Bé 2 tháng tuổi tử vong tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

Google News

(Kiến Thức) - Cháu bé hơn 2 tháng tuổi tử vong khi đang điều trị tại bệnh viện, gia đình bệnh nhi bức xúc gửi đơn kiến nghị yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

Bé hơn hai tháng tuổi tử vong tại bệnh viện, gia đình bức xúc
Ông Vũ Đức Thắng (SN 1972, trú tại số 2/24/231 Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và Báo điện tử Kiến Thức với mong muốn làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu nội ông là Vũ Hoàng Bảo Yến (sinh ngày 1/10/2016) tử vong khi đang điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng (trước đây là Bệnh viện Nhi Đức Hải Phòng).
Be 2 thang tuoi tu vong tai benh vien Tre em Hai Phong
 Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh Hải Ninh.
Trong đơn kiến nghị, ông Vũ Đức Thắng nêu: “Ngày 17/10/2016, gia đình tôi đưa cháu Vũ Hoàng Bảo Yến lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các bác sĩ kết luận cháu bị thông sản nhĩ thất, bệnh Down và viêm phổi nặng. Sau khi điều trị 3 ngày, tim, phổi của cháu đỡ, Bệnh viện chuyển cháu về Bệnh viện Nhi Hải Phòng để làm bảo hiểm chuẩn bị cho cháu mổ tim khi sức khỏe của cháu khá hơn. Cháu nằm tại Bệnh viện Nhi Đức đến ngày 21/10/2016 thì các bác sĩ cho về nhà bởi sức khỏe của cháu đã ổn định.
Đến đầu tháng 12/2016, cháu có biểu hiện tím tái mặt nên gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Đức để khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận cháu bị suy tim cấp độ 3 lên chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vì ở Bệnh viện Nhi Đức không can thiệp được. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu bị tim bẩm sinh, down và viêm phổi nặng. Bác sĩ điều trị cho cháu 5 ngày thì sức khỏe cháu đã đỡ nên khuyên về lại Bệnh viện Nhi Đức Hải Phòng cho tiện chăm sóc và chữa nốt bệnh viêm phế quản. Nếu sức khỏe của cháu ổn định, đầu năm 2017 đặt lịch để tiến hành mổ tim cho cháu”.
“Khoảng 18h30 ngày 26/12/2016, gia đình chuyển cháu từ Bệnh viện Nhi Trung ương về điều trị tại Bệnh viện Nhi Đức Hải Phòng trong tình trạng cháu đã ăn, ngủ bình thường. Bệnh viêm phổi đã được điều trị tương đối ổn định. Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương có để lại trên cổ cháu một cái ven và dặn: “Nếu muốn chuyển thuốc thì chuyển luôn vào cái ven trên cổ mà bác sĩ đã lấy sẵn vì người cháu không thể lấy ven được nữa”. Cháu được đưa vào khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đức Hải Phòng vào 19h cùng ngày. Lúc này sức khỏe của cháu bình thường, mẹ cháu cho cháu ăn hết 70ml sữa, cháu vẫn lẫy chơi đùa bình thường với bà ngoại.
Đến 19h15 các y tá vào thăm khám (trong đó có 6 người là thực tập sinh, một người là y tá). Cô y tá vào lấy máu cháu đi xét nghiệm nhưng bà ngoại của cháu không đồng ý. Mặc dù gia đình cháu không đồng ý nhưng y tá vẫn lấy máu ở hai tay để xem thận cháu có thích ứng với thuốc được không. Mẹ cháu đồng ý cho lấy máu một lần ở tay nhưng vẫn không lấy được. Vì cháu khóc to nên mẹ cháu bảo y tá để cháu hết khóc rồi hãy lấy nhưng y tá không nghe. Cô y tá gọi một người nữa vào (không mặc quần áo bác sĩ, không có biển tên, mặc quần áo bình thường) vào đẩy mẹ cháu ra để y tá bế cháu cho người khác lấy máu ở tay. Mẹ cháu và bà ngoại bảo dừng lại không cho lấy vì cháu khóc to nhưng hai cô không dừng lại.
Ngay lúc đó thấy cháu khóc nhiều và tím tái, y tá cầm một khay thuốc, hai ống tiêm, một ống đầy thuốc và một ống có nửa thuốc mà tiêm thẳng vào gáy cháu. Y tá cũng không tiêm vào ven mà bác sĩ đã lấy và dặn trước đó. Tiêm xong, cháu không khóc nữa mà có biểu hiện tím tái. Sau đó, các cô y tá đưa cháu xuống khoa Hồi sức cấp cứu. Đến 22h tối cùng ngày, cháu tử vong”.
Be 2 thang tuoi tu vong tai benh vien Tre em Hai Phong-Hinh-2
Đơn kiến nghị của gia đình bệnh nhân gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cháu Bảo Yến tử vong.
Be 2 thang tuoi tu vong tai benh vien Tre em Hai Phong-Hinh-3
Gia đình cho rằng, cái chết của cháu là oan ức bởi khi cháu bị tím tái bẩm sinh, thể trạng yếu như vậy thì việc lấy máu hay tiêm bất kể các loại thuốc nào đều phải hết sức thận trọng, căn cứ trên tình hình sức khỏe của cháu để tiến hành nếu không cháu sẽ bị sốc và dẫn đến tử vong.
Ông Vũ Đức Thắng cho rằng: “Cái chết của cháu rất oan ức bởi khi cháu bị tím tái bẩm sinh, thể trạng yếu như vậy thì việc lấy máu hay tiêm bất kể các loại thuốc nào đều phải hết sức thận trọng, căn cứ trên tình hình sức khỏe của cháu để tiến hành nếu không cháu sẽ bị sốc và dẫn đến tử vong. Gia đình mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu Bảo Yến”.
Lãnh đạo Bệnh viện giải thích thế nào?
Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cháu bé hơn hai tháng tuổi tử vong, ngày 20/1, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, phụ trách chuyên môn.
Bác sĩ Dương cho biết: “Bệnh nhân bị down với bệnh tim bẩm sinh cực kỳ nặng nhập viện được điều trị tại Khoa Tim mạch. Những bệnh nhân bị nặng thế này, bệnh viện chỉ cấp cứu ban đầu, khi ổn định thì chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh tim bẩm sinh thể phức tạp cộng với bệnh nhân mắc bệnh down. Bệnh nhân này tôi biết vì tôi là Phó giám đốc phụ trách về chuyên môn. Những ca như thế này sau khi tử vong đều có kiểm thảo tử vong cả và tôi có dự.
Khi bệnh nhân tử vong, ca trực báo cáo rằng gia đình bệnh nhân có vấn đề, họ thắc mắc về việc tiêm gì đó, người nhà bệnh nhân còn bức xúc cầm cả bệnh án ném vào mặt bác sĩ, sau đó chửi bới rồi đi tìm điều dưỡng. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã làm rất chặt chẽ. Bệnh của bệnh nhân thì rõ rồi vì khi tiên lượng đã rõ ràng".
Trả lời về việc, gia đình cho rằng, y tá tiêm vào gáy cháu Bảo Yến, Phó Giám đốc Dương khẳng định: “Gia đình bệnh nhân hiểu lầm, không phải làm tiêm mà do ven ở cổ là bác sĩ thông kim chứ không phải tiêm vào gáy bệnh nhân như gia đình phản ánh. Không bao giờ có chuyện tiêm vào gáy bệnh nhân, các bác sĩ, y tá được học bài bản tiêm bắp hoặc tiêm ven, chứ gáy làm gì có ven mà tiêm.
Về việc lấy mẫu xét nghiệm, trong tình trạng bệnh nhân nặng như thế này chắc chắn là khó, một hay hai lần gì đó chưa lấy được ven của cháu bé nên người nhà yêu cầu cho cháu nằm nghỉ mà không lấy ven tiếp nữa. Các bác sĩ cũng dừng không lấy ven nữa và cũng chưa tiêm thuốc gì, xong thử phản ứng. Trên Bệnh viện Nhi Trung ương có phác đồ gửi về, bệnh viện cũng dùng chỉ định kháng sinh giống như thế. Mới thử phản ứng thôi nhưng gia đình bệnh nhân thấy đau nên không đồng ý. Cháu bé chỉ nằm với mẹ sau đó có biểu hiện khó thở nên chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu.
Tất cả bệnh nhân bị tim bẩm sinh thì nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào chứ không như đứa trẻ bình thường. Hơn nữa, cháu lại đang có bệnh viêm phổi nặng nữa. Chính vì thế, ở bệnh viện này khi tiếp nhận các ca bệnh tim bẩm sinh chỉ sơ cứu ban đầu sau đó chuyển tuyến. Những ca như này thường có suy tim và biến chứng như rối loạn nhịp tim”.
“Khi cháu bé xảy ra biến chứng, bệnh viện đã tổ chức cấp cứu ngay lập tức, bởi chỉ cần cháu tím hơn là đã chuyển khoa Hồi sức rồi. Tại đây cả ca trực, lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa Tim mạch, bác sĩ Phó khoa Hồi sức cấp cứu để tiến hành hội chẩn. Khi đó đã dự đoán những ca nặng lại biến chứng thì tiên lượng nguy cơ tử vong là rất cao. Bệnh viện cũng giải thích với gia đình và bản thân mẹ cháu cũng ký cả giấy cam kết. Khi xảy ra sự việc, bệnh viện cũng có báo cáo về sự việc lên Sở Y tế Hải Phòng”, Phó giám đốc bệnh viện cho hay.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên...
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)