Bão số 9 chưa đổ bộ đã gây thiệt hại lớn ở Bình Thuận

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù bão số 9 chưa đổ bộ, thế nhưng bước đầu cơn bão này đã gây ra thiệt hại lớn tại Bình Thuận. Ít nhất một bè với 8.000 con cá bị trôi ra biển, 7 tàu đánh cá bị hư hỏng, nhiều nhà dân thiệt hại.

Bão số 9 áp sát Bà Rịa – Vùng Tàu
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vị trí tâm bão số 9 hồi 8h ngày 25/11 ở vào khoảng 10,20N; 107,30E, ngay trên vùng bờ biển tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Bến Tre. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Bao so 9 chua do bo da gay thiet hai lon o Binh Thuan
 Hướng di chuyển của bão số 9.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Cam pu chia.
Do ảnh hưởng của bão số 9, hiện vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m. Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi 250-300mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Đã có thiệt hại ban đầu
Để ứng phó trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT, các Bộ ngành, các tỉnh bị ảnh hưởng của bão đã ban hành công điện chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và thông tin trực tiếp của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tính đến 06h00 ngày 25/11/2018 đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.645 phương tiện/331.617 người, các phương tiện đang neo đậu tại bến và hoạt động trên các vùng biển khác, hiện không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Đến 06h/25/11, không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Bao so 9 chua do bo da gay thiet hai lon o Binh Thuan-Hinh-2
Bão số 9 đang gây mưa lớn cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ. 
Hiện đã có 9 tỉnh thành ven biển từ Khánh Hòa đến Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển.
Tính đến 21h ngày 24/11, đã có 7 tỉnh, thành phố đã thực hiện sơ tán 76.470 người, trong đó: Khánh Hòa 12.339 người; Ninh Thuận 446 người; Bình Thuận 934 người (tại đảo Phú Quý); Bà Rịa - Vũng Tàu 23.287 người (sơ tán tập trung: 11.174 người, sơ tán tại chỗ: 12.113 người,); TP Hồ Chí Minh 4.476 người; Tiền Giang: 10.489 người; Bến Tre: 24.499 người (sơ tán tập trung: 4.184 người, sơ tán tại chỗ: 20.315 người).
Theo báo cáo số 2052/BC-BCH ngày 25/11/2018 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, thiệt hại ban đầu do bão số 9 trên địa bàn tỉnh đã làm 1bè/8.000 con cá ở huyện Tuy Phong bị đứt neo trôi ra biển. Tại TP Phan Thiết đã sạt lở 3,0km bờ biển thuộc khu phố 2, 3 phường Hàm Tiến (sâu vào bờ khoảng 5-7m) làm 7 tàu cá (công suất dưới 30CV) bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn và 2 nhà dân có nguy cơ sập đổ (đã di dời người dân vào nơi an toàn); sạt lở bờ biển khu phố B, phường Thanh Hải làm 08 nhà bị sập đổ, hư hỏng (đã di dời người dân vào nơi an toàn).
Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền và các lồng bè, chòi canh;
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kịp thời ứng phó với các tình huống, di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão; kiểm tra, đánh giá thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão; Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh tập trung chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa;
Bộ Giao thông vận tải theo dõi, giám sát, đôn đốc các địa phương, các đơn vị liên quan để có phương án ứng phó và đảm bảo an toàn cho hành khách; Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan sẵn sàng phương án ứng phó và kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở hạ du các hồ thủy điện. Tổng cục Thủy lợi kiểm tra phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, hồ đầy nước, chuẩn bị xả, hạ du các hồ chứa có nguy cơ. Ứng trực 24/24h tại các hồ xung yếu; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và các chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó. Bộ phận trực hồ tính toán tham mưu điều hành kịp thời.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)