Sức mạnh “thần hộ vệ” bầu trời Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Để bảo vệ vùng trời đất nước, năm 2004, Việt Nam mua 2 hệ thống phòng không tầm cao tiên tiến S-300PMU-1.

Đầu những năm 2000, đảm nhiệm vai trò phòng không tầm cao trong mạng lưới hỏa lực bảo vệ vùng trời Việt Nam đều là các hệ thống vũ khí thế hệ cũ như tên lửa S-75M Volga, S-125 Pechora tồn tại nhiều nhược điểm.

Trước yêu cầu hiện đại hóa lực lượng phòng không bảo vệ vững chắc bầu trời đất nước, năm 2004 chính phủ Việt Nam  ký thỏa thuận với Tập đoàn Rosoboronexport (Nga) mua 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-300PMU-1 với tổng trị giá gần 300 triệu USD. 

Hiện, hệ thống S-300PMU-1 được biên chế ở hai tiểu đoàn phòng không bảo vệ vùng trời phía Bắc và phía Nam tổ quốc. 


Xe mang phóng tự hành của hệ thống S-300PMU-1 Việt Nam. 

S-300PMU-1 (NATO định danh là SA-20) là biến thể hiện đại hóa của dòng tên lửa S-300 do Tập đoàn Almaz Antei (Nga) thiết kế. S-300PMU-1 lần đầu giới thiệu năm 1999 với một số cải tiến về tốc độ, tầm hoạt động, dẫn đường, giá bán ước tính 110-125 triệu USD.

S-300PMU-1 có khả năng đánh chặn tất cả mục tiêu trên không (máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo) ở mọi độ cao trong điều kiện bị đối phương chế áp điện tử mạnh. 

Biên chế của mỗi tiểu đoàn S-300PMU-1 thường gồm những thành phần chính như: hệ thống điều khiển và chỉ huy 83M6E, đài radar điều khiển hỏa lực 30N6E(1), đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E và 12 xe mang phóng tự hành 5P85SE (mỗi xe chở 4 đạn) cùng các thành phần hỗ trợ khác. 

Trong đó:

- Hệ thống chỉ huy 83M6E tích hợp đài radar trinh sát/phát hiện mục tiêu 64N6E có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 300km. 

- Đài radar điều khiển hỏa lực và chỉ thị mục tiêu đa kênh 30N6E(1) phát hiện mục tiêu ở cự ly tối đa 200km, theo dõi cùng lúc 12 mục tiêu và dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu. 

- Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E phát hiện tối đa 300 mục tiêu ở cự ly 300km. 

- Xe mang phóng tự hành 5P85SE thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe bánh lốp MAZ-543M lắp 4 ống phóng chứa đạn tên lửa đối không. 


Hệ thống tên lửa S-300 phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu (ảnh minh họa nước ngoài).

Hệ thống S-300PMU-1 được trang bị nhiều loại đạn tên lửa khác nhau gồm: 5V55R (tầm bắn 90km), 48N6E (tầm bắn 150km), 48N6E2 (tầm bắn 195km), 9M96E1 (tầm bắn 40km), 9M96E2 (tầm bắn 120km). 

Tất cả các loại đạn tên lửa được lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 100-150kg, đánh chặn mục tiêu ở độ cao tối thiểu 10m tới tối đa 27.000m. 

Tất nhiên, khi xuất khẩu tới các quốc gia không nhất thiết phải trang bị tất cả các loại đạn tên lửa này. Việc sử dụng hay không tùy thuộc vào “túi tiền” và nhu cầu mỗi nước.

Toàn bộ các thành phần radar và tên lửa đều được đặt trên xe bánh lốp đem lại sự cơ động rất cao đối với hệ thống  S-300PMU-1. Thời gian chuyển trạng thái từ chế độ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu chỉ mất 5 phút. 

Có thể nói, S-300PMU-1 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hàng đầu thế giới và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đang có cuộc đàm phán với Nga để mua bổ sung các hệ thống S-300PMU-1. Thực vậy, với bầu trời Việt Nam rộng lớn bao la thì 2 hệ thống là không đủ. Trong khi, tên lửa S-75M Volga và S-125 dù đã được hiện đại hóa nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: 
Hoàng Lê

Bình luận(0)