9K113 Konkurs: tên lửa Nga diệt xe tăng Nga

Google News

(Kiến Thức) - Bằng tên lửa chống tăng 9K113 Konkurs do Nga chế tạo, quân nổi dậy Syria đã thiêu cháy xe tăng hiện đại nhất quân chính phủ, T-72.

Mới đây, tờ Telegraph đăng tải một đoạn clip được cho là quân nổi dậy Syria dùng tổ hợp tên lửa chống tăng 9K113 Konkurs (NATO định danh là AT-5) tấn công tiêu diệt xe tăng hiện đại nhất quân chính phủ, T-72. “Trớ trêu thay”, T-72 cũng là một loại xe tăng nổi tiếng do Nga sản xuất.

Theo nguồn tin từ quân nổi dậy, lô tên lửa chống tăng Konkurs được A Rập Saudi chuyển tới cho lực lượng này tại thành phố Aleppo. Ngoài ra, quân nổi dậy còn tấn công kho vũ khí chính phủ Syria lấy đi không ít loại tên lửa này.

Tổ hợp tên lửa chống tăng 9K113 Konkurs (NATO định danh là AT-5 Spandrel) do Phòng thiết kế Tula (Liên Xô) chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển từ những năm 1970.

So với “tiền nhiệm” 9K111 Fagot ( NATO định danh là AT-4 Spigot) thì cơ bản cấu tạo và nguyên lý hoạt động của 9K113 Konkurs không có sự khác biệt. Có điều nó được chế tạo lớn hơn, sử dụng loại tên lửa dài và nặng, có sức xuyên phá mạnh hơn nhiều cũng như tầm bắn tăng lên gần gấp đôi.

Tổ hợp tên lửa chống tăng 9K113 Konkurs gồm 2 thành phần chính: Bệ phóng 3 chân 9P135 (tích hợp hệ thống ngắm quang học) và đạn tên lửa chống tăng 9M113. Toàn bộ chỉ có trọng lượng chưa tới 40kg, khi được chia nhỏ bộ binh có thể mang vác hành quân trên quãng đường dài.
Tổ hợp 9K113 gồm bệ phóng và ống phóng tên lửa.

Trong đó, đạn tên lửa 9M113 nặng 14,6kg, dài 1,15m, đường kính thân 135m, sải cánh 468mm. Khi phóng, chúng được đẩy ra ngoài nhờ một liều phóng nguội được kích hoạt bằng điện. Sau khi tên lửa được đẩy ra ngoài cách 10-15 m thì nó mới kích hoạt động cơ đẩy nhiên liệu rắn để đẩy tốc độ lên trên 200m/s.

Tên lửa tự quay 5-7 vòng/giây trong quá trình bay nhờ vào 4 cánh trước nghiêng góc 2 độ. Động cơ phụt nghiêng và 4 cánh cố định lớn ở thân tên lửa tự định quĩ đạo đường đạn của nó.

Tên lủa dùng công nghệ dẫn đường bán tự động truyền lệnh qua dây dẫn (SACLOS). Nghĩa là, trong khoảng thời gian tên lửa rời ống phóng cho khi đến khi nó phá hủy mục tiêu, xạ thủ phải giữ hồng tâm của kính ngắm quang học nằm trên mục tiêu, trong khi đó đạn tên lửa tự động bù lệch so với đường ngắm .

Vị trí của đạn tên lửa được xác định bởi bức xạ hồng ngoại do 1 đèn phát nằm trong tên lửa. Dựa vào đó xạ thủ truyền lệnh thích hợp đến tên lửa thông qua một dây mảnh được nối đằng sau tên lửa. Nhờ đó nó có xác suất đánh trúng rất cao kể cả khi phải bám bắt các mục tiêu di động.
Đạn tên lửa chống tăng 9M113.

9M113 sử dụng đầu đạn xuyên lõm 9N131 2,7kg đặt ở khoang chiến đấu nằm giữa phần truyền động cánh lái và động cơ đẩy chính. Đầu đạn sử dụng cơ chế chạm nổ, có thể xuyên thủng lớp giáp quy ước dày 750-800mm. Sức mạnh này có thể phá hủy hoặc gây hư hại nặng cho bất kỳ mục tiêu bọc thép cũng như công sự kiên cố nào.

Ở biến thể cải tiến sau này, tên lửa còn được trang bị một đầu đạn phá giáp ERA giúp tên lửa tăng sức tấn công các mục tiêu có giáp phản ứng nổ.

Một trong những mục đích khi thiết kế tên lửa có tốc độ hạ âm là làm giảm tối đa khoảng chết (khoảng cách tối thiểu tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu), điều này giúp hệ thống Konkurs có tầm bắn hiệu quả từ 75-4.000m.

Ở Konkurs còn trang bị màn hình hồng ngoại 1PN65 giúp tên lửa có thể hoạt động ban đêm hay trong các điều kiện thời tiết phức tạp không cho phép sử dụng kính ngắm quang học thông thường, tầm bắn khi sử dụng thiết bị này là 2.500m.

Với độ chính xác cao, sức công phá mạnh, tầm bắn lớn thực sự 9K113 Konkurs là “đối thủ” nguy hiểm với dàn xe tăng T-72 của quân chính phủ Syria. Phần lớn số xe tăng này còn không được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) nên nếu quân nổi dậy nhận số lượng lớn loại tên lửa này thì đó thực sự là “thảm họa” với dàn tăng quân chính phủ.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Anh Trần

Bình luận(0)