Giải mã chiến dịch giải cứu tù binh Mỹ ở Sơn Tây

Google News

(Kiến Thức) - 6 trực thăng chở theo 56 biệt kích Mỹ đột kích nhà giam Sơn Tây nhằm giải cứu tù binh nhưng chiến dịch kết thúc trong thất bại.

Giữa những năm 1970, Không quân Mỹ phối hợp với tình báo CIA đã thực hiện chiến dịch đột kích nhằm giải cứu phi công Mỹ (lái máy bay không kích miền bắc) bị QĐND Việt Nam bắt sống ở nhà giam Sơn Tây.
Tuy nhiên, chiến dịch này đã kết thúc trong thất bại thảm hại về phía Mỹ, Kiến Thức xin giới thiệu một số thông tin giải mật về chiến dịch này từ tài liệu Mỹ:
Tháng 5/1970, tình báo Không quân Mỹ dựa vào phân tích hình ảnh chụp nhà giam Sơn Tây (miền Bắc Việt Nam) kết luận rằng, những phi công Mỹ bị Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt sống trong các phi vụ tấn công miền bắc bị giam tại đây. Không quân Mỹ đề nghị thực hiện chiến dịch giải cứu.

Hội đồng tướng lĩnh tiến hành nghiên cứu, đánh giá tình hình cho thấy, khả năng thành công của cuộc đột kích khá cao. Lầu Năm Góc quyết định lập chiến dịch đột kích táo bạo vào nhà giam Sơn Tây nhằm giải cứu các quân nhân Mỹ bị giam tại đây.

Theo Tactical Air Network, chiến dịch mang mật danh Ivory Coast, đây là hoạt động quân sự chung đầu tiên được tiến hành dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Nhiệm vụ của chiến dịch là giải cứu 55 tù nhân tại nhà giam Sơn Tây, cách 37 km về phía tây Thủ đô Hà Nội - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuẩn tướng Leroy J. Manor, tổng chỉ huy chiến dịch và đại tá Arthur D. "Bull" Simons trực tiếp chỉ huy 56 lính biệt kích.

Những binh lính làm nhiệm vụ được tuyển chọn kỹ càng từ Lực lượng hoạt động đặc biệt Mỹ (SOF), ngày nay là Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ (US SOCOM). Họ tiến hành các hoạt động đào tạo mô phỏng tại căn cứ không quân Eglin, bang Florida.

Thông tin tình báo sai

Lực lượng đột kích chính gồm: hai máy bay vận tải MC-130 Combat Talon, phiên bản chuyên dùng cho các đơn vị đặc nhiệm làm nhiệm vụ dẫn đường và chỉ huy trên không; 5 trực thăng vận tải hạng nặng HH-53C Super Jolly, trong đó có 2 chiếc chở lực lượng hỗ trợ, một chi viện hỏa lực trên không và 2 chuẩn bị chở tù nhân.

Giai ma chien dich giai cuu tu binh My o Son Tay
Không ảnh nhà tù Sơn Tây do máy bay do thám của Mỹ chụp lại trong tháng 7/1970. 

Một trực thăng HH-3E Jolly Green chở lực lượng đột kích chính. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ tiến hành một chiến dịch không kích quy mô lớn gồm: 5 máy bay tấn công chiến thuật A-1 Skyraider; 10 tiêm kích F-4D Phantom làm nhiệm vụ thu hút máy bay MiG; 5 máy bay F-105G Wild Weasel áp chế hệ thống tên lửa phòng không SAM-2.

Trước khi diễn ra cuộc đột kích, Không quân Mỹ cho các máy bay không kích dồn dập vào Hà Nội nhằm thu hút sự chú ý của lực lượng phòng không Việt Nam. 22h ngày 20/11/1970, đội hình tấn công xuất phát từ căn cứ không quân Udorn, Thái Lan hướng đến Sơn Tây.

Các máy bay Mỹ bay men theo các dãy núi để khai thác điểm mù của hệ thống radar trinh sát của phòng không Việt Nam. Theo kế hoạch, trực thăng HH-3E sẽ hạ cánh ngay bên trong nhà tù, lực lượng đột kích sẽ phá tường cho các tù nhân thoát ra ngoài. Lúc đó, trực thăng HH-53C cùng đội hỗ trợ sẽ đưa họ lên máy bay và thoát sang Thái Lan.

Tuy nhiên, do điều kiện đêm tối, trực thăng chở đội tấn công đâm vào tường ở trung tâm nhà giam khiến một phi công vỡ mắt cá chân. Một trực thăng khác hạ cánh nhầm xuống một trường trung học gần đó. Ngay sau đó, bộ đội Việt Nam đã phát hiện và lập tức triển khai công tác đánh trả lính biệt kích Mỹ. 

Nhóm biệt kích Mỹ xâm nhập thành công vào nhà tù nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng. Số tù binh Mỹ ở đây đã được bí mật chuyển đến một địa điểm khác vài ngày trước khi cuộc đột kích diễn ra. Lực lượng đột kích buộc phải nhanh chóng rút lui, mục tiêu chính của nhiệm vụ đã thất bại và tổn thất hai máy bay.

Chiến dịch Ivory Coast được đánh giá là một thất bại nặng nề của giới tình báo Mỹ trong việc thu thập và xác nhận tính chính xác của thông tin. Một năm sau "thảm họa" tại Sơn Tây, CIA đã tiến hành một chiến dịch cải tổ lực lượng quy mô lớn nhằm tránh lặp lại sai lầm.

Quốc Minh

Bình luận(0)