- “Có những phạm nhân tìm cách vào viện để trốn hay “lành mạnh” hơn là để dễ gặp… người yêu” - bác sĩ Chu Quý Đôn, trưởng khoa Nội bệnh viện 198 (Hà Nội) cười nói.
[links()]
|
Bác sỹ Chu Quý Đôn |
Người nhà vác bệnh nhân bỏ trốn
Có trường hợp bệnh nhân nuốt cả dao lam vào bụng để được đến bệnh viện. Bác sĩ Đặng Ngọc Hanh, trưởng khoa ngoại tổng hợp nói: “Tôi không thể tưởng tượng được anh ta lại dám nuốt cả dao lam sắc lẹm vào bụng. Mà cũng chẳng thể hiểu anh ta nuốt như thế nào nữa. Mới nghĩ đến thôi đã thấy ghê rồi”.
Phạm nhân này nhập viện trong tình trạng có nhiều vết cắt từ cuống họng vào đến tận dạ dầy. Có những đoạn do dạ dầy co bóp mạnh, nghiến vào lưỡi dao nên bị thủng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật khẩn cấp để gắp chiếc dao lam ra.
Những bệnh nhân như vậy sau khi phẫu thuật, nếu có ở lại viện thì cũng được “chăm sóc” rất đặc biệt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhận được nhiều sự quan tâm của bác sĩ nhưng cũng bị quản giáo quản rất chặt. Có người được đưa vào diện đặc biệt nguy hiểm, thậm chí còn bị khóa cả 2 chân, 2 tay vào thành giường, chỉ khi nào khám mới được tháo ra.
Ấy thế mà quản giáo cũng đã có lần muối mặt vì suýt để bệnh nhân chạy trốn. Số là bệnh nhân đó bị bệnh rất nặng, nằm liệt giường, “bò dậy còn chẳng nổi thì bỏ trốn nỗi gì” nên quản giáo thương không khóa vào thành giường. Cuối cùng, quản giáo phải “tóm” lại khi thấy người nhà đang vác bệnh nhân chạy trốn.
Vào viện để được gặp người yêu
Có trường hợp khi vào viện khám, bác sĩ tiến hành chụp X- quang thấy rõ trong ổ bụng có dị vật, nhưng khi chụp lại từ góc độ khác thì thấy nó đã chạy sang chỗ khác.
Các bác sĩ rất bất ngờ vì dị vật không thể chạy lung tung như vậy được, từ trước đến nay chưa gặp bao giờ và cũng khó lý giải một cách khoa học được.
|
Bác sỹ chăm sóc phạm nhân. Ảnh: Internet |
Những bác sĩ lâu năm, có trình độ cao nhất, có kinh nghiệm nhất trong viện được mời đến để hội ý về trường hợp lạ lùng này. Khi khám lại, bất ngờ phát hiện ra phạm nhân này chả nuốt gì vào bụng cả. Anh ta chỉ đem theo một dị vật, khi lên chụp X-quang thì lén lôi ra đặt lên bụng để đánh lừa máy chụp.
“Không biết về trại có bị phạt không nhưng cuối cùng bệnh nhân đó cũng được thỏa nguyện vì đã được gặp người yêu và gia đình”, bác sĩ Hạnh cười nói.
Phạm nhân: Em không sợ bác sĩ đâu
Bác sĩ Đôn bảo nhiều bệnh nhân dù ở bên ngoài đã từng là ăn cướp hay côn đồ thì khi gặp bác sĩ họ cũng đều trở nên rất hiền lành.
Có lần thấy một phạm nhân “ngoan” quá, vâng dạ nhiều quá, tôi cứ nghĩ là anh ta sợ sệt, nhìn mà thấy thương. Nhưng tôi cũng phải bất ngờ trước câu trả lời: “Em không sợ bác sĩ đâu, nhưng em kính trọng vì bác sĩ không hề đối xử với em như một phạm nhân”.
Có những phạm nhân xăm trổ đầy người, mặt mũi bặm trợn, nếu gặp ngoài đường chắc chẳng mấy ai dám “dây” vào, hay giang hồ, đại ca có “số má”, lúc ngồi trại vẫn thường chống đối quản giáo nhưng vào đến viện, đối với bác sĩ thì hoàn toàn khác hẳn, lúc nào cũng một dạ hai thưa.
Thậm chí cả đối với những tử tù, dù biết mình chẳng còn sống được bao lâu nhưng đến đây thái độ của họ vẫn rất thiện chí chứ không hề tỏ vẻ bất cần hay chống đối. “Ai chả muốn níu kéo cuộc sống, dù chỉ thêm một ngày, một giờ thôi cũng tốt lắm rồi” – bác sỹ Đôn trầm ngâm
Thương lắm nhưng không giúp được
Không ít lần bác sĩ Đôn phải tiến hành cấp cứu cho những ca nguy kịch chuyển từ dưới trại lên, những ca có đến 9 phần chết 1 phần sống, phải nằm liệt giường trong thời gian dài.
Qua quá trình điều trị, dần dần các bác sĩ cũng nảy sinh tình cảm quý mến, cảm thông với hoàn cảnh của họ. Đến lúc qua giai đoạn nguy cấp, đưa về trại điều trị tiếp, có phạm nhân đã rơi nước mắt.
Đến điều trị còn có những bệnh nhân phạm tội do bất đắc dĩ. “Thực ra tôi nghĩ họ vẫn là người tốt. Thương lắm chứ, nhưng chẳng giúp gì được ngoài việc cố gắng chữa trị, giúp họ vượt qua bệnh tật để sống tiếp”.
Có một thực tế là hầu như tất cả các bệnh nhân đến viện điều trị đều muốn được ở lại thêm càng lâu càng tốt. “Ở viện đương nhiên sướng hơn ở tù, lại được các bác sĩ chăm sóc và quan trọng nhất là được gặp người thân dễ dàng hơn”. Vì vậy có không ít những trường hợp phạm nhân đến năn nỉ, van xin bác sĩ chấm vào bệnh án là phải ở lại viện để điều trị thêm một thời gian.
“Nhìn hoàn cảnh của họ cũng thấy thương nhưng làm sao giúp được. Tuy là bác sĩ nhưng chúng tôi còn là công an nữa, phải tuân thủ đúng các quy định và nguyên tắc của ngành”.
B.A.U
[links()]