Nằm tại xã Thạnh Tân, tỉnh Tây Ninh, núi Bà Đen là một thắng cảnh nổi tiếng, được ví như “nóc nhà” của toàn vùng Nam Bộ. Tên gọi ngọn núi gắn với một người phụ nữ mà theo dân gian đã ba lần hiển linh ở vùng núi này.Theo đó, Bà Đen là nàng Lý Thị Thiên Hương, con gái của ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn. Nàng Lý vốn là người con gái xinh đẹp, hiền thục nổi tiếng khắp vùng. Một lần lên núi cúng chùa, nàng bị côn đồ vây bắt...Giữa lúc nguy khốn, Lê Sĩ Triệt - một chàng trai văn võ song toàn được sư Trí Tân nuôi nấng - đã cứu được nàng. Ðể đáp ơn Lê Sĩ Triệt, cha mẹ Thiên Hương hứa gả nàng cho chàng. Vốn đã mến nàng từ trước, Lê Sĩ Triệt rất mừng vui.Giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau thì Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân. Thiên Hương hứa sẽ giữ trọn danh tiết chờ chồng. Nhưng sự đời trớ trêu, trong một lần lên núi thăm sư Trí Tân, nàng lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục.Để giữ lòng trung trinh, Thiên Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau đó, nàng hiện về báo mộng cho sư Trí Tân trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa. Tỉnh dậy, sư cho người đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Từ đó, mọi người gọi nàng là Bà Đen để bày tỏ lòng tôn kính của mình.Lần hiển linh thứ hai của Bà Đen là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ chúa đến lính đều đói lả. Nghe người dân nơi đây nói về sự linh thiêng của Bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa đã cầu khẩn xin phò trợ.Đêm đó, Bà Đen xuất hiện trong mộng, chỉ cho chúa loài cây ăn quả cứu đói binh sĩ và gợi mở về hậu vận của chúa. Nhờ đó, Nguyễn Ánh thoát khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn.Lần hiển linh thứ ba của Bà Đen liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt, vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Chuyện là vị quan này có nghe về sự linh thiêng của Bà Đen nên đến tìm hiểu và hứa rằng sẽ dâng sớ vua và phong chức cho người phụ nữ họ Lý này nếu cô hiển linh.Lý Thị Thiên Hương đã nhập vào cơ thể của một cô gái để trò chuyện với Lê Văn Duyệt về tương lai của vị quan này và nỗi oan khuất của mình. Ngay sau đó, vị quan họ Lê đã thay mặt vua phong cho nàng làm “Linh sơn thánh mẫu”, tạc tượng để thờ ở núi Bà Đen.Ngày nay, chuyện về ba lần hiển linh của Bà Đen vẫn thường được người dân trong vùng nhắc lại, làm cho những sắc màu linh thiêng bao trùm lên ngọn núi hùng vĩ của mảnh đất Tây Ninh...
Nằm tại xã Thạnh Tân, tỉnh Tây Ninh, núi Bà Đen là một thắng cảnh nổi tiếng, được ví như “nóc nhà” của toàn vùng Nam Bộ. Tên gọi ngọn núi gắn với một người phụ nữ mà theo dân gian đã ba lần hiển linh ở vùng núi này.
Theo đó, Bà Đen là nàng Lý Thị Thiên Hương, con gái của ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn. Nàng Lý vốn là người con gái xinh đẹp, hiền thục nổi tiếng khắp vùng. Một lần lên núi cúng chùa, nàng bị côn đồ vây bắt...
Giữa lúc nguy khốn, Lê Sĩ Triệt - một chàng trai văn võ song toàn được sư Trí Tân nuôi nấng - đã cứu được nàng. Ðể đáp ơn Lê Sĩ Triệt, cha mẹ Thiên Hương hứa gả nàng cho chàng. Vốn đã mến nàng từ trước, Lê Sĩ Triệt rất mừng vui.
Giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau thì Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân. Thiên Hương hứa sẽ giữ trọn danh tiết chờ chồng. Nhưng sự đời trớ trêu, trong một lần lên núi thăm sư Trí Tân, nàng lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục.
Để giữ lòng trung trinh, Thiên Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau đó, nàng hiện về báo mộng cho sư Trí Tân trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa. Tỉnh dậy, sư cho người đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Từ đó, mọi người gọi nàng là Bà Đen để bày tỏ lòng tôn kính của mình.
Lần hiển linh thứ hai của Bà Đen là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ chúa đến lính đều đói lả. Nghe người dân nơi đây nói về sự linh thiêng của Bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa đã cầu khẩn xin phò trợ.
Đêm đó, Bà Đen xuất hiện trong mộng, chỉ cho chúa loài cây ăn quả cứu đói binh sĩ và gợi mở về hậu vận của chúa. Nhờ đó, Nguyễn Ánh thoát khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn.
Lần hiển linh thứ ba của Bà Đen liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt, vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Chuyện là vị quan này có nghe về sự linh thiêng của Bà Đen nên đến tìm hiểu và hứa rằng sẽ dâng sớ vua và phong chức cho người phụ nữ họ Lý này nếu cô hiển linh.
Lý Thị Thiên Hương đã nhập vào cơ thể của một cô gái để trò chuyện với Lê Văn Duyệt về tương lai của vị quan này và nỗi oan khuất của mình. Ngay sau đó, vị quan họ Lê đã thay mặt vua phong cho nàng làm “Linh sơn thánh mẫu”, tạc tượng để thờ ở núi Bà Đen.
Ngày nay, chuyện về ba lần hiển linh của Bà Đen vẫn thường được người dân trong vùng nhắc lại, làm cho những sắc màu linh thiêng bao trùm lên ngọn núi hùng vĩ của mảnh đất Tây Ninh...