Pantsir-S1 của Nga “vô dụng” với mục tiêu bay

Google News

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga đã không đáp ứng được yêu cầu tấn công mục tiêu cơ động trong các cuộc thử nghiệm.

- Bộ Tư lệnh Lục quân Nga đã từ chối thông qua trang bị hệ thống pháo/tên lửa phòng không ZRPK Pantsir-S1 sau khi các cuộc kiểm tra phức tạp cho thấy hệ thống này không đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Izvestia trích dẫn nguồn tin trong Bộ Tư lệnh Lục quân Nga cho biết thông tin trên hôm 14/9.

Theo nguồn tin này, các cuộc kiểm tra gần đây tại trường bắn Ashuluk cho thấy rằng các đặc tính kỹ thuật của hệ thống phòng không Pantsir-S1 đã không đáp ứng được yêu cầu của quân đội Nga. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Lục quân đã quyết định không mua hệ thống Pantsir-S1.

ZRPK Pantsir-S1 do Viện thiết kế khí cụ Tula (KBP) phát triển dựa trên hệ thống phòng không Tunguska với mục đích bảo vệ các công trình quốc phòng, các cơ quan nhà nước, trung tâm chính trị, an ninh quan trọng và yểm hộ, che chắn một phần khoảng trống tầm gần cho các hệ thống phòng không tầm xa như S-300, S-400 và S-500 (trong tương lai). Pantsir-S1 cũng có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu lính bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ dưới mặt đất.

Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 10 hệ thống Pantsir-S1, tất cả các hệ thống này hiện tại đang được biên chế thành các phân đội thuộc Lực  lượng Phòng thủ Không gian (ASD) để cơ động và bảo vệ cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf. Bộ Quốc phòng Nga cũng lên kế hoạch mua khoảng 100 hệ thống Pantsir-S1 cho các đơn vị của ASD trong vòng 8 năm tới.

Các tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Nga
Các tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Nga

Vấn đề lựa chọn hệ thống Pantsir cho Quân đội Nga đã là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Các thử nghiệm so sánh khả năng giữa hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 (do PVO Almaz-Antey phát triển) và Pantsir-S1 đã được thực hiện. Izvestia trích dẫn nguồn tin riêng cho biết, Pantsir đã không được thành công lắm trong các cuộc thử nghiệm này.

Tên lửa của tổ hợp Pantsir-S1 đã không thể bắn trúng mục tiêu di động. Ngoài ra thiết kế của nó khá cồng kềnh khi di chuyển, trong khi đó đây lại là vấn đề cần giải quyết đối với các đơn vị bộ binh.
 
Ngoài ra, trong chiến tranh hiện đại ngày nay, các hệ thống phòng không tầm xa "bất lực" khi đối đầu với các cuộc tấn công tầm gần bởi nó không thuộc phạm vi của hệ thống. Việc chống lại các mục tiêu như trực thăng và các máy bay cường kích, tên lửa hành trình bay thấp của đối phương sẽ hiệu quả hơn khi sử dụng các hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần.
’Vô dụng’ với mục tiêu bay

Theo người đứng đầu của Trung tâm Dự báo Quốc phòng, Đại tá Anatoly Tsygankov, bất chấp sự thất bại của Pantsir, Bộ Quốc phòng Nga có thể vẫn phải trang bị các hệ thống pháo/tên lửa phòng không này cho quân đội của họ.

"Sáu năm trước, chúng ta đã hình thành ý tưởng về các đơn vị pháo/tên lửa phòng không đi kèm với lực lượng mặt đất. Do đó, Bộ Quốc phòng sẽ phải mua Pantsir-S1 hoặc là tìm kiếm một đối tác nước ngoài của họ", ông Tsygankov nói.

Tổ hợp Pantsir-S1 cải tiến
Tổ hợp Pantsir-S1 cải tiến

Trong trường hợp này, người đứng đầu của Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Alexander Khramchikhin cho rằng, sự thất bại của Pantsir khi không thể bắn hạ các mục tiêu cơ động làm cho nó trở thành một loại vũ khí "vô dụng".

"Nếu hệ thống không thể bắn rơi các mục tiêu vận động, điều đó có nghĩa là nó sẽ không thể tấn công các đầu đạn có điều khiển. Đồng nghĩa với việc hệ thống dễ bị tổn thương bởi các hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS của đối phương. Cho tới khi vấn đề này được giải quyết, việc bắt buộc phải mua các hệ thống Pantsir sẽ trở nên vô nghĩa", ông Khramchikhin nói.

Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không kết hợp Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa phòng không dẫn đường 9M335 có tầm bắn xa 12 km và trần bắn cao 8 km. Tổ hợp có thể đồng thời phóng 3 tên lửa cùng lúc để tiêu diệt mục tiêu.

Về vũ khí pháo binh, Pantsir-S1 trang bị 2 pháo tự động một nòng 30 mm 2A72. Hệ thống chiến đấu được lắp theo kiểu mô đun lên xe chiến đấu theo kiểu mái nhà. Ngoài ra, hệ thống tích hợp một radar kết hợp một kênh quang học để phát hiện và điều khiển/ngắm bắn tiêu diệt mục tiêu. Phía sau khoang lái của xe là khoang điều khiển chiến đấu cho một chỉ huy và một nhân viên điều khiển vũ khí được trang bị các hệ thống điện tử hiện đại.

Tuyết Mai (theo Izvestia)

[links()]

Bình luận(0)