Chồng tôi chỉ yêu con gái

Google News

(Kiến Thức) - Lúc nào chồng tôi cũng có câu cửa miệng “chị là phận gái, sau này đi lấy chồng thiệt thòi hơn con”. 

Vợ chồng tôi có một trai, một gái, nói như các cụ, thế là chúng tôi cũng được “lộc con cái”, nhất là khi các con tôi đều xinh xắn, giỏi giang, ngoan ngoãn. 

Chỉ có một điều tôi thấy rất vô lý, nhà người ta, thường rất cưng chiều, quý trọng con trai, còn chồng tôi lại bênh con gái vô cùng. Dù cháu là chị nhưng cái gì chồng tôi cũng bắt thằng em nhường. Lúc nào chồng tôi cũng có câu cửa miệng “chị là phận gái, sau này đi lấy chồng thiệt thòi hơn con”. 

Con gái tôi không phải đứa hư, nhưng nó biết lợi thế của mình nên tính tình có phần đành hanh, choảnh choẹ. Nó thích gì là em nó dù muốn cũng phải nhường. Nó có nhu cầu gì chỉ cần bóng gió là bố nó sẽ đáp ứng. Mỗi lúc em nó được tôi bênh vực gì vì nhận thấy sự bất công của chồng, nó lại gào lên: “Sau này, nhà cửa này, xe cộ này, bố mẹ này đều là của nó hết, mẹ còn bênh gì nó nữa”.

Tôi có góp ý với chồng nhiều lần, nhưng chồng tôi nhất mực bảo vệ quan điểm của mình. Anh coi con gái như vàng như ngọc, cứ như cả cuộc đời sắp tới của nó sẽ nhuốm màu đen tối nên phải bù đắp từ bây giờ. Thậm chí, nhà tôi được ông bà nội chia cho một mảnh đất, chồng tôi tuyên bố luôn là “phần của con Bông”; rồi đi đâu anh cũng bảo, sau này hai vợ chồng già mà có 10 thì con gái phải được 7 phần, con trai bao giờ cũng sướng hơn, tự chủ hơn nên chỉ được 3 phần thôi...

Tôi biết, chồng tôi thương con gái xuất phát từ việc thấy chị gái anh đi lấy chồng khổ quá, thậm chí kể cả tôi, dù được anh cưng chiều nhưng nếu so độ tự chủ, sung sướng như anh nói thì cũng chẳng bằng được anh. Nhưng cách chồng tôi cư xử thiếu khéo léo tạo nên tâm lý tự ti, tị nạnh giữa hai con với nhau, tôi sợ cứ như thế, lớn dần lên, chị em chúng sẽ không còn yêu thương nhau nhiều nữa.

Tôi nên làm thế nào để chồng tôi, vừa thoả mãn được cái sự chăm sóc con gái của mình, vừa hiểu rằng, con trai cũng cần được yêu thương?
Nguyễn Lan Anh (Hoài Đức, Hà Nội)
 Ảnh minh hoạ

Đáp: Có lẽ nhiều người sẽ tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện mà chị chia sẻ. Cuộc sống bây giờ đã đổi khác, bố mẹ hiện đại nhìn cảnh thế hệ mẹ, chị, vợ mình đầu tắt mặt tối, vất vả hi sinh mà sợ rằng con gái mình lớn lên cũng khổ sở, thiệt thòi hơn so với con trai, từ việc mang nặng đẻ đau, chăm con, lo đối nội đối ngoại, đó là chưa nói đến nỗi khổ khi lấy phải người chồng không chính đáng.

Làm sao để con gái mình tương lai sướng hơn? Đây có thể là điều mà chị có thể khơi gợi, chia sẻ cùng chồng mình, để anh bày tỏ những nổi lo lắng và thỏa mãn tình yêu con gái. Chia sẻ tài sản cho con gái cũng là một cách mà nhiều bố mẹ thời nay nghĩ đến, thay vì trước đó, con trai mặc nhiên thừa hưởng phần lớn tài sản, nhà cửa của bố mẹ, con gái là con người ta, sẽ về nhà chồng nên không được gì nhiều.

Tuy vậy, tài sản hay sự yêu chiều của bố mẹ là không đủ để đảm bảo cho con gái sung sướng, nếu không nói là phản tác dụng. Để có được hạnh phúc, người phụ nữ của thế hệ con trước hết cần độc lập, giỏi giang, biết yêu thương chăm sóc bản thân mình, nhưng cũng cần sự khéo léo, mềm dẻo để khuyến khích người chồng cùng chia sẻ công việc, chăm sóc vợ con. Nếu luôn được chăm bẵm, bênh vực, con sẽ vừa thiếu kỹ năng cần thiết để làm vợ, làm mẹ, lại vừa hống hách, khó chịu, sau này gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác cũng như tình yêu, hôn nhân.

Thay vì cứ đối xử với con theo cách tương lai con sẽ nhuốm màu u tối, theo cách con sẽ nạn nhân của cả xã hội này, hãy thử thay đổi cách nhìn và thái độ tích cực hơn: Con là con gái, con có thể làm được nhiều điều để tự tin, hạnh phúc và mang tới những điều tốt đẹp cho người khác. Sự tiếp cận này sẽ truyền cho con niềm tin, nghị lực và cảm hứng để vượt qua những định kiến, sống vui tươi như bố mẹ mong muốn.

Thêm vào đó, sự không công bằng, thiên vị trong một gia đình thường để lại hậu quả tâm lý nặng nề lên những đứa con mà phần lớn bố mẹ không ý thức hết. Nhiều đứa trẻ khi trưởng thành vẫn luôn cảm thấy tức giận bố mẹ, tự ti về bản thân, ghen tị với anh chị mình vì sự thiếu công bằng trong cách ứng xử của bố mẹ từ thời nhỏ.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh.

TIN LIÊN QUAN

Bình luận(0)