Giống với mọi điệp viên khác ông sử dụng rất nhiều cái tên như Pierre Vũ Ngọc Nhạ, Vũ Ngọc Nhã, Hoàng Đức Nhã, Hai Long,…nhưng người ta biết tới Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ nhiều nhất vẫn qua biệt danh "Ông cố vấn". Vũ Ngọc Nhạ sinh năm 1928 tại Thái Bình, từ nhỏ ông đã sống tại quê mẹ ở Giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình. Sau này, đây chính là vỏ bỏ hoàn hảo cho ông khi sống, làm việc và hoạt động tình báo dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Từ năm 1946, Vũ Ngọc Nhạ đã tham gia kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội. Sau khi chính phủ Việt Minh rút khỏi Hà Nội ông quay trở về quê nhà ở Ninh Bình, tham gia công tác dân vận, phụ trách khối Công giáo vận. Tới năm 1953, ông chính thức trở thành “lính” của Trần Quốc Hương sau khi được đồng chí Đỗ Mười giới thiệu, kể từ giờ phút này Vũ Ngọc Nhạ chính thức tham gia vào hoạt động tình báo chiến lược.
Chông gai bắt đầu
Sau hiệp định Genève, cả miền Bắc và miền Nam sẽ có 300 ngày tự do di dân từ Bắc và Nam và ngược lại. Đã có rất nhiều giáo dân di cư vào Nam trong thời gian này, trong đó bao gồm cả Vũ Ngọc Nhạ. Ông và một số điệp viên chiến lược khác đã được tung vào Nam nhằm xây dựng cơ sở cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
|
Vũ Ngọc Nhạ (đứng giữa) khi ở Sài Gòn. Ảnh: ĐSPL. |
Năm 1955, Vũ Ngọc Nhạ cùng vợ và con theo dòng người Công giáo di dân vào Nam với lý lịch giả mang tên Vũ Đình Long. Mặc dù vậy, mọi chi tiết còn lại trong lý lịch của ông bao gồm cả thời gian tham gia Việt Minh đều được giữ lại nguyên vẹn, chỉ có thêm chi tiết giả đó là ông bất mãn với chính sách Công giáo của Việt Nam dân chủ Cộng hòa nên quyết định vào Nam. Về sau, chính tình tiết ngụy tạo này đã giúp đỡ ông rất nhiều trên con đường thăng tiến trong chính quyền ngụy Sài Gòn.
Dù rất nhiều lần lọt vào tầm ngắm của chế độ cũ do vô tình giáp mặt với một số nhân viên phản gián Sài Gòn vốn dĩ cũng đã từng tham gia Việt Minh cùng ông, tuy nhiên bằng mối quan hệ khá tốt với nhiều linh mục có uy tín ở Sài Gòn lúc đó cộng với sự mưu trí, khéo léo của mình, ông luôn thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc, kể cả khi phía Sài Gòn tiến hành giam giữ ông để xác minh, ông vẫn thoát khỏi nanh cọp một cách ngoạn mục.
Vỏ bọc hoàn hảo
Đầu những năm 1960, thế lực chính trị của Công giáo trong miền Nam Việt Nam phát triển rất nhanh, với vỏ bọc là người Công giáo đích thực sinh ra và lớn lên tại Phát Diệm, Ninh Bình, Vũ Ngọc Nhạ đã dần dần bước chân vào chính trường Sài Gòn một cách “danh chính ngôn thuận” và có được sự tin tưởng của rất nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền này.
Tới cuối năm 1965, Vũ Ngọc Nhạ được Nguyễn Văn Thiệu sử dụng như một cố vấn trong lĩnh vực quan hệ với giới Công giáo vốn dĩ đang có ảnh hưởng rất lớn tới chính trường Sài Gòn thời gian này. Tới giờ phút này, biệt danh “Ông cố vấn” chính thức đi theo cái tên Vũ Ngọc Nhạ.
|
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ. Ảnh: VOV. |
Để có được sức ảnh hưởng lớn hơn nữa, nhằm đánh thẳng vào hệ thống chính quyền ngụy Sài Gòn, tổ chức yêu cầu Vũ Ngọc Nhạ mở rộng mạng lưới, tuyển mộ, đào tạo thêm nhiều tình báo viên khác và mật danh A.22 của ông cũng được đặt luôn cho mạng lưới tình báo A.22 do ông chỉ huy.
Nhiệm vụ của các tình báo viên trong mạng lưới A.22 là bám vào nhiều phe phái trong chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, tìm cách leo lên các chức vụ cao cấp nhất, nếu cần tiền để hối lộ, tổ chức sẵn sàng tạo điều kiện. Do mạng lưới của A.22 ngày càng trở nên quá lớn, lên tới vài chục người nên mỗi nhóm tình báo viên được chỉ thị phát triển theo mỗi hướng khác nhau, thậm chí đối nghịch lẫn nhau dựa vào sự chia bè kết phái của chính quyền Sài Gòn thời đó. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi các phe phái ở Sài Gòn “tiêu diệt” lẫn nhau, các tình báo viên của ta vẫn có thể bám lại được và tiếp tục phát triển theo một hướng khác.
Vụ gián điệp lớn nhất thời đại
Tuy có tổ chức rất chặt chẽ, cùng hoạt động riêng rẽ nhưng dường như do có sự liên kết giữa các điệp viên, cụm A.22 dần bị CIA chú ý. Toàn bộ hồ sơ của các nhân vật tình nghi bao gồm cả hồ sơ của Vũ Ngọc Nhạ đã được chuyển đến cho CIA và sau hơn một năm điều tra họ đã xác định được danh tính thực sự của Vũ Ngọc Nhạ cùng mạng lưới tình báo A.22. Ngay khi có kết quả chính thức, CIA đã chuyển thông tin cho an ninh Sài Gòn triển khai bốc dỡ toàn bộ mạng tình báo A.22 kể cả các cơ sở giao liên nằm ngoài mạng lưới.
Tới lúc này, cụm A.22 bị đánh sập hoàn toàn với 42 tình báo viên của ta bị địch bắt giữ trong đó có Vũ Ngọc Nhạ và những người đứng đầu cụm A.22 vốn đang hoạt động trong nhiều cơ quan dân sự và quân sự của chế độ ngụy Sài Gòn, các tổ chức chính trị, không ít người là những nhân vật tầm cỡ, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Sài Gòn thời đó. Báo chí Sài Gòn đã gọi đây là “vụ gián điệp lớn nhất thời đại” với mạng lưới điệp viên toàn những cái tên cộm cán với chức vụ cao trong chính giới Sài Gòn.
Nếu bị kết tội gián điệp, chắc chắn những cán bộ này của ta sẽ bị địch kết bản án tử. Tuy nhiên, những thành viên khác của Cụm A.22 đã quyết định lật ngược thế cờ. Với chiêu bài cũ, bằng tầm ảnh hưởng và tiếng nói của mình, họ đã “dắt mũi” cả giới báo chí lẫn dân chúng Sài Gòn rằng vụ bắt bớ này là thủ đoạn đấu đá chính trị của các phe phái trong chính quyền Sài Gòn và cái tội danh “điệp viên, tình báo” chỉ là sự bịa đặt do các phe phái ở Sài Gòn gán cho nhau để hợp pháp hóa vụ đấu đá này.
Họ đã thành công mỹ mãn, không một thành viên nào trong Cụm A.22 bị kết án tử sau khi bị xét sử, phần lớn đều bị kết án tù từ 5 tới 20 năm, một vài nhân vật cộm cán như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy,… bị kết án chung thân khổ sai.
Ngoài ra, việc xoay chuyển từ một vụ án gián điệp chuyển thành một vụ đấu đá chính trị đã khiến nội bộ chính giới Sài Gòn khi đó bị chia rẽ mạnh, nghi ngờ lẫn nhau.
Trao trả, tuyên dương và kỷ luật
Tới năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ được phía Sài Gòn trao trả cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam theo như quy định về trao trả tù binh của Hiệp định Paris. Sau khi được xác minh lý lịch, Vũ Ngọc Nhạ nhận được quyết định khen thưởng và kỷ luật cùng một lúc.
Ông được khen thưởng vì những thành tích “vô tiền khoáng hậu” với cụm tình báo A.22 trong thời gian còn hoạt động ở Sài Gòn. Quyết định kỷ luật ông cũng ghi rõ ông bị kỷ luật do đã không bảo vệ được Cụm A.22, khiến cả cụm bị bóc dỡ. Dù không phải toàn bộ các điệp viên trong cụm đều bị bắt giữ nhưng sau khi tất cả các thành phần chủ chốt của A.22 bị bắt giữ, cụm tình báo này coi như đã “xịt” không thể hoạt động mạnh như trước.
Ngày 7/8/2002 tại TP Hồ Chính Minh, Vũ Ngọc Nhạ qua đời ở tuổi 75. Phần mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Lạc Cảnh, TP Hồ Chí Minh, trong khu vực dành riêng cho các tướng lĩnh quân đội. Gần mộ phần của ông có 2 phần mộ của 2 điệp viên chiến lược khác trong chiến tranh Việt Nam bao gồm Phạm Xuân Ẩn và Đặng Trần Đức.