Nhớ lại trận hải chiến Trường Sa 1988 (3)

Google News

Khoảnh khắc những người lính bám trụ trên con tàu của hải quân Việt Nam không kém phần bi tráng so với hình ảnh quyết tử giữ quốc kỳ trên bãi Gạc Ma 25 năm trước.

Không bao giờ đầu hàng

22 năm sau khi được phía Trung Quốc trả về nước, cựu binh Trần Thiện Phụng (46 tuổi, trú P.2, TP.Đông Hà, Quảng Trị) giờ đây sức khỏe không tốt, bước đi không còn nhanh nhẹn, duy đôi mắt sâu hoắm vẫn sáng lên, đôi tay nhăn nheo nắm chặt khi nhớ về trận chiến năm xưa. Câu chuyện của ông như mới diễn ra hôm qua...

Ông Phụng là con trai độc nhất trong gia đình có 6 chị em. Ngày 17/3/1987, ông lên đường nhập ngũ và được vào biên chế trung đoàn 83 (thuộc Bộ tư lệnh Hải quân) đóng quân ở Q.Sơn Trà (Đà Nẵng). Đến tháng 1/1988, ông cùng đơn vị được lệnh điều chuyển vào quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và đến đêm 11/3/1988 bí mật lên tàu, trực chỉ Trường Sa.

Video clip: Lính Gạc Ma và 1.000 ngày bị địch bắt

 Vợ chồng ông Trần Thiện Phong xem lại những bức thư một thời họ gửi cho nhau từ nhà thờ Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Vào thời điểm đó có 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam được điều động ra Trường Sa bảo vệ bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, gồm HQ-604, HQ-605, HQ-505. Ông Phụng đi trên tàu HQ-604.

Cùng đi trên tàu với ông Phụng còn có ông Trương Văn Hiền (nay 45 tuổi, quê gốc Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện ngụ tại thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Năm 1986, khi vừa tròn 18 tuổi ông Hiền xung phong đi bộ đội và vào quân chủng hải quân. Ông được huấn luyện làm chiến sĩ đo đạc hải đồ ở Quảng Ninh. Đầu năm 1988, ông được về phép ăn tết ở quê rồi cùng đồng đội đi tàu hỏa từ Hải Phòng vào Cam Ranh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa.

 Ông Trương Văn Hiền lúc là lính hải quân. Ảnh: T.N.Quyền chụp lại.

Theo ông Phụng, khi ấy tương quan hai bên là không đồng đều khi ta chỉ có súng cá nhân, tàu vận tải trong khi phía Trung Quốc là tàu chiến với pháo 100 ly. Lúc nổ súng, Phụng cùng một số anh em được giao nhiệm vụ ở lại để bảo vệ tàu HQ-604, đồng thời dùng tàu này để lập phòng tuyến, cản hướng tấn công của tàu Trung Quốc.

“Tôi nằm bắn ở mũi tàu và bị trúng đạn ở cánh tay, máu ra lênh láng trong khi loạt pháo đầu tiên giặc hướng về phía ca bin. Tôi gọi đồng đội cũng là hàng xóm của mình là Hoàng Ánh Đông khi đó đang trong ca bin thì không còn nghe thấy tiếng trả lời. Sau 2 loạt pháo nữa thì HQ-604 chìm dần, dù vậy tôi nghe thấy lác đác tiếng súng bắn trả của đồng đội về phía tàu Trung Quốc”, thời khắc sinh tử vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức ông Phụng.

Còn với Trương Văn Hiền, từ trên tàu ông có thể thấy rõ các đồng đội của mình nắm tay nhau thành vòng tròn giữ đảo sau loạt súng của quân Trung Quốc.
 Ông Trương Văn Hiền với tấm Huân chương Chiến công hạng ba ghi nhận đóng góp của người chiến sĩ trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Ảnh: T.N.Quyền.


“Sự việc xảy ra quá nhanh, vì tàu của ta không trang bị hỏa lực mạnh ngoài những khẩu tiểu liên AK nên nhanh chóng bị đạn pháo từ tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. Lúc đó tôi ở mũi tàu, bị thương do mảnh đạn pháo, tàu chìm nên vội nhảy xuống nước ôm lấy một mảnh gỗ, trôi ba ngày hai đêm trên biển. Chỉ trong tích tắc là tàu HQ-604 chìm, 64 chiến sĩ của ta hy sinh và mất tích ngay trên vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc”, ông Hiền xúc động kể lại.

Bị bắt

Ông Phụng, ông Hiền, ông Dương Văn Dũng (Đà Nẵng) cùng 6 người lính Hải quân Việt Nam bị giam tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; mỗi buồng giam một người.

Quân Trung Quốc tra tấn ông Hiền liên miên. “Khoảng ba tháng đầu, chúng tôi bị phía Trung Quốc liên tục tra khảo, đánh đập để hỏi cung, bắt khai vị trí các căn cứ quân sự của ta, có loại vũ khí nào… Nhưng lần nào tôi cũng chỉ trả lời là tân binh, mới được huấn luyện rồi đưa ra Trường Sa, không thể biết các thông tin về quân sự”, ông Hiền nhớ lại.

 Những ngày trở gió, vết thương ở tay cựu binh Trần Thiện Phụng lại nhức mỏi. Ảnh: N.Phúc.

Thời gian đằng đẵng trôi đi, gần như các ông không ai biết gì bên ngoài. Hơn 3 năm sau, khi có Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm thường xuyên, các ông mới bắt đầu viết thư gửi về nước, báo tin mình còn sống.

Rồi những bức thư cứ thế mà qua lại, đó là những dòng thư thấm đẫm nước mắt, viết chi chít chữ để tiết kiệm giấy mà vợ chồng người cựu binh Trần Thiện Phụng vẫn giữ lại cho đến tận bây giờ. Lần giở những trang giấy bạc màu, rách nát, càng hiểu thêm tâm trạng của một người lính bị giam lỏng nơi xứ lạ.
 Những bức thư ông Trần Thiện Phụng gửi từ trại giam Trung Quốc về cho gia đình. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Ở quê nhà, sau trận hải chiến không lâu, gia đình ông Phụng nhận được giấy báo tử và đồ cá nhân của đời lính. Cha mẹ già, người vợ trẻ và đứa con thơ của ông Phụng bắt đầu tin rằng ông đã hy sinh.

Hung tin cũng báo về Đà Nẵng, cả 11 gia đình nhận được tin mất tích đều đã lập bàn thờ, trong đó có nhà ông Dương Văn Dũng.

“Trước khi ra đảo, anh có về thăm nhà, cuống cuồng vài ngày rồi lại đi, tôi đã biết điềm chẳng lành. Rồi anh mất tích, tôi đã phải nén mọi nỗi đau để động viên cha mẹ, buôn bán kiếm tiền nuôi con thì thư về. Có lẽ suốt đời này tôi không quên cái buổi chiều đó, khi một cán bộ phường cầm bức thư ghi nơi đi là Trung Quốc vừa chạy vào nhà vừa hét “thư của thằng Phụng, thư của thằng Phụng”. Tôi òa khóc vì bao tủi hờn đã được giải tỏa, anh còn sống là tốt rồi”, bà Lê Thị Thiên, vợ ông Phụng vẫn còn ngấn lệ khi nhắc về quá khứ.

 9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) sống sót được quân Trung Quốc thả về sau 3 năm giam giữ (ảnh chụp tại trại an dưỡng ở Quảng Ninh năm 1992). Ông Hiền (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên trái); vợ chồng ông Phụng đứng giữa. Ảnh do ông Trần Thiện Phụng cung cấp.

Và sau ngàn ngày bị giam lỏng, đến ngày 2/9/1991, Trần Thiện Phụng, Dương Văn Dũng, Trương Văn Hiền và đồng đội mới được bước chân về đất Việt, qua cửa Hữu Nghị quan.

Khi về quê Trương Văn Hiền mới biết tên mình nằm trong danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích trong trận chiến Gạc Ma, gia đình đã lập bàn thờ. Khi nghe tin ông Hiền "từ cõi chết trở về”, đông đảo người dân trong huyện Hương Khê đến thăm hỏi, chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Thanh niên

Bình luận(0)