Việt Nam chế tạo hệ thống lái mô phỏng xe tăng T-54B

Google News

(Kiến Thức) - Thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B có kích thước bằng 80% xe tăng thực, đảm bảo mọi nội dung yêu cầu trong huấn luyện kíp lái. 

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và huấn luyện chuyên ngành xe tăng, thiết giáp (TTG), các cán bộ kỹ thuật của Lữ đoàn Xe tăng 203 (Quân đoàn 2) đã triển khai nghiên cứu, hoàn thiện đề tài thiết kế, chế tạo và lắp ráp thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B, đưa sản phẩm vào ứng dụng tạo hiệu quả cao.
Thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B là sự phát triển của đề tài “Ca-bin tập lái xe tăng” do Đại tá Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng TTG (Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 2), làm chủ nhiệm đề tài. "Ca-bin tập lái xe tăng" đưa vào ứng dụng huấn luyện và bổ túc lái xe TTG, đã giúp đơn vị rút ngắn thời gian huấn luyện lý thuyết, bảo đảm huấn luyện cho nhiều người, tiết kiệm nhiên liệu, giờ máy nổ.
 Thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B.
Trên cơ sở sáng kiến ca-bin tập lái xe tăng, cán bộ kỹ thuật Lữ đoàn Xe tăng 203 mở rộng nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình xe tăng huấn luyện lái ngày-đêm bằng hồng ngoại và ngắm bắn sử dụng thiết bị ổn định xe tăng T-54B; rồi tiến đến nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B. Sản phẩm đưa vào ứng dụng bảo đảm tốt các mục tiêu, yêu cầu, nội dung huấn luyện xe tăng, bao gồm: Lái xe, điều khiển, ngắm bắn, huấn luyện đơn và toàn kíp xe, cả trong điều kiện ban ngày và ban đêm.
Thiết bị huấn luyện tổng hợp xe tăng T-54B có kết cấu gồm: Thân xe, tháp pháo, các hệ thống vũ khí và điều khiển, quan sát, ngắm bắn ngày-đêm, thông tin liên lạc, phòng độc, cứu hỏa, cùng các hệ thống động lực, truyền động, điện trên xe. Thiết bị có kích thước bằng 80% xe tăng T-54B, kết cấu dạng mô-đun nên có thể tháo rời các bộ phận để cơ động, vận chuyển bằng ô tô và các phương tiện khác. Hệ thống vũ khí mô phỏng pháo 100mm, lắp súng máy phía trước và súng máy song song. Thiết bị bảo đảm huấn luyện cho từng loại thành viên kíp xe, huấn luyện được nhiều thành phần, nhất là huấn luyện hiệp đồng chiến đấu của kíp xe. Thiết bị còn dùng để huấn luyện kỹ thuật viên ngành điện, đào tạo nạp đạn và huấn luyện lực lượng dự bị động viên.
Sáng kiến tạo được hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, được Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khen thưởng. Hiện nay, trong quá trình khai thác, phục vụ huấn luyện, thiết bị tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tự động, điều khiển, số hóa để đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, phù hợp với nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng của quân đội ta.
Hồng Thu

Bình luận(0)