Cuộc chiến thế giới chống “tăng huyết áp“

Google News

(Kiến Thức) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề "đấu tranh chống bệnh cao huyết áp" cho Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay do tính chất đặc biệt nguy hiểm của nó.

Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết, ước tính cứ 3 người thì có 1 bị tăng huyết áp ở độ tuổi từ 25 trở lên trên toàn thế giới, tương đương gần 1 tỷ người.

Căn bệnh này góp phần tăng số người chết do đau tim và đột quỵ mỗi năm lên tói 9,4 triệu người, mặt khác, nó cũng làm tăng các nguy cơ bệnh thận và mùa lòa.

Cao huyết áp thường không xuất hiện triệu chứng cụ thể trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Bà Chan nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là vận động mọi người nhận thức về sự nguy hiểm của căn bệnh cao huyết áp và những phương pháp điều trị”.

WHO cho rằng việc phát hiện bệnh là rất quan trọng đối với những người bị cao huyết áp bởi vì nhóm bệnh nhân này trong giai đoạn đầu đều không có biểu hiện gì đặc biệt. 

Một khi đã phát hiện được bệnh, các bệnh nhân cao huyết áp hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa khả năng bệnh diễn biến trầm trọng hơn bằng cách thay đổi, điều chỉnh cách sinh hoạt hàng ngày, nhất là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, kết hợp với các phương pháp điều trị bằng thuốc, và chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát chứng cao huyết áp. 
Đấu tranh chống bệnh cao huyết áp cho Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay.

Báo cáo “Cao huyết áp là một vấn đề toàn cấu- kẻ giết người thẩm lặng, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu” do WHO công bố ngày 3/4 cho thấy Châu Phi là nơi có tỷ lệ cao huyết áp lớn nhất (46% trường hợp trên 25 tuổi), châu Mỹ là khu vực có tỷ lệ thấp nhất (35%). Điều này là do sự chênh lệch giữa dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia có thu nhập cao so với các nước có thu nhập vừa và thấp.

Báo cáo nêu rõ công tác phòng chống và kiểm soát tăng huyết áp đòi hỏi sự nỗ lực và vai trò của Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các nhân viên y tế, lực lượng nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, gia đình và cá nhân.

WHO cho hay trách nhiệm của tổ chức là hướng dẫn cho các nước thành viên thiết lập các chính sách y tế, dinh dưỡng đa ngành thích hợp và thực hiện các giải pháp hợp lý và hiệu quả để giảm tải gánh nặng y tế và tài chính liên quan đến căn bệnh tăng huyết áp, bằng cách cung cấp các công cụ để giảm tỷ lệ mắc bệnh, như Bảng xếp hạng dự đoán nguy cơ cao huyết áp cấp quốc tế để quản lý rủi ro và hướng dẫn việc sử dụng thích hợp các loại thuốc thích hợp và an toàn.

WHO kêu gọi mọi người, đặc biệt từ độ tuổi ngoài 40, phải luôn biết một cách chính xác huyết áp của mình, mọi người từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế ăn mặn, không uống rượu bia, ăn nhiều rau quả và các loại thực phẩm có chứa Kali, Magiê và Canxi, đồng thời có chế độ ăn uống phù hợp để giảm cân nếu như bị thừa cân và thường xuyên tập thể dục, tránh những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Hơn 18% người Việt Nam bị tăng huyết áp

Tại Việt Nam, tần suất và tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960, tỉ lệ tăng huyết áp là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. 

Theo một điều tra năm 2008 của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (≥ 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì thấy tỉ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. 

Điều đáng quan ngại nhất là rất nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc người đã biết bị tăng huyết áp nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào, do đó tỷ lệ biến chứng do tăng huyết áp trong cả nước ta là rất cao, bao gồm suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, suy thận…
Bệnh cao huyết áp ở Việt Nam đang tăng nhanh.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.

Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam (năm 2008-2009), đa số người dân (77%) hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân để tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng ở nước ta.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Năm 2012, trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng nặng nề của bệnh tăng huyết áp, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống tăng huyết áp trở thành Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Theo WHO, tăng huyết áp là khi số huyết áp tối đa (hay còn gọi là tâm thu) lớn hơn hoặc 140mm thủy ngân và/hoặc, huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mm thủy ngân.

Khi bị tăng huyết áp, người bệnh có thể thấy có một số biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, có cảm giác như "ruồi bay" trước mặt, đôi khi mất thăng bằng, loạng choạng, váng đầu, nặng có thể tử vong. Tuy nhiên, cũng có trường hợp huyết áp cao nhưng không có triệu chứng.
 
Điều trị tăng huyết áp thường phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí cả đời. Những nhóm thuốc thông thường nhất để điều trị tăng huyết áp gồm:

- Thuốc lợi tiểu

- Thuốc ức chế men chuyển dạng Angiotensin

- Thuốc ức chế thụ thể AT1 của AngiotensinII

- Thuốc chẹn kênh canxi.

- Thuốc chẹn Beta giao cảm.

- Thuốc chẹn cả thụ thể Beta giao cảm và Alpha giao cảm.

- Thuốc liệt hạch

- Thuốc hạ áp tác động vào thần kinh trung ương
 

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Cẩm Linh

Bình luận(0)