Cuộc đời nữ tướng Bùi Thị Xuân: Sự trả thù thảm khốc

Google News

Cuộc đời của hai ông bà Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân là tượng trưng cho triều đại Tây Sơn oai hùng và bi thương...

- Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân là những anh hùng đã dựng lên triều đại Tây Sơn và chính họ cũng là những người chứng kiến những giờ phút cuối cùng hết sức bi thảm của triều đại đó. Cuộc đời của hai ông bà là tượng trưng cho triều đại Tây Sơn oai hùng và bi thương, một triều đại để lại trong lòng chúng ta thật nhiều cảm xúc.
[links()]
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định).
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định).
Toàn bộ quân đội của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, sau khi chiếm lại được Quy Nhơn, đã bị cô lập hoàn toàn. Không còn cách nào khác, hai ông phải bỏ thành Quy Nhơn, theo đường thượng đạo bí mật rút ra Bắc. Nhưng trên đường ra Bắc, phần thì bị lam sơn chướng khí, phần vì thiếu ăn bệnh tật, quân lính lớp thì bỏ trốn, lớp bị chết dọc đường, khi đi gồm 3.000 quân và 80 thớt voi, khi đến Nghệ An chỉ còn lại mấy chục người! Bản thân Trần Quang Diệu cũng bị phù thũng nặng nề, không thể chiến đấu được. Đến Thanh Chương (Nghệ An) Trần Quang Diệu và mấy người tuỳ tùng đều bị bắt sống. Bùi Thị Xuân đem quân đến cứu chồng cũng bị bắt nốt.

Tháng 11 Nhâm Tuất (1802), sau khi thống nhất đất nước, Gia Long tổ chức lễ Hiến phù (Lễ dâng tù ở Thái Miếu), thực chất là trả thù những người theo Tây Sơn. Cuộc trả thù rất tàn khốc, có một không hai trong lịch sử.

Đại Nam thực lục chính biên ghi lại: "Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh túc trực và Nguyễn Đăng Hựu làm Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho năm voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Văn Nhạc giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở nhà Đồ ngoại (năm Minh Mạng thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết" (Sđd, Đệ nhất kỷ, q.19) .

Về cái chết của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân sử sách ghi không thống nhất. Chính sử của nhà Nguyễn chỉ ghi vắn tắt là "xử trị hết phép" chứ không cho biết "hết phép" là như thế nào. Có tài liệu ghi rằng, Trần Quang Diệu bị lột da còn Bùi Thị Xuân bị quấn vải tẩm dầu rồi thiêu sống. Có lẽ tài liệu của giáo sĩ Bissachère là đáng tin cậy hơn cả vì ông là người có mặt tại Phú Xuân trong thời gian diễn ra lễ Hiến phù tháng 11/1802.
Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân ở Bình Định.
Ông viết: "Còn về quan Thiếu phó (Trần Quang Diệu) là kẻ được người trong gia đìmh cùng tất cả những kẻ quen thuộc yêu kính, quan đã làm một việc hiếu trong ngày quan bị xử hay là ngày trước đó. Quan đã tâu được thấu đến vua rằng, mẹ quan già đã 80 tuổi, không thể nào làm hại cho xã tắc được nữa, nên xin vua tha chết cho bà, vì bà mang tội cũng là tại quan. Quan được như ý. Phần quan chỉ bị chém thôi".

"Quan có một cô gái 15 tuổi, đầy đủ các vẻ đẹp của một thiếu nữ. Khi cô thấy một con voi tiến về phía cô để rồi tung cô lên trời, cô thét lên một tiếng não ruột. Cô kêu mẹ: "Mẹ ơi, cứu con với". Mẹ cô, là vị nữ tướng, trả lời rằng: "Con đòi mẹ cứu làm sao, vì mẹ cũng không cứu được chính mình mẹ và con nên chết đi với cha mẹ còn hơn là sống với bọn người kia...". Nhiều người muốn cứu cô và họ quay mặt đi chỗ khác, khi voi, bị đánh đập, đã tung cô lên trời hai lần, rồi lấy ngà đỡ cô.

"Đến lượt bà Thiếu phó (Bùi Thị Xuân), bà hiên ngang tiến đến trước mặt voi để khiêu khích nó. Khi bà đến gần, người ta bảo bà quỳ xuống cho voi dễ cuốn, nhưng bà không nghe, cứ đi thẳng đến voi. Người ta còn kể rằng, mặc dầu voi đã bị kích thích nhiều, cũng còn phải giục ép lắm nó mới tung bà lên, dường như nó còn nhận được bà là người chủ cũ của nó..." (trích dẫn lại theo Nguyễn Huệ -Phú Xuân, Nxb Thuận Hoá 1986 tr.120, 121).

Như vậy là cả gia đình bà Bùi Thị Xuân đều phải chịu cực hình. Bùi Thị Xuân năm đó mới 45 tuổi, còn con gái bà, tên là Trần Thị Cúc (tức Bích Xuân), năm đó mới 15 tuổi.

Phan Duy Kha

Bình luận(2)

Minh Hiền

H

Lần nào đọc cũng xúc động cả dù có nhiều dị bản, tiếc cho vương triều nhà Tây sơn huhu

Minh Hiền

Trần Lãm

Liệt nữ anh hùng nước Nam ta nhiều sao kể xiết. Nhưng mỗi khi nhắc đến Bùi Thị Xuân ta không khỏi xúc động. Một vĩ nữ tướng anh hùng, dòng dõi của Hai Bà Trưng, đến lúc chết còn hiên ngang. Thật đúng là cọp chết để lại da, người thác để lại tiếng. Dâng một nén tâm hương trước anh linh của vợ chồng Đô đốc.