Biến thể L-39 thế kỷ 21 phù hợp với Việt Nam có gì lạ?

Google News

(Kiến Thức) - Máy bay huấn luyện L-39 phiên bản thế kỷ 21 trang bị hệ thống điện tử kỹ thuật số, động cơ mới hiện đại hơn.

L-39 là thiết kế máy bay huấn luyện nổi tiếng được chế tạo bởi Aero Vodochody, trước đây thuộc Tiệp Khắc nay là Cộng hòa Czech. L-39 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1968, nó được chấp nhận biên chế trong Không quân Tiệp Khắc (cũ) từ năm 1972.

Hơn 3.000 chiếc đã được sản xuất và xuất khẩu cho hơn 30 quốc gia trên thế giới và đến nay vẫn còn khoảng 400 chiếc đang hoạt động với vai trò máy bay huấn luyện chủ lực trong đó có Không quân Nhân dân Việt Nam.

L-39 là một máy bay phản lực huấn luyện hiệu suất cao, một lựa chọn lý tưởng cho các phi công tập sự làm quen với tốc độ cao trước khi sử dụng các tiêm kích có tốc độ siêu âm. Ưu điểm của L-39 là khả năng cơ động tuyệt vời, hiệu suất hoạt động cao ngay cả trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Mô hình biến thể hiện đại hóa L-39NG được xem là đã mang lại một bước lột xác cho L-39 vốn đã rất thành công.

Bên cạnh đó, L-39 có chi phí hoạt động và bảo trì rất thấp, độ bền cao đã tạo nên sự thành công cho nó trong hơn 40 năm qua. Nối tiếp thành công của L-39, nhà sản xuất Aero Vodochody đã cho ra đời biến thể hiện đại hóa mang tên L-39NG.

Đại diện nhà sản xuất cho biết, L-39NG được xây dựng trên nền tảng sự thành công của L-39 kết hợp, bổ sung các tính năng hiện đại của thế kỷ 21. Các tính năng mới bao gồm: Động cơ phản lực hạng nhẹ thế hệ mới FJ44-4M cho phép cải thiện tốc độ máy bay trong khi tiết kiệm nhiên liệu hơn, tăng phạm vi hoạt động và độ bền cao hơn.

Buồng lái được trang bị module nhà kính hiện đại có khả năng chống chịu va chạm với chim cùng các hệ thống điện tử tiên tiến. Hệ thống thông tin liên lạc mới cùng hệ thống đào tạo ảo nhúng mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí trong đào tạo chuyển loại cho phi công tiêm kích thế hệ tiếp theo.

Khung máy bay được gia cố bằng các vật liệu công nghệ cao giúp giảm trọng lượng, tăng tuổi thọ và độ bền cơ học cùng nhiều cải tiến khác trong thiết kế. Chiếc máy bay mới dự định sẽ thay thế trực tiếp cho L-39 cũng như các máy huấn luyện thế hệ cũ khác.

Đồ họa buồng lái nhà kính hiện đại trên biến thể L-39NG. Nhìn vào đây có cảm giác như đây là buồng lái của một chiếc tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại chứ không phải là buồng lái của một chiếc máy bay huấn luyện.

So với L-39 nguyên bản, L-39NG có những thay đổi như sau:

- Trọng lượng tổng thể nhẹ hơn, khung máy bay mạnh mẽ hơn, độ bền cơ học cao hơn

- Cánh máy bay được thiết kế lại, cải thiện dung tích và độ bền của thùng nhiên liệu để tăng phạm vi hoạt động

- Cải thiện khả năng chống ăn mòn của các vật liệu sử dụng trên máy bay

- Cải thiện 4 giá treo dưới cánh cho phép mang nhiều loại vũ khí không điều khiển khác nhau hoặc thùng nhiên liệu phụ trợ

- Khung máy bay được thiết kế lại với tuổi thọ lên đến 15.000 giờ bay

- Hệ thống điện tử kỹ thuật số module cho phép dễ dàng cập nhật và nâng cấp trong tương lai

- Động cơ mới có thời gian tăng tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, độ ồn và độ bộc lộ hồng ngoại thấp hơn.

L-39NG đã mang lại một bước lột xác mới cho L-39. Các gói nâng cấp mang lại cho nó khả năng linh hoạt rất cao trong nhiệm vụ huấn luyện phi công hay thực hiện các phi vụ tấn công hạng nhẹ hay trinh sát chiến trường trong mọi điều khiện thời tiết khác nhau.

Ladislav Simek, Chủ tịch của Aero Vodochody cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho các khách hàng hiện tại một giải pháp thay thế phi đội huấn luyện L-39 lão hóa của họ, bên cạnh đó chúng tôi cũng mong đợi những khách hàng mới. Kế hoạch của công ty sẽ giới thiệu nguyên mẫu L-39NG vào năm 2016, giao hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2018”.

Trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam đang hoạt động khoảng 26 chiếc máy bay huấn luyện L-39C. Sự ra đời của biến thể hiện đại hóa L-39NG sẽ là một lựa chọn phù hợp để bổ sung và thay thế dần cho phi đội máy bay huấn luyện L-39 đang lạc hậu dần.

Quốc Minh

Bình luận(0)