Súng chống tăng CT-62 Việt Nam mạnh cỡ nào?

Google News

(Kiến Thức) - Súng chống tăng CT-62 có khả năng xuyên thủng loại xe tăng M48 hiện đại nhất của Mỹ - VNCH dùng ở miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh vũ khí chống tăng cá nhân B40, B41 do Liên Xô viện trợ, ngay từ đầu những năm 1960 ngành Quân giới Việt Nam khi đó đã nỗ lực tìm cách phát triển một mẫu súng chống tăng để chi viện cho miền Nam đối phó với lực lượng tăng – thiết giáp Mỹ - VNCH.
Theo cuốn Lịch sử Kĩ thuật Quân sự Việt Nam, đầu những năm 1960, Bộ Quốc phòng đã giao cho Cục Quân khí thực hiện đề tài nghiên cứu thiết kế súng chống tăng mới. Trên cơ sở cấu tạo tính năng của súng B40 và kinh nghiệm chế tạo súng DKZ của quân giới, Phòng kỹ thuật đã tính toán các thông số kĩ thuật của súng, đạn và dự kiến phương án sản xuất.
Theo đó, nhà máy Z1 có nhiệm vụ chế thử súng và gia công phần cơ khí của vỏ đạn, Z2 có nhiệm vụ chế thử ống nổ, hạt lửa, nhồi lắp đạn và tổ chức bắn thử.
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, các cán bộ nhà máy Z1, Z2 đã lao vào nghiên cứu, chế thử để làm ra mẫu súng chống tăng “made in Vietnam”. Mất gần 2 năm thì công việc mới hoàn thiện, và khẩu súng chống tăng mới được định danh là CT-62 (chữ 62 có lẽ là để chỉ năm khẩu súng được chế tạo).
Sung chong tang CT-62 Viet Nam manh co nao?
 Chiến sĩ luyện bắn súng chống tăng B41.
Các tài liệu được công khai cho biết, súng chống tăng CT-62 được sản xuất bằng vật liệu thép hợp kim 35X/CA. Trong đó, nòng súng cỡ 50mm được gia công qua nhiều công đoạn như khoan, doa, miết và nhiệt luyệt đảm bảo chịu được áp suất cực đại 700kG/cm2. Chiều dài của nòng được tính để bảo đảm sơ tốc ban đầu đạt trung bình 82m/s. Để triệt tiêu toàn bộ độ giật lùi, súng thiết kế loa phụt ở phần đuôi nòng.
Giai đoạn chế tạo súng CT-62 mà ta gặp nhiều khó khăn nhất đó là việc tạo ra quả đạn – vũ khí chính phá hủy xe tăng. Khi đó, các cán bộ kỹ thuật Z1 quyết định thiết kế đạn cỡ 100mm theo nguyên lý có miếng chắn sóng giống như đạn chống tăng B-40, góc nón 60 độ (góc nón tối ưu đạn SKZ). Cán bộ ta đã thực hiện gần 30 lần thử nổ xuyên trục thép để xác định khoảng cách tối ưu giữa miếng chắn sóng và đỉnh nón, bề dày của miếng chắn sóng.
Phần gia công đuôi đạn không phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng ta lại không có ống thép đúng qui định của Liên Xô. Nếu thay bằng thép thường thì phải tăng độ dày, như vậy ống đuôi sẽ nặng và làm hạn chế tốc độ đầu đạn. Sau quá trình tìm tòi, các cán bộ ta quyết định dùng gỗ nghiến làm đuôi đạn.
Chưa hết, các cán bộ kĩ thuật nhà máy Z2 phải rất vất vả mới tìm ra phương án tối ưu chế ngòi đạn – phần phức tạp nhất với quả đạn.
Sung chong tang CT-62 Viet Nam manh co nao?-Hinh-2
 Súng chống tăng CT-62 có uy lực tương đương B40 nhưng trọng lượng nặng hơn một chút.
“Thực tế sử dụng ngòi nổ AT và Bazoka cho thấy sức xuyên đạn rất hạn chế, không giữ được khoảng cách tối ưu của luồng xuyên. Để giải quyết vấn đề này, cán bộ Z2 quyết định sản xuất ngòi kiểu AT nhưng rút ngắn tối đa khoảng cách giữa mũi kim hỏa và đáy đạn lửa. Ngoài ra, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dung, ngòi đạn được thiết kế thêm một bộ phận an toàn – ngòi đạn chỉ phát hỏa khi đạn rời nòng súng từ 1-1,5m”, tài liệu Lịch sử Kỹ thuật Quân sự Việt Nam cho biết.
Ngày 26/8/1963, Cục Quân giới tổ chức cuộc bắn thử kiểm tra tổng hợp súng – đạn CT-62 tại trường bắn quốc gia Sơn Tây. Cuộc bắn thử đã thành công mỹ mãn, mọi thông số kỹ thuật thể hiện đều đúng theo tính toán.
Súng chống tăng CT-62 có tầm bắn hiệu quả tầm 100m, tầm bắn xa nhất 150m, độ xuyên thép trên 200mm và độ xuyên bê tông 600mm. Tuy nhiên, trọng lượng súng có phần nặng hơn so với B40.
Với kết quả đạt được khá tốt, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho nhà máy Z1, Z2 đưa vào sản xuất loạt “0” được 54 khẩu và 3.762 quả đạn súng chống tăng CT-62. Tất cả được chuyển ngay vào chiến trường miền Nam phục vụ cho yêu cầu chiến đấu. Đáng tiếc là không có tài liệu nào ghi nhận về hiệu quả sử dụng CT-62 trên chiến trường.
Hoàng Lê

Bình luận(0)