Đưa phong bì cho bác sĩ: Có vi phạm pháp luật?

Google News

(Kiến Thức) - Việc đưa phong bì đang gây tranh cãi ở góc độ y đức, nhưng về phương diện pháp luật, dường như đây chưa phải hành vi bị điều chỉnh?

Đưa phong bì có là đưa lối hộ?

Trong khi Bộ luật hình sự Việt Nam quy định: "Đưa hối lộ được hiểu là đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào cho người có quyền hạn chức vụ để yêu cầu làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của mình hoặc lợi ích của người khác", thì nạn đưa phong bì cho cán bộ y tế trong bệnh viện vẫn đang được bàn cãi ở góc độ "nên" hay "không nên".

Ngành y tế đã phát động chương trình thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, một trong những nội dung trọng điểm của chương trình này là việc "nói không với phong bì".

Tuy nhiên, ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến lại tuyên bố: "Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh...".

 Ảnh minh họa.

Thu nhập thấp của bác sĩ, điều dưỡng; tâm lý cố hữu của bệnh nhân là phải có tiền thì mới được điều trị tốt, được "ưu tiên" hơn so với những người khác; sự "nài nỉ" nhận tiền của bệnh nhân; sự "vòi vĩnh" của cán bộ y tế... được tổng kết là nguyên nhân khiến nạn phong bì không thể xóa sổ ở thời điểm này tại các bệnh viện. Khi chưa dứt điểm được cách xử lý vấn nạn này, như một loại hối lộ, thì sự "cho phép" của Bộ trưởng Y tế thời điểm này, lại thêm một cánh cửa để phong bì "tung bay" trong môi trường y tế.

Thực tế, hiếm bệnh nhân nào khi đặt chân đến bệnh viện lại không cảm thấy đang "nhờ vả" cán bộ y tế bởi sự quá tải trong khám, chữa bệnh. Vì vậy, một chiếc phong bì luôn khiến cả bệnh nhân và nhân viên y tế cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn khi một bên đang hoang mang bối rối vì sức khỏe và mạng sống của người thân, một bên thì quá căng thẳng vì phục vụ.

Sự việc "đưa phong bì" vì thế hiếm khi bị phanh phui hoặc lên án, có chăng chỉ khi bên mất tiền mà không nhận được sự phục vụ mà họ thấy tương xứng, thậm chí mất mát người thân.

Tuy vậy, kể cả khi một đôi vụ việc bị phanh phui, hậu quả nặng nề nhất mà người y, bác sĩ phải gánh chịu cũng chỉ là đuổi việc. Ví dụ, Bệnh viện Việt Đức từng đuổi việc một bác sĩ sau khi phát hiện người này nhiều lần vòi tiền của bệnh nhân và bị người nhà họ gửi thư tố cáo. 
 Ảnh minh họa.

Nhiều nước phạt tù bác sĩ nhận tiền bệnh nhân

Tại Canada, hai bác sĩ tim mạch làm việc tại thành phố Montréal (Québec) đang bị cáo buộc nhận hối lộ và sẽ phải ra đối chất trước Ủy ban Y đức Trường Đại học Y Montréal vì những hành vi này. 
 Ở nhiều nước, kể cả những nước đang phát triển, tham nhũng trong lĩnh vực y tế bị xử phạt rất nặng. Ảnh: internet.

Hai bác sĩ này tên là André Pasternac và Mark Jeffrey, bị một bệnh nhân tên là Valery Fabrikant cáo buộc đã nhận hối lộ trong quá trình chữa bệnh tim. 

Bênh nhân Valery Fabrikant cho biết, vào năm 2010, đã đưa hối lộ cho bác sĩ Pasternac 5.000 USD và bác sĩ Jeffrey 1.500 USD để họ chăm sóc kỹ lưỡng hơn bệnh tim của ông.

Tháng 2 vừa qua, một bác sĩ ở New Jersey, Mỹ, bị kết án 5 tháng giam giữ và 5 tháng án treo do giới thiệu bệnh nhân đến chụp MRI tại một cơ sở y tế. vị bác sĩ tên Rand, bị bắt cùng với 12 bác sĩ khác ở New Jersey và một y tá, bị buộc tội nhận "phong bì" lại quả do giới thiệu bệnh nhân của họ đến cơ sở trên xét nghiệp. Ngoài phạt tù, vị bác sĩ này còn bị giám sát 2 năm và nộp phạt 30.000 USD.

Trước đó, tháng 1 năm nay, tại bang Florida, Mỹ, một bác sĩ cùng chủ và đồng sở hữu phòng khám bị kết án 1 năm tù giam và 1 năm án treo tội nhận tiền của bệnh nhân để kê thuốc giảm đau bất hợp pháp cho họ. Theo các công tố viên, bệnh nhân khi đến khám ở phòng khám (2 tuần một lần), phải lót tay cho bác sĩ 200 - 250 USD để được nhận đơn thuốc.

Tháng 2 năm ngoái tại Marốc, tòa án bang Casablanca (Tây Bắc Marốc) đã kết án một bác sĩ vì tội danh tham nhũng và buộc người này phải nộp phạt số tiền tương đương 119 USD (khoảng 2,4 triệu đồng). Cảnh sát đã bắt quả tang vị bác sĩ này đang nhận tiền hối lộ từ một bệnh nhân để viết bệnh án “khống” cho người này nhằm trục lợi từ quỹ bảo hiểm. Đây là một bác sĩ giỏi, có thâm niên làm việc gần 20 năm tại một bệnh viện công của nước này. 

Không chỉ kết tội bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân, một số nước cũng xử phạt nặng những "lương y" nhận phong bì để kê toa cho các hãng dược. Ví dụ, cơ quan điều tra của Croatia đang điều tra trên 350 bác sĩ nhận tiền hối lộ của hãng dược Farmal (Đức) để kê toa dùng thuốc của công ty này cho nhiều bệnh nhân.

Bộ trưởng Y tế Croatia cho biết, 30 nhân viên của công ty Farmal bị bắt giữ về tội đưa tiền hối lộ cho các bác sĩ và cuộc điều tra đang được mở rộng, tập trung vào các bác sĩ.

TIN LIÊN QUAN

Lê Phương - Cẩm Linh

Bình luận(0)