Nói đến các công chúa, mọi người thường nghĩ ngay đến thân phận cành vàng lá ngọc. Rất nhiều người đàn ông ước ao được trở thành phò mã, cưới được mỹ nhân cao quý trong hoàng cung. Tuy nhiên, vào thời Đường, đa số mọi người đều sợ hãi vô cùng khi phải cưới công chúa làm vợ. Vậy nguyên nhân tại sao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Thứ nhất, thời Đường, phân nửa các công chúa phẩm đức đều không tốt. Không chỉ kiêu căng ngạo mạn, hung hăng hống hách, tính tình thô bạo, còn không chịu tuân thủ theo lễ tiết của thời đại. Cậy mình có thân phận cao quý, những nàng công chúa này vô cùng lộng quyền. Có lấy về, cũng phải cắn răng nhịn nhục để chiều chuộng.
Bên cạnh đó, không ít các nàng công chúa thời Đường đa tình. Một khi đã động lòng, các nàng không ngại lễ tiết, cũng không màng đến danh phận, sẵn sàng tư thông với người khác, làm mất hết mặt mũi nhà chồng.
Thứ hai, lễ nghi cung đình nhiều vô cùng. Công chúa là con của hoàng đế, tư cách tôn quý, khi gả chồng rồi, cũng thường không tuân theo lễ nghi của con dâu, không tôn trong cha mẹ chồng. Ngược lại, cha mẹ chồng còn phải bái kiến, dùng lễ với nàng dâu là công chúa.
Trong thời đại phong kiến, coi trọng lễ nghi, công chúa dù có thân phận cao quý nhưng khi gả đến nhà chồng cũng nên hiếu kính cha mẹ chồng. Tuy vậy, thời Đường, hiếm nàng công chúa nào lễ nghi chu toàn, vì vậy đều không được lòng nhà chồng.
Thứ ba, công chúa dù gả đi vẫn có phủ công chúa. Phò mã lấy công chúa phải dọn đến ở trong phủ, chẳng khác nào phụ thuộc. Trong phủ của công chúa có vô số kẻ hầu người hạ, trong ấp phong của công chúa cũng có không ít thần dân, tất cả đều phải nghe lệnh của công chúa.
Nói cách khác, tại ấp phong, tại phủ công chúa, tất cả tài phú, quan lại, nô bộc đều thuộc quyền quản lý của công chúa, do công chúa trực tiếp xử lý. Phò mã ở trong phủ công chúa, địa vị chắc chắn thấp hơn một bậc, hoàn toàn không có chủ quyền.
Thứ tư, nếu công chúa không may qua đời, phò mã phải để tang 3 năm. Thời phong kiến, nam nhân là trung tâm của xã hội. Làm phò mã giống như thiếu khuyết tôn nghiêm của phát mạnh. Đa số những người làm phò mã đều không thoải mái, một số người còn rất tự ti.
Thứ năm, làm phò mã không dễ dàng thăng quan, tiến chức. Thời nhà Đường, một nam nhân khi cưới công chúa sẽ được phong làm Phò Mã Đô Úy, đây là một quan hàm, tương đương với quan tam phẩm.
Quan tam phẩm thời nhà Đường thông thường có quyền lực tương đương với tể tướng, vị trí rất cao. Thế nhưng Phò Mã Đô Úy thực chất chỉ là danh xưng, là chức suông, không có thực quyền, không có lương bổng, không có chỗ làm việc chính thức. Có thể nói, Phò Mã Đô Úy là hư danh, căn bản không tính là quan lại.
Bên cạnh đó, do quan hệ nhạy cảm giữa con rể phò mã và bố vợ hoàng đế, phò mã rất khó được cất nhắc. Nếu cất nhắc thường có thị phi, cho rằng thiên vị.
Theo sử sách ghi chép, thời Đường có 210 công chúa, thế nhưng chỉ có 163 phò mã. Trong số 163 vị phò mã này, chỉ có đúng 2 người có thể trèo cao làm quan lớn, chưa đầy 10 người có thể làm quan có thực quyền. Còn lại hơn trăm phò mã, đều chỉ có chức quan hư cấu, sống phụ thuộc cả đời.