Việt Nam có nên nâng cấp máy bay L-39 lên chuẩn NG?

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam có thể lựa chọn nâng cấp L-39 theo giai đoạn một của chương trình máy bay huấn luyện L-39NG mà Aero Vodochody (Cộng hòa Czech) đưa ra.

Tờ Jane’s dẫn nguồn tin từ đại diện công ty Aero Vodochody (Cộng hòa Czech) tại Triển lãm hàng không Paris 2015 cho biết, công ty này đã có tới ba khách hàng mua máy bay huấn luyện L-39NG nâng cấp.
Khách hàng đầu tiên mà Aero Vodochody ký là LOM Praha, một công ty quốc doanh chịu trách nhiệm đào tạo phi công cho Không quân Czech. LOM hiện vận hành 7 chiếc L-39 và đang nhận lô máy bay nâng cấp L-39NG. Khách hàng thứ hai và thứ ba lần lượt là phi đội bay trình diễn Black Diamond, phi đội Breitling. Tổng cộng, có hơn 20 chiếc L-39NG sẽ được bán cho 3 khách hàng này.
Viet Nam co nen nang cap may bay L-39 len chuan NG?
Bản concept của máy bay huấn luyện cải tiến L-39NG.
Đáng chú ý, Aero Vodochody sẽ cung cấp L-39NG theo hai gói lựa chọn, và được xem như là hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một sẽ dành cho các máy bay L-39 đang có được nâng cấp với một số thành phần của gói NG, trong khi giai đoạn haih sẽ là việc sản xuất loại máy bay L-39NG mới hoàn toàn.
Đặc điểm chính của gói nâng cấp NG ở giai đoạn một là việc thay thế động cơ máy bay. Theo đó, động cơ truyền thống trên L-39 là Ivenckho-Progress Al-25 (Ukraine) sẽ thay bằng loại của Mỹ Williams FJ44-4M. Giai đoạn này cũng có thể bao gồm cả việc nâng cấp thiết bị điện tử hàng không cho máy bay cũ.
Còn ở giai đoạn 2, các máy bay được xây dựng mới L-39NG cũng bao gồm động cơ FJ44-4M, cùng với việc tái thiết kế lại cánh tích hợp các bình nhiên liệu, thiết kế lại khung để tăng tuổi thọ vòng đời, tích hợp toàn bộ thiết bị điện tử hàng không mới bao gồm cả một buồng lái hoàn toàn bằng kính, hệ thống thoát hiểm mới với các ghế phóng ở mọi độ cao và mọi tốc độ, và 5 giá treo (2 giá treo ở mỗi cánh và 1 giá treo ở dưới bình nhiên liệu) để mở rộng số thiết bị mang theo.
Viet Nam co nen nang cap may bay L-39 len chuan NG?-Hinh-2
 Động cơ Williams FJ44-4M.
Thậm chí theo thỏa thuận được ký kết với Công ty Draken International (Mỹ) tại Triển lãm hàng không Farnborough 2014, công ty này còn hỗ trợ quảng bá máy bay nâng cấp L-39NG của Aero Vodochody ra thị trường Mỹ.
Ladislav Simek, Giám đốc điều hành của Aero Vodochody cho biết tại Triển lãm hàng không Paris 2015, công ty vẫn đang theo dõi đánh giá đợt bay thử nghiệm đầu tiên của một máy bay L-39NG. Chiếc này dự kiến sẽ tham gia vào một sự kiện của NATO tổ chức ở Czech trong cuối tháng 9 tới, với chuyến bay thử nghiệm cuối cùng trong vòng vài tháng nữa. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ chuyển cho các khách hàng vào năm 2018.
Trong khi đó, theo phát ngôn viên của hãng Williams International tiết lộ, động cơ FJ44-4M sử dụng ít nhiên liệu, độ ồn thấp và dễ dàng bảo trì hơn so với động cơ cũ của L-39. Nó cũng sản sinh công suất tốt hơn, đáng lưu ý có thể giúp máy bay tăng công suất từ 0 đến mã lực tối đa chỉ trong vòng 5 giây, nhanh hơn 11 giây so với các động cơ tiêu chuẩn cũ hơn. Vị phát ngôn viên này nói thêm, 10 năm trước công ty đã không có được loại động cơ đủ nhỏ để lắp vừa cho L-39, nhưng với sự phát triển mẫu 4M của gia đình FJ44 thì vấn đề đã được tháo gỡ.
Viet Nam co nen nang cap may bay L-39 len chuan NG?-Hinh-3
 Cơ bản L-39NG cải thiện hệ thống động lực và hệ thống điện tử hàng không.
Tại triển lãm Paris 2015, Aero Vodochody còn tuyên bố đã ký một thỏa thuận với VR Group - công ty con của LOM Praha để cấp các công nghệ mô phỏng cho chương trình L-39NG. Vị CEO Simek lưu ý, L-39NG không chỉ là một máy bay phản lực mà nó còn cung cấp một gói huấn luyện toàn diện, gồm cả việc mô phỏng, đào tạo và hỗ trợ.
Không những thế, các quan chức của hãng Williams cho rằng, việc trang bị lại động cơ cho các máy bay L-39 đang có sẽ có hiệu suất tốt lại có giá rất hợp lý, thậm chí giá của động cơ mới so với đại tu động cơ cũ cũng rất phải chăng. Tuy nhiên, công ty này nhấn mạnh, nếu chỉ đại tu động cơ cũ chắc chắn sẽ không thể phát huy các hiệu suất tiên tiến so với việc lắp động cơ mới mang lại.
Với chương trình L-39NG, Simek tin rằng máy bay này sẽ có giá cạnh tranh ấn tượng và điểm quan trọng nhất là chi phí mỗi giờ bay của nó ước tính chỉ dưới 2.500 USD.

Lưu ý rằng, Không quân Nhân dân Việt Nam đang sử dụng số lượng lớn máy bay huấn luyện L-39C cho hoạt động đào tạo phi công chiến đấu phản lực. Số máy bay hầu hết đã có tuổi đời khá cao, trong điều kiện nguồn ngân sách gặp nhiều khó khăn để sắm trang bị mới thì chương trình L-39NG có lẽ rất đáng tham khảo. Việt Nam có thể đi giai đoạn một, cải tiến một số thành phần trên L-39C theo chuẩn mới L-39NG.

Văn Biên

Bình luận(0)