Phạm Tuân: “Người dự bị” của những chiến công bầu trời

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã hai lần phải “ngồi ghế dự bị”, nhưng nhờ may mắn, tài trí và lòng dũng cảm, Trung tướng Phạm Tuân đã làm nên những chiến công hiển hách. 

“Trượt thợ máy lên làm phi công”
Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân. Sau này, trong những lần chia sẻ với công chúng, ông kể lại: Năm ông 14 tuổi, thì Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương Đông I (Vostok I) đưa nhà du hành Yuri Gagarin lên vũ trụ (ngày 12/4/1961), mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Sự kiện này để lại dấu ấn sâu sắc trong cậu bé Phạm Tuân khi ấy. Và rồi bốn năm sau đó, khi tốt nghiệp phổ thông, ông xung phong nhập ngũ.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi
 Hai nhà du hành vũ trụ V.V.Gorbatko và Phạm Tuân.
Lúc bấy giờ (năm 1965), Không quân là một binh chủng mới mẻ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy non trẻ, nhưng những cánh én bạc MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã cất cánh và làm nên chiến thắng trận đầu trên bầu trời Hàm Rồng ngày 3-4/4/1965. Chàng thanh niên Phạm Tuân tha thiết đề nghị được phục vụ trong không quân. Nhưng ông không trúng tuyển phi công, mà chỉ được chọn làm thợ máy. Tuy nhiên, như vậy cũng là đã đủ với Phạm Tuân. Ông hăm hở cùng đồng đội lên đường sang xứ sở bạch dương để học tập về kĩ thuật không quân.
Nhưng một biến cố lớn đã xảy ra với Phạm Tuân. Đoàn bay MiG-17 sang Liên Xô học tập có nhiều học viên không đảm bảo sức khỏe và không theo nổi chương trình huấn luyện. Do thiếu học viên phi công nên các chuyên gia y tế Liên Xô đã kiểm tra sức khỏe các học viên kĩ thuật mặt đất (thợ máy) để lựa chọn một số “đôn” lên học bay. Và chàng học viên thợ máy Phạm Tuân đã may mắn được trúng tuyển. Lúc này, ông mới chỉ bắt đầu học tiếng Nga được khoảng 1,5 tháng (trong chương trình học 9 tháng). 
Những rào cản về ngôn ngữ và chương trình huấn luyện gian khổ không thể ngăn được ý chí của Phạm Tuân và đồng đội. Ông miệt mài học bay, đầu tiên là những chiếc máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-18, rồi đến những chiếc MiG-15 UTI huấn luyện, và cuối cùng là tiêm kích MiG-17. Chàng “thợ máy hụt” Phạm Tuân - “phương án dự bị” của các chuyên gia Liên Xô đã tỏ ra vượt trội về khả năng kĩ thuật, và là người đầu tiên trong số 10 phi công của đoàn bay được lựa chọn huấn luyện bay đêm trên các bản MiG-17 PF/PFM có trang bị radar. Nhắc lại kỉ niệm này, ông dí dỏm: “Người ta trượt phi công xuống làm thợ máy, còn tôi thì trượt thợ máy lên làm phi công!”.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-2
 Phi công Phạm Tuân trong bộ đồ bay cao không VKK-6, đứng bên chiếc MiG-21 MF.
Tình hình chiến trường có nhiều biến chuyển, đoàn bay của Phạm Tuân được lệnh nhanh chóng kết thúc sớm chương trình huấn luyện để về nước năm 1967. Phạm Tuân trở thành một phi công của Trung đoàn Không quân 921 “Sao Đỏ”. Ông được học chuyển loại máy bay tiêm kích siêu âm MiG-21 hiện đại hơn. Với những thành tích đã thể hiện trong các khoa mục huấn luyện bay đêm, Phạm Tuân được biên chế về Đại đội 5 - Đại đội đánh đêm của Trung đoàn 921, mới được thành lập tháng 2/1967. Cùng với các đồng đội của đại đội bay đêm, Phạm Tuân tích cực tham gia xuất kích. Một trong các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đại đội 5, đó là săn tìm các “pháo đài bay” B-52 vào ban đêm trên vùng trời Bình - Trị - Thiên và đường 9 - Nam Lào, bảo vệ các hành lang giao thông vận tải của Đoàn 559.
Không chiến ban đêm là một khoa mục khó khăn hơn rất nhiều so với chiến đấu ban ngày. Theo Tạp chí Hàng không vũ trụ Nga, cho đến trước thềm chiến dịch Linebacker II - cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972 - thì chỉ có 18 phi công tiêm kích trên tổng số 194 phi công Không quân Nhân dân Việt Nam là đã được huấn luyện tác chiến ban đêm. Trong số đó, có 5 phi công được huấn luyện bay MiG-17, và 13 phi công được huấn luyện bay đêm trên chiếc MiG-21.
Như vậy, số phi công MiG-21 có thể tác chiến săn tìm B-52 vào ban đêm chỉ chiếm chưa đầy 7% số phi công của miền Bắc. Và Phạm Tuân là một trong số đó. Ngay từ đêm 18/12/1972, đêm đầu tiên của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng, thượng úy Phạm Tuân đã cất cánh đánh chặn không quân Mỹ. Cần phải nói thêm rằng: Trong điều kiện không quân Mỹ chế áp liên tục các sân bay miền Bắc, thì chỉ riêng việc cất cánh của Phạm Tuân và các đồng đội cũng đã là một thành công. Bên cạnh việc tiêu diệt “pháo đài bay” B-52, thì nhiệm vụ quan trọng của không quân là làm rối loạn đội hình địch, tạo điều kiện cho tên lửa phòng không S-75 tác chiến diệt mục tiêu.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-3
 Anh hùng Phạm Tuân nói chuyện với giặc lái Mỹ bị bắn rơi.
Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội đi vào những ngày cuối, nhưng không quân vẫn chưa tiêu diệt được chiếc B-52 nào. Chiều 27/12/1972, biên đội của Phạm Tuân cất cánh từ Nội Bài, bí mật hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. 22 giờ 20 phút tối, Sở chỉ huy lệnh cho phi công Phạm Tuân cất cánh. Chiếc máy bay MiG-21 F96 mang số hiệu 5121 khéo léo tránh những hố bom lồi lõm trên đường băng, cất cánh lao lên bầu trời đêm đen thẫm. Đài chỉ huy Mộc Châu dẫn Phạm Tuân bay theo chiến thuật “đi thấp kéo cao”, vượt qua sự truy cản của các máy bay chiến đấu F-4 của địch để tìm diệt máy bay ném bom chiến lược B-52. Phạm Tuân được dẫn vòng về phía Bắc để tránh F-4, sau đó vòng về hướng Tây Nam, lên độ cao 4.000m, tốc độ bay 950km/h, vượt qua một tốp F-4 nữa và quay về phía Nam. Khi lên đến độ cao 5.000m thì được thông báo B-52 cách 150km, rồi 80km. Sau khi thông báo đến lần thứ ba, ông vứt thùng dầu phụ và bật tăng lực lấy độ cao.
Đến độ cao 7.000 mét, với tốc độ bay 1000 km/h, Phạm Tuân phát hiện được hai dãy đèn của B-52. Tuân báo cáo về Sở chỉ huy và vòng bám phía sau. Sở chỉ huy thông báo cự li đến mục tiêu còn 12km, rồi 10km. Ông bay với tốc độ siêu âm, tập trung quan sát, tiếp cận mục tiêu, không cần để ý đến lực lượng F-4 đi bảo vệ B-52.
Đến cự li 3km, Phạm Tuân vẫn bình tĩnh chờ vào gần hơn nữa để công kích. Ông nhanh chóng phóng hai đạn tên lửa K-13, diệt một B-52 và thoát li xuống độ cao 3.000m, trở về sân bay Yên Bái an toàn sau 20 phút bay. “Người dự bị” Phạm Tuân đã lập nên một chiến công oai hùng cho Không quân Nhân dân Việt Nam: hạ gục một máy bay B-52, góp phần làm nên thắng lợi chung “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đồng hành cùng Gorbatko bay vào vũ trụ
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-4
 Phi công Phạm Tuân luyện tập trong trạng thái không trọng lượng (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới, số 3.876, ra thứ ba ngày 29/07/1980)
Số phận lại một lần nữa "trêu đùa" với Phạm Tuân 8 năm sau đó, khi ông tiếp tục làm “người dự bị”. Lần này là trong chương trình Interkosmos, khi Liên Xô giúp đỡ các đồng minh nước XHCN anh em đưa người lên vũ trụ. Lần lượt các nước Tiệp Khắc (2/3/1978), Ba Lan (27/6/1978), Cộng hòa Dân chủ Đức (26/8/1978), Bulgari (10/4/1980), Hungary (26/5/1980) đã đưa các phi hành gia của mình bay vào không gian. Và Việt Nam được lựa chọn cho chuyến bay thứ sáu của Interkosmos.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-5
 Phạm Tuân và V.V.Gorbatko luyện tập trong khoang giả lập trạm vũ trụ "Chào mừng" (Ảnh đăng trên báo Hà Nội mới số 3.879, ra thứ sáu ngày 1/8/1980)
Ban đầu, Phạm Tuân không nằm trong danh sách những ứng cử viên phi hành gia. Nhưng suốt hai tháng ở Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô chỉ tuyển được ba người nên Phạm Tuân đã được chọn bổ sung. Ba ứng viên còn lại là Nguyễn Văn Cốc (sinh năm 1942, phi công tiêm kích bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong kháng chiến chống Mỹ: 9 chiếc, về sau là Trung tướng, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng), Bùi Thanh Liêm (sinh năm 1949, phi công tiêm kích, về sau hi sinh năm 1981 khi bay huấn luyện), Đinh Trọng Khánh (sinh năm 1949, phi công tiêm kích, về sau là Thiếu tướng, Chính ủy Học viện Phòng không - không quân). Một điều trùng hợp là cả bốn ứng viên này đều có những năm tháng gắn bó với Trung đoàn Không quân 921 “Sao Đỏ” anh hùng.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-6
 Tác động của gia tốc khi bay lên vũ trụ. Một trong những khó khăn mà Anh hùng Phi công Phạm Tuân sẽ phải đối mặt. Khi ở trong khoang tàu Liên hợp 37 chờ phóng lên, Phạm Tuân phải ngồi ở tư thế nằm ngửa, đùi cong tạo với thân người góc 75-80 độ (Ảnh đăng trên báo Nhân dân, số 9.542, ra ngày thứ ba, 29/07/1980)
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-7
 Phạm Tuân và V.V.Gorbatko trong một bài tập.
Trải qua những thử thách khắc nghiệt của việc tuyển lựa phi hành gia, Phạm Tuân từ vị trí “lấp chỗ trống” đã được lựa chọn trở thành phi hành gia vũ trụ cùng với V.V.Gorbatko, nhà du hành vũ trụ Xô viết. Bùi Thanh Liêm và V.F.Bykovsky là hai phi hành gia dự bị cho sứ mệnh.
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-8
 Trước giờ khởi hành, trong khoang điều khiển tàu Soyuz 37, sân bay vũ trụ Baikonur, Liên Xô (Ảnh đăng trên báo Nhân dân số 9.538, ra thứ sáu ngày 25/07/1980)
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-9
 Trên trạm vũ trụ "Chào mừng" (ảnh tư liệu đăng trên báo Quân đội Nhân dân).
21h33 phút 03 giây ngày 23/7/1980 giờ Moskva, tức 1h33 phút 03 giây ngày 24/0/1980 giờ Hà Nội, con tàu Liên hợp 37 (Soyuz 37) rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô), đưa hai nhà du hành vũ trụ Gorbatko và Phạm Tuân bay vào không gian. Đó là giây phút không thể nào quên của nhân dân Việt Nam, cũng như của cá nhân Phạm Tuân, khi ông trở thành người Việt Nam đầu tiên, và cũng là người châu Á đầu tiên bay lên vũ trụ. 
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-10
 Lời chào Trái Đất.
Hành trang của ông lên vũ trụ là một bản Tuyên ngôn Độc lập, một bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nắm đất từ Quảng trường Ba Đình lịch sử và ảnh của Tổng bí thư Lê Duẩn. Trong suốt 7 ngày 20 giờ 42 phút trong khoảng không vũ trụ, Phạm Tuân liên tục bận rộn với hàng chục thí nghiệm khoa học trên trạm Chào mừng 6 (Salyut 6). Sau đó, con tàu Liên hợp 36 (Soyuz 36) được phóng lên từ trước đó (ngày 26/5/1980) đã đưa Phạm Tuân và V.V.Gorbatko trở về Trái Đất. 
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-11
 Hai nhà du hành vũ trụ trở về trong sự chào đón nồng nhiệt
Pham Tuan: “Nguoi du bi” cua nhung chien cong bau troi-Hinh-12
 Nước xã hội chủ nghĩa thứ bảy đưa người vào vũ trụ (Số liệu đăng trên báo Nhân dân số 9.537, ra ngày thứ năm 24/07/1980)
18h15 phút ngày 31/07/1980 giờ Moskva, tức 22h15 phút giờ Hà Nội, khoang đổ bộ tàu Liên hợp 36 hạ cánh an toàn, đưa hai nhà du hành vũ trụ trở về Trái Đất.
Thanh Hoa

Bình luận(0)