Dương Khiết Trì lại phát ngôn “ngây thơ cụ”... cướp “đất” Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Ông Dương Khiết Trì lại vừa tuyên bố "Trung Quốc không nuốt quả đắng phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển”. Đây phải chăng là kiểu "ngây thơ cụ"... để ăn cướp đất của nhà hàng xóm?

Lại leo lẻo: "Không nuốt quả đắng phương hại chủ quyền"

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu khai mạc tại Lễ khai mạc Diễn đàn Hoà bình Thế giới lần thứ 3 ở Bắc Kinh nhấn mạnh Trung Quốc “kiên quyết giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.
Ông Dương Khiết Trì mạnh miệng tuyên bố Trung Quốc “không lấy lợi ích cốt lõi của mình để trao đổi, không nuốt quả đắng phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.
Duong Khiet Tri lai phat ngon “ngay tho cu”... cuop “dat” Bien Dong
Dương Khiết Trì lại phát ngôn “ngây thơ cụ”... nhằm cướp “đất” nhà hàng xóm trên Biển Đông.
Vị Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc này cũng già mồm tuyên bố Trung Quốc “luôn dốc sức cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển với nước hữu quan thông qua phương thức hoà bình, nguyện thúc đẩy đàm phán đối thoại giải quyết vấn đề với thiện chí và lòng kiên nhẫn lớn nhất”.
Ông Dương Khiết Trì cũng không biết ngượng khi lên tiếng: “Trung Quốc chủ trương tranh chấp về biển Hoa Đông, Biển Đông cần do nước đương sự trực tiếp hữu quan đàm phán giải quyết thông qua thương thảo hữu nghị trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế”. Song, dường như ông Dương Khiết Trì quên mất rằng, Trung Quốc có rất nhiều động thái tránh né cuộc chiến pháp lý với Philippines, Việt Nam cũng như Nhật Bản liên quan đến các vấn đề chủ quyền.
Điều đặc biệt là tuyên bố của ông Dương Khiết Trì được đưa ra sau khi trở về từ Hà Nội sau chuyến thăm mà ông là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc đến thăm Việt Nam sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam vào đầu tháng 5/2014, khiến căng thẳng tăng cao giữa hai nước.
Chủ quyền trên cơ sở ăn cướp đất nhà hàng xóm?
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu tùy ngôn, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của láng giềng mà không đưa ra được cơ sở gì để chứng minh cho các tuyên bố của mình.
Gần đây nhất, khi nhận được nhiều câu hỏi về cái gọi là “đường 9 đoạn” tại Đối thoại Shangri-La 13, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã không thể làm rõ được cơ sở giúp Trung Quốc lập ra "đường 9 đoạn".
Trên một bài xã luận được Tân Hoa Xã đăng tải, Trung Quốc đưa ra lời biện minh hết sức nực cười: “Đường chín đoạn, do chính phủ Trung Quốc tuyên bố hồi đầu năm 1947 và được ghi rõ ràng trong các tư liệu lịch sử, rõ ràng là một vấn đề liên quan tới chủ quyền và không bị chi phối bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Nhận xét về cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên VTV, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết: "Trung Quốc thường nói cơ sở duy nhất khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" của họ là việc họ tuyên bố đường lưỡi bò này vào năm 1947, mà lúc đó không có ai phản đối. Nhưng phải khẳng định một điều khi Trung Quốc đưa ra đường này thì không có lời giải thích tọa độ nó là gì, ý nghĩa của nó ra làm sao và họ yêu sách cái gì trên đường này. Vì vậy, thế giới không thừa nhận, họ cho rằng đây là con đường không chính thức do tư nhân vẽ ra và không có giá trị pháp lý nào cả. Vì vậy, người ta không có ý kiến phản đối. Cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng về con đường phi lý này.
"Trong công hàm Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc để công bố một cách chính thức con đường này thì họ đưa ra khái niệm mập mờ, không có trong luật pháp quốc tế. Ví dụ như "vùng nước kế cận" hay "vùng nước có liên quan", những khái niệm không ai hiểu nó là cái gì. Bản thân các học giả Trung Quốc cho đến nay cũng không lý giải được con đường này như nào. Ít nhất, theo tôi được biết, có 4 cách giải thích khác nhau về con đường này và trong đó không có cách giải thích nào phù hợp với luật pháp quốc tế", Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn nói.
Một đường lưỡi bò với yêu sách chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, chưa cần bàn đến việc nó có cơ sở pháp lý dựa trên công ước luật biển hay không, người ta cũng nhận thấy sự phi lý của nó vì nó chiếm quá nhiều diện tích Biển Đông, hơn nữa lại đi vào sát bờ biển của các quốc gia khác. Một số học giả các nước nói đùa rằng "Nếu muốn đi bơi ở ngoài biển cũng phải xin phép Trung Quốc" nếu con đường này biến thành yêu sách thực sự của Trung Quốc".
“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc cũng gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các chuyên gia quốc tế. Ông Richard P.Cronin, GĐ Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson cho biết: “Theo luật quốc tế, đường 9 đoạn không có một cơ sở thực sự nào cả, hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào trên ánh sáng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982, đặc biệt là các quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình".
Trái ngược hoàn toàn sự đuối chứng cứ về chủ quyền, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cở sở pháp lý đối với chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể:
Ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế, mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào. Đến thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
Duong Khiet Tri lai phat ngon “ngay tho cu”... cuop “dat” Bien Dong-Hinh-2
Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, trên bia có khắc dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa "Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa 1816, đảo Hoàng Sa 1938.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
Hiệp định Genève 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Genève 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Tuy nhiên, năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Vậy, câu nói quyết không hy sinh chủ quyền, không nuốt quả đắng thật nực cười khi mà Trung Quốc không có cơ sở gì để khẳng định cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông và càng chứng minh sự thật: Bắc Kinh ngông cuồng, trở trẽn cướp đất nhà hàng xóm... nhằm biến Biển Đông thành ao nhà, như cái được gọi là "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình!
Ngô Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)