12 sự kiện quốc phòng tiêu biểu Việt Nam 2012 (1)

Google News

Năm 2012 đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc phòng quốc tế, hiện đại hóa quân đội và thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Kiến Thức điểm lại 12 sự kiện quốc phòng tiêu biểu VN 2012:

1. Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

Năm 2012 đánh dấu những sự kiện quan trọng nâng tầm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. Đầu tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, ông Panetta đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam, một ông chủ Lầu Năm Góc đã đặt chân vào khu vực cảng Ba Ngòi, vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Tại đây, ông đã lên thăm các thủy thủ tàu hậu cần USNS Richard E. Byrd đang được Tập đoàn tàu thủy Việt Nam bảo dưỡng. 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta.

Chuyến đi của ông Panetta tới cảng Cam Ranh phản ánh bước chuyển đổi lớn trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc = Mỹ trong đó Biển Đông là trung tâm cuộc cạnh tranh này.

Một điểm đáng lưu ý liên quan tới chuyến thăm của ông Panetta là phía Việt Nam bày tỏ mong muốn Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Cụ thể, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chính phủ Mỹ cần sớm gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh”.

2. Hội nghị chuyên gia ADMM+

Tháng 8/2012, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Nhóm Chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (EWG-HARD).

Hội nghị do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì với sự tham dự của các cán bộ chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HARD) của 18 quốc gia thành viên ADMM+ và đại diện Ban thư ký ASEAN. 

Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+.
Hội nghị Nhóm chuyên gia ADMM+.

Tại hội nghị này, Việt Nam không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong huấn luyện lực lượng tham gia các hoạt động HARD mà còn chia sẻ kinh nghiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tham gia phòng chống thiên tai (bão lũ).

Ngày 9/8, Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) đã tổ chức cuộc diễn tập phòng chống thiên tai bão lũ để đại biểu dự hội nghị tham quan.

3. Hội nghị Shangri – la

Từ ngày 1-3/6, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại quốc phòng Shangri-la) với sự tham gia của đại diện từ 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dần đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị. Chủ đề thảo luận của hội nghị tập trung vào các vấn đề hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia và đối phó thảm họa thiên nhiên. Trong số đó, vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng sẽ được đề cập.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Tại hội nghị, trưởng đoàn Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định “quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để”.

Thượng tướng cho rằng không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là điều tiên quyết song các nước không được sử dụng, đe dọa sức mạnh “mềm” như cô lập kinh tế trong việc giải quyết tranh chấp trên biển.

Ông cũng nhấn mạnh việc “tranh chấp chủ quyền trên biển cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế”.

4. Giao lưu hải quân với các nước

Năm 2012 cũng đánh dấu một năm đầy sôi động các hoạt động giao lưu giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh chuyến thăm của ông Leon Panetta tới Việt Nam, trong năm 2012 Hải quân Mỹ tiếp tục nhiều hoạt động thăm xã giao Việt Nam. Ví dụ, tháng 4/2012, lực lượng đặc nhiệm 73 (Hạm đội 7) gồm soái hạm USS Blue Ridge, khu trục tên lửa USS Chafee và tàu cứu hộ USNS Safeguard đã cập cảng Tiên Sa bắt đầu chuyến thăm Việt Nam. 

Soái hạm USS Blue Ridge chuẩn bị cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Soái hạm USS Blue Ridge chuẩn bị cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Ngày 10/7, tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH 19) Thuộc Bộ tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ đã cập cảng Cửa  lò (Nghệ An) để cung cấp, hỗ trợ dân sự và nhân đạo tại Nghệ An theo chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2012.

Ngoài Mỹ, có rất nhiều tàu hải quân trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và quốc gia có quan hệ truyền thống thăm Việt Nam.

Trong tháng 3, chiến hạm Myanmar và Nhật Bản đã có chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam. Tháng 4 thì có đội tàu Hải quân Nga cập cảng TP.HCM. Trong tháng 9 có tàu đổ bộ RSS Persistence của Hải quân Singapore thăm Đà Nẵng. Tháng 10-11 có tàu chiến Hải quân Hàn Quốc, Australia, Malaysia cập cảng TP.HCM.

5. Hải quân nhận 4 pháo hạm Svetlyak

Ngày 1/3, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 5 đã tổ chức lễ tiếp nhận hai pháo hạm hiện đại lớp Svetlyak (project 10412) HQ-264 và HQ-265 do Nga thiết kế và đóng mới.

Ngày 26/10, tại quân cảng K20, Bộ tư lệnh Vùng 1 Quân chủng Hải quân cũng tổ chức lễ tiếp nhận hai tàu Svetlyak HQ-266 và HQ-267. 

Hai tàu tên lửa Svetlyak trong buổi lễ tiếp nhận.
Hai tàu tên lửa Svetlyak trong buổi lễ tiếp nhận.

Tàu Svetlyak là một trong những loại tàu pháo hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tàu có lượng giãn nước 345 tấn, dài 49,5m. Tàu trang bị hỏa lực mạnh: pháo hạm 76,2mm, pháo phòng không Ak-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.

Trước đó, năm 2002, phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tuần tra cao tốc Svetlyak đầu tiên hợp đồng đã ký trước đó.

Như vậy, với việc nhận thêm và đưa vào trang bị 4 tàu Svetlyak sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần tra bảo vệ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh xảy ra tranh chấp hết sức phức tạp tại Biển Đông gần đây.

6. Hải quân đánh bộ Việt Nam “lột xác”

Hải quân đánh bộ Việt Nam là một trong các binh chủng của Quân chủng Hải quân Việt Nam có vai trò tham gia các cuộc tấn công đổ bộ đánh chiếm bờ biển, bảo vệ biển đảo.

Trước đây, các chiến sĩ hải quân đánh bộ thường vận bộ quân phục chiến đấu “đơn giản”, đội mũ sắt kiểu cũ, đi giày vải hoặc ủng cùng súng AK. 

Người lính hải quân đánh bộ Việt Nam trong trang phục
Người lính hải quân đánh bộ Việt Nam trong trang phục "khác lạ".

Nhưng trong buổi lễ ra quân huấn luyện đầu năm 2012 của Quân chủng Hải quân, người lính hải quân đánh bộ đã xuất hiện với “gương mặt” hoàn toàn mới.

Các chiến sĩ được trang bị bộ quân phục dã chiến mang dáng dấp hiện đại và sử dụng súng trường tiến công thế hệ mới được nhận diện là loại Tavor TAR-21 do Israel chế tạo.

Đây có thể coi là bước hiện đại hóa nhỏ về trang bị người lính hải quân đánh bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Hoàng Lê (tổng hợp)

Bình luận(0)