Việt Nam tích cực nghiên cứu vũ khí hải quân

Google News

Những năm qua, Viện Kỹ thuật Hải quân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thiết kế đóng mới, nâng cấp các loại tàu chiến đấu, vũ khí hải quân.

Viện Kỹ thuật Hải quân (KTHQ) có nhiệm vụ chính trị trung tâm là tham mưu giúp Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân về định hướng phát triển và tham gia thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ (KH-CN); tổ chức nghiên cứu khai thác sử dụng, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là các hệ vũ khí, khí tài hiện đại mới đưa vào trang bị.

Viện còn tham gia thiết kế đóng mới, cải hoán tàu chiến đấu, tàu bổ trợ và các loại phương tiện nổi của Hải quân; đồng thời tham gia nghiên cứu sản xuất vật tư phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật và nhiều nhiệm vụ khác…

Trải qua 35 năm nỗ lực nghiên cứu, khắc phục khó khăn, Viện KTHQ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tổ chức nghiên cứu KH-CN và đưa vào ứng dụng nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Điển hình như lớp tàu chiến đấu 500 tấn, xuồng CQ-01 và CV-01; các hệ thống thiết bị kiểm tra, điều khiển trên tàu và hệ thống năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa...

Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Viện đã triển khai thực hiện hơn 110 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH-CN đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Viện đã tổ chức lập dự án thiết kế đóng mới nhiều loại tàu theo nhiệm vụ được giao. Kết quả nghiên cứu của Viện đã từng bước giải quyết những khó khăn đặt ra trong công tác kỹ thuật, góp phần thực hiện nhiệm vụ làm chủ VKTBKT của Quân chủng.
 Cán bộ Viện Kỹ thuật Hải quân kiểm tra giá điều khiển tự động trang bị trên tàu chiến.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Viện KTHQ luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc cử cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và nước ngoài, Viện tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thực tế, đặc biệt là từ các dự án chuyển giao KH-CN.

Trong 5 năm qua, 150 lượt cán bộ, nghiên cứu viên của Viện tham gia vào các hoạt động nghiệm thu, tiếp nhận lắp đặt, hiệu chỉnh, huấn luyện chuyển giao các loại tàu và vũ khí, khí tài hải quân hiện đại. Với sự nỗ lực nâng cao trình độ cán bộ, nghiên cứu viên, Viện KTHQ đang là đơn vị đi đầu toàn quân triển khai nghiên cứu trên ba lĩnh vực KH-CN có tính đột phá là công nghệ tích hợp vũ khí trên tàu hải quân, công nghệ tiêu từ tàu quân sự và công nghệ thủy âm.

Từ năm 2012, Viện KTHQ chuyển hướng mạnh mẽ và tiên phong triển khai nghiên cứu, tích hợp, khai thác, làm chủ VKTBKT hải quân, đặc biệt là vũ khí công nghệ cao. Thực hiện nhiệm vụ trên, Viện phải khắc phục hàng loạt khó khăn, vì các hệ thống VKTBKT mới được xây dựng trên nền tảng công nghệ cao, các thiết bị chỉ huy, điều khiển được máy tính hóa, kết hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc, trong khi các hệ máy tính rất nhanh lạc hậu. Viện còn thiếu nhiều chuyên gia, thiếu tài liệu và các phương tiện nghiên cứu thử nghiệm; việc tiếp xúc, sử dụng trực tiếp các loại VKTBKT hiện đại của cán bộ chưa nhiều…

Từ những thuận lợi, khó khăn được phân tích làm rõ, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu KH-CN và xây dựng đơn vị VMTD. Trước hết là quán triệt đến mọi cán bộ, nghiên cứu viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nhận thức đúng nhiệm vụ, xác định công tác nghiên cứu làm chủ phải gắn với VKTBKT và các hoạt động của đơn vị.

Viện tập trung vào nghiên cứu thiết kế cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT dựa trên các công nghệ tích hợp vũ khí và công nghệ thông tin, chủ yếu là vũ khí dưới nước và chống ngầm. Toàn viện tập trung mọi nỗ lực từng bước chuyển đổi từ mô hình nghiên cứu tuyến tính đóng sang mô hình nghiên cứu sáng tạo mở, nhằm khắc phục việc thiếu chuyên gia và thiếu vốn cho nghiên cứu khoa học.
Viện Kỹ thuật Hải quân tham gia thiết kế các loại tàu chiến cỡ 400-500 tấn. Ảnh minh họa

Thực hiện định hướng, mục tiêu đề ra, trước hết Viện KTHQ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Viện tiếp tục rà soát, phân loại lực lượng hiện có, tuyển chọn, gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao ở các cơ sở trong nước, nước ngoài; xây dựng đội ngũ theo hai hướng chính là kỹ sư hệ thống, có khả năng tổng hợp nâng cao hiệu quả thu dụng tri thức bên ngoài và kỹ sư phần mềm.

Viện chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Cục Kỹ thuật Hải quân trong triển khai thực hiện công tác KHKT; tổ chức nhóm thường trực thường xuyên có mặt ở đơn vị để kịp thời nắm bắt tình hình và cập nhật các thông tin, đồng thời tham gia vào quá trình huấn luyện, đào tạo giúp đơn vị. Trên cơ sở các dự án, hợp đồng mua sắm mới, Viện cử cán bộ tham gia huấn luyện chuyển giao công nghệ mới để tích lũy kinh nghiệm, làm chủ khai thác, sử dụng VKTBKT. Viện đẩy mạnh hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Nga, Ba Lan, Ấn Độ... để nâng cao trình độ cán bộ, nghiên cứu viên.

Có đội ngũ trình độ, chất lượng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm cho Viện KTHQ hoàn thành tốt nhiệm vụ; đặc biệt là làm chủ ba lĩnh vực KH-CN quân sự đột phá là công nghệ tích hợp vũ khí trên tàu hải quân, công nghệ tiêu từ tàu quân sự và công nghệ thủy âm; góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Quân đội Nhân dân

Bình luận(0)