Ăn uống quyết định điều trị gan nhiễm mỡ

Google News

(Kiến Thức) - Bạn Phạm Ngọc Hiền (thôn 11 xã Hoằng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mới đi khám bệnh định kỳ và phát hiện gan nhiễm mỡ độ 3. Đặc biệt, rất nhiều người bị bệnh này nhưng không biết tại sao, cách chữa trị như thế nào cho hiệu quả. 

 Người bị gan nhiễm mỡ nên chọn các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh.

BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, gan nhiễm mỡ (GNM) là khi lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh gồm: Nghiện rượu, béo phì, tiểu đường,  tăng lipit máu, bị bệnh về gan, do dùng thuốc... nhưng quan trọng nhất vẫn là chế độ ăn thừa năng lượng gây ra. Gan đóng vai trò trung tâm trong sự tích trữ và chuyển hoá của các chất béo. Khi năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ và được tích lũy nhiều trong gan. Trong hầu hết các trường hợp, chất béo ứ đọng chủ yếu là triglycerides, nhưng trong một vài trường hợp thì phốt pho lipit chiếm đa số. 

Hiện nay không có thuốc đặc hiệu cho bệnh GNM. Khi mỡ máu, mỡ gan cao bắt buộc phải uống thuốc giảm mỡ máu statin... nhưng dùng lâu dài thuốc này sẽ gây mệt mỏi, rối loạn chức năng gan, rối loạn kinh nguyệt, liệt dương... nhất là ảnh hưởng nhiều đến thần kinh, tâm lý. Việc kiểm soát tình trạng GNM phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chế độ điều trị có thể bao gồm cai nghiện rượu; ngưng dùng các thuốc có nhiều khả năng gây nên GNM; kiểm soát các bệnh về chuyển hóa: tiểu đường, béo phì... Đặc biệt, ngoài việc dùng một số thuốc bảo vệ gan thì chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh đóng vai trò quyết định  giúp phòng ngừa và điều trị bệnh.

Về dinh dưỡng, người bệnh phải kiên trì thực hiện chế độ ăn đủ năng lượng, kết hợp với tập thể dục đều đặn, vừa sức, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Tập ít nhất 5 ngày trong tuần. Nên ăn thịt nạc, các loại cá và hải sản (riêng tôm và cua biển không nên ăn quá 1 lần/tuần). Hạn chế ăn trứng (chỉ nên ăn 2 quả/tuần), các chất ngọt và chất béo vì các chất này khi thừa sẽ chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Khi chế biến thức ăn, nên hạn chế các món chiên xào mà thay bằng những món nướng, luộc.

Cần tránh các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phômai; không nên ăn da các loại thịt heo, vịt, gà... Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thức ăn có chứa chất xơ, sợi như rau cải, gạo đỏ, khoai mỡ, khoai tây, cà rốt, ngũ cốc, các loại hạt, bánh mỳ và bánh quy nhạt. Ngoài ra, người bị GNM cũng nên chọn các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan như nhộng tằm, nấm hương, lá trà, lá sen, ngô, rau cần...

Gan bình thường chứa khoảng 5g lipit cho mỗi 100g trọng lượng của gan, trong đó khoảng 14% là triglyceride, 64% là phốt pho lipid, 8% cholesterol và 14% là các axit béo tự do. Trong gan nhiễm mỡ, lượng chất béo có thể chiếm đến 50% trọng lượng của gan, trong đó hơn một nửa là các triglyceride.

TIN LIÊN QUAN: 

Thúy Nga (ghi)

Bình luận(0)