Tường tận máy bay cường kích A-6 Mỹ dùng trong CTVN (3)

Google News

(Kiến Thức) - Trong phần tiếp theo về máy bay cường kích A-6, Kiến Thức giới thiệu một số biến thể tiêu biểu của máy bay chiến đấu này.

EA-6A Electric Intruder
Máy bay cường kích A-6 Intruder ngoài khả năng tấn công mọi thời tiết thì các nhà thiết kế còn dùng nó để thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt. Điển hình như EA-6A Electric Intruder được dùng để tối ưu hóa nhiệm vụ tác chiến điện tử - gây nhiễu radar đối phương và các thiết bị liên lạc. 
13 chiếc A-6A (c/n 147865, 148616, 148618, 149475, 149477, 149478, 149935 và 151595-151600) được cải tiến thành EA-6A và có 15 chiếc EA-6A được sản xuất mới. Các hệ thống điện tử hàng không được trang bị để tối ưu hóa các nhiệm vụ tác chiến điện tử, trang bị thêm 2 giá treo ở phía ngoài mỗi cánh chính để mang các hệ thống gây nhiễu có vỏ bọc. Những chiếc EA-6A này được sử dụng bởi Thủy quân Lục chiến Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, thay thế EF-10B Skynight đã lỗi thời.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)

EA-6A Electric Intruder – Để ý phần cánh đuôi đứng được trang bị hệ thống gây nhiễu trên đỉnh cánh đuôi và mỗi cánh chính lắp thêm một giá treo phía ngoài để mang các hệ thống gây nhiễu có vỏ bọc.

Máy bay thử nghiệm cho chương trình EA-6B Prowler
3 chiếc A-6A (c/n 148615, 149479 và 149481) được dùng làm máy bay thử nghiệm cho chương trình máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-2
Chiếc  A-6A (c/n 149481) thử nghiệm cho chương trình EA-6B Prowler được kéo dài phần thân trước để trang bị thêm 2 chỗ ngồi cho sĩ quan tác chiến điện tử ở phía sau, cánh đuôi đứng được thiết kế lại, còn hệ thống điện tử hàng không thì không đổi.
Máy bay tìm và diệt hệ thống phòng không A-6B và các phiên bản của nó
Những chiếc A-4 Skyhawk làm nhiệm vụ Iron Hand được trang bị tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike đã chứng minh cho Hải quân Mỹ thấy tiềm năng tìm và tiêu diệt radar phòng không của đối phương. Để khai thác khái niệm này, 19 chiếc cường kích A-6A được biến đổi thành 3 biến thể A-6B khác nhau để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương.
Do tên lửa AGM-45 Shrike còn nhiều hạn chế nên Hải quân mỹ muốn một tên lửa tốt hơn. Việc phát triển tên lửa chống bức xạ AGM-78 Standard được bắt đầu từ những năm 1966, với tên lửa có tầm bắn xa hơn, đầu đạn lớn hơn và đầu dò tiên tiến hơn AGM-45 Shrike. AGM-78A (Mod 0) được phóng thử nghiệm lần đầu vào tháng 7/1966 trên một chiếc A-6A.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-3
 Tên lửa chống bức xạ AGM-78A (Mod 0) Standard.
Những chiếc A-6A được chọn để cải tiến thành A-6B được tháo radar AN/APQ-112 và máy tính đạn đạo AN/ASQ-61A để gắn các ăng ten tìm hướng và một số hệ thống dẫn đường/ tấn công DIANE cũng được được tháo bỏ để chứa những thiết bị khác. Điều này khiến A-6B gần như không có khả năng tấn công như A-6A nhưng không là vấn đề gì khi A-6B chỉ tập trung cho nhiệm vụ tìm và tiêu diệt các hệ thống phòng không.
A-6B được trang bị hệ thống cảnh báo radar Bendix AN/APS-107A, hệ thống cảnh báo tên lửa phóng đi Magnavox AN/APR-27, hệ thống nhìn toàn cảnh ETI AN/ER-142.
A-6B (Mod 0)
10 chiếc A-10A (c/n 149949, 149957 và 151558-151565) được cải tiến bởi Grumman Calverton. Chiếc A-6A sau khi cải tiến thành A-6B đầu tiên (c/n 149957) được tái trang bị cho Hải quân Mỹ vào ngày 22/8/1967, trong tổng số 10 chiếc có 4 chiếc bị rơi trong khi hoạt động, 6 chiếc còn lại sau này được nâng cấp thành A-6E. 
Những chiếc này được gọi là A-6B (Mod 0), “Mod 0” là ký tự của phiên bản tên lửa AGM-78A mà nó được trang bị. A-6B (Mod 0) được trang bị hệ thống cảnh báo radar Bendix AN/APS-107A, với các ăng ten có hình dạng như kim cương lắp ở mũi máy bay và mặt dưới cửa hút khí.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-4
 A-6B (Mod 0) (c/n 151558), để ý hệ thống cảnh báo radar Bendix AN/APS-107A, với các ăng ten có hình dạng như kim cương lắp ở mũi máy bay và mặt dưới cửa hút khí.
A-6B (Mod 0/1) và A-6B (Mod 1)
A-6B tiếp tục được cải tiến với việc tên lửa AGM-78B (Mod 1) được đưa vào trang bị trong năm 1968. AGM-78B (Mod 1) trang bị ăng ten tìm phương AN/APS-118 TIAS (Target Identification and Acquisition) mới có khả năng dò được tần số sóng phát ra từ các đài điều khiển tên lửa SA-2 Guideline sớm hơn và nhanh hơn. 
10 chiếc A-6B (Mod 0) trước đó cùng với 6 chiếc A-6A (c/n 149944, 149955, 151591, 151820, 152616 và 152617) được nâng cấp lên chuẩn A-6B (Mod 1). 10 chiếc A-6B (Mod 0) thì được gọi là (Mod 0/1) do nó có thể trang bị cả 2 phiên bản AGM-78 Standard.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-5
 A-6B (Mod 0/1) (c/n 151564), sau khi nâng cấp, ăng ten cảnh báo Bendix AN/APS-107A lắp ở mũi máy bay và mặt dưới cửa hút khí đã được loại bỏ (khoanh đỏ), sử dụng ăng ten cảnh báo AN/ALR-55/ALR-57 lắp ở 2 đầu cánh chính và 2 đầu cánh đuôi ngang (khoanh xanh).
Những chiếc A-6B (Mod 0/1) và A-6B (Mod 1) được chia đều cho các phi đội tấn công VA-34, VA-52, VA-65, VA-75, VA-85, VA-145 và VA-196 để hỗ trợ nhiệm vụ Iron Hand trong các cuộc không kích tàn bạo của Đế quốc Mỹ vào miền bắc Việt Nam.
Theo các tài liệu giải mật, tháng 3/1968, chiếc A-6B (Mod 0) (trước khi nâng cấp thành “Mod 0/1”) của phi đội VA-75 triển khai từ USS Kitty Hawk đã gây phá hủy khí tài của bộ đội tên lửa Việt Nam bằng tên lửa AGM-78A (Mod 0). 
Vào ngày 10/8/1968, chiếc A-6B (Mod 0/1) (c/n 151560) của phi đội VA-196 do đại úy Daniel C. Brandenstein và đại úy Bill Neal. Jr điều khiển bị rơi sau khi phóng khỏi tàu sân bay do lỗi kỹ thuật, cả 2 phi công đều sống sót. 
Ngày 28/8/1968, chiếc A-6B (Mod 0/1) (c/n 151561) của phi đội VA-85 do trung úy Robert Ducan và trung úy Allen Ashall điều khiển đã bị tên lửa SA-2 của bộ đội phòng không miền Bắc Việt Nam bắn rơi cách thành phố Vinh 16km về hướng tây nam, cả 2 phi công thiệt mạng. Đây là 2 chiếc A-6B duy nhất bị rơi trong khi làm nhiệm vụ trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra có 2 chiếc A-6B khác bị rơi vào tháng 10 năm 1971 và tháng 7 năm 1972 trong khi huấn luyện.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-6
 A-6B (Mod 1) (c/n 149955), để ý các ăng ten của hệ thống tìm phương AN/APS-118 TIAS lắp ở trước mũi và phía sau đuôi máy bay.
A-6B PAT/ARM
Tháng 2/1967, phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (JHU-APL) đã nghiên cứu về việc sử dụng một đầu thu thụ động kết hợp với radar AN/APQ-112. Mục đích là để thêm khả năng phát hiện và định vị mục tiêu phát ra bức xạ cho A-6 mà không phải tháo hoặc làm giảm bất kỳ hệ thống dẫn đường hay vũ khí nào.
Từ khi các tổ hợp phòng không càng ngày khó định vị bởi radar của A-6 và các hệ thống cảnh báo thụ động chỉ cung cấp dữ liệu về góc (hướng) của các tổ hợp phòng không chứ không có cự ly. JHU-APL đã kết hợp cả 2 lại bằng cách dùng ăng ten thu thụ động băng sóng S lắp lên chảo ăng ten của radar AN/APQ-112. Sử dụng kỹ thuật giai đoạn giao thoa, nó có thể xác định góc phương vị và độ cao của một trạm radar mặt đất từ máy bay và định tâm ăng ten của radar về mục tiêu. Hệ thống này được gọi là Hệ thống theo dõi góc thụ động (PAT-Passive Angle Tracking).
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (3)-Hinh-7
A-6B PAT/ARM (c/n 155630), hình dạng không thay đổi so với A-6A do nó giữa lại radar AN/APQ-11
Tháng 11/1967, chiếc A-6A (c/n 152914) được cải tiến với hệ thống PAT bắt đầu thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra nhiều lỗi trong hệ thống PAT khiến JHU-APL phải sửa đổi lại một số thứ, tuy nhiên đã khiến Hải quân Mỹ thấy được tiềm năng và cải tiến thêm 3 chiếc A-6A (c/n 155628-155630) với hệ thống PAT. Những chiếc A-6A này được gọi là A-6B PAT/ARM. Mỹ đã triển khai 4 chiếc A-6B PAT/ARM trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong thời gian hoạt động ở Việt Nam, những chiếc máy bay cường kích A-6B đã gây ra những thiệt hại đáng kể khí tài radar, tên lửa SA-2 của bộ đội Việt Nam. Các tài liệu giải mật của Mỹ viết rằng, đã có 299 đạn tên lửa AGM-78 Standard phóng đi từ những chiếc A-6B, 191 tên lửa bắn trúng đích, 3 tên lửa được vứt trong khi bay và 103 tên lửa được cho là “không rõ kết quả”. Xác suất tấn công chính xác là 64%.
Tri Năng

Bình luận(0)