới các “đàn thiên nga” ở Pryluki mà Washington cũng không thể rời mắt khỏi chúng. Người Mỹ, tất nhiên là muốn thủ tiêu càng nhiều càng tốt kho vũ khí đang bị chia năm sẻ bay của Liên Xô, nếu mua lại được với giá hời thì càng tốt. Bộ ngoại giao Mỹ chỉ huy một chiến dịch gây sức ép đòi Kiev phải tuân thủ hiệp ước START, bên cạnh đó họ lại hứa hẹn những khoản “bù đắp” lớn nếu Ukraine đồng ý phá hủy Tu-160.
Trong ảnh, chiếc Tu-160 đầu tiên (mã hiệu 24 Red, mới phục vụ 466 giờ bay) bị giết theo chương trình Nunn-Lugar vào tháng 11/1998.
Năm 1998, Ukraine đồng ý phá hủy Tu-160 và nhận 8 triệu USD tiền bồi thường bước đầu theo chương trình CTR (còn gọi là Chương trình Hợp tác Nunn-Lugar) ra đời theo sáng kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Sam Nunn và Richard Lugar. Số tiền này ít hơn nhiều cái giá mà Ukraine đã đặt lên bàn đàm phán với Nga.
44 chiếc Tu-160 và Tu-95, một số Tu-22 và 1.068 tên lửa hành trình của các loại máy bay này đều bị đặt vào danh sách thủ tiêu. “Thiên nga trắng” đầu tiên bị xẻ thịt mang mã hiệu “24 Red” ở ngay tại Pryluki. Một “nghi lễ” được dựng lên, “khách mời” có các thượng nghị sĩ Richard Lugar, Carl Levine và đại diện tập đoàn Raytheon - nhà thầu chính cho dự án phá hủy này. Đó là một cảnh tượng đau xót với không ít nhân viên hàng không Ukraine từng phục vụ dưới lá cờ Liên Xô. Nên nhớ rằng, vào năm 1992, khi chính quyền Kiev mới yêu cầu Trung đoàn “Cận Vệ 184” tuyên thệ trung thành, chỉ 25% tổ bay và 60% nhân viên mặt đất đồng ý. Tháng 11/1999, Ukraine tiếp tục phá hủy chiếc Tu-160 thứ hai, mã hiệu “14 Red” với chỉ 100 giờ bay.
Cuộc giải cứu của Thủ tướng Putin
Nước Nga đã gần thua trong cuộc giải cứu bầy “thiên nga trắng”, tuy nhiên sự can thiệp của thủ tướng Vladimir Putin đã thay đổi tình hình. Cuối năm 1999, các phương tiện truyền thông đưa tin Ukraine đã đồng ý một thỏa thuận bán Tu-160 để trang trải nợ khí đốt với Nga. Putin cùng với ekip của ông đã có những bước đi mạnh mẽ để đạt đến thỏa thuận song phương giữa hai bên: 8 máy bay Tu-160, 3 Tu-95MS và hơn 575 tên lửa hành trình (bao gồm cả các tên lửa Kh-55SM) cùng các thiết bị hỗ trợ mặt đất sẽ được trao cho Nga, đổi lại Ukraine sẽ được khấu trừ 285 triệu USD tiền khí đốt.
Nga sau đó, Nga đã cử một tổ kỹ thuật hàng không hùng hậu sang Pryluki để sửa chữa và đảm bảo những chiếc máy bay bị “bỏ hoang” 9 năm có thể cất cánh được. Họ thông báo chỉ có 10% các bộ phận trên máy bay là còn trong tình trạng tốt. Sau một thời gian đại tu, 5 chiếc có thể tự bay về căn cứ Engels. Những chiếc máy bay xấu số còn lại đều bị xẻ thịt, một chiếc được trưng bày ở bảo tàng Không quân Poltava.
Một phần của phi đội Tu-160 của nước Nga hiện nay.
Dù không thể mang về toàn bộ số máy bay “lưu lạc” nhưng 8 chiếc Tu-160 cùng 3 Tu-95MS cũng là một sự bổ sung đủ để duy trì sức răn đe chiến lược cho Không quân Nga vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong khi nền công nghiệp quốc phòng khổng lồ một thời cần nhiều thời gian để gượng dậy.
Mãi tới năm 2000, Không quân Nga mới nhận được chiếc Tu-160 mới đầu tiên. Công việc sau đó dần được thực hiện nhanh hơn. Từ năm 2006, chương trình tái sản xuất Tu-160 bước vào giai đoạn mới. Trước đó một năm, Tổng thống Putin ký sắc lệnh đưa Tu-160 vào phục vụ chính thức trong không quân Nga.
Ngày 17/8/2007, Tổng thống Putin tuyên bố nước Nga tiếp nối những chuyến tuần tra thời Chiến tranh lạnh, cho những chiếc máy bay ném bom thực hiện những chuyến bay tầm xa nhằm thử nghiệm hệ thống phòng thủ của các nước khác và quan sát. Năm 2008, lực lượng không quân chiến lược Nga nhận thêm một chiếc Tu-160, những đôi cánh thiên nga lại một lần nữa chao lượn trên bầu trời.
Anh Trần

Bình luận(0)