Đền thờ chúa Thác Bờ (xóm Xăng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) giờ đã được xây dựng kiên cố bên lòng hồ thủy điện sông Đà. Nhưng ít ai biết rằng, trước đây ngôi đền này đã phải di chuyển tới 10 địa điểm, cứ khi nào nước sông Đà dâng người dân lại di chuyển đền lên địa thế cao. Ngôi đền cũ được làm bằng vôi mật đã nằm sâu dưới lòng hồ sông Đà...
Sự tích đền thờ chúa Thác Bờ và tấm bia thần
Ông Hoàng Hữu Tới (71 tuổi), thủ nhang đền thờ chúa Thác Bờ kể: Sự tích đền thờ chúa Thác Bờ gắn liền với cuộc chinh phạt đánh giặc Đèo Cát Hãn (nay thuộc tỉnh Lai Châu) của vua Lê Lợi vào mùa xuân năm 1431. Khi đoàn quân của vua Lê Thái Tổ đến Thác Bờ đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân trong đó có bà Đinh Thị Vân người dân tộc Mường (xóm Xăng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Bà Vân đã kêu gọi nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Bà đã chèo thuyền đưa quân đi đánh giặc. Khi Lê Lợi cùng quân lính chiến thắng trở về bà tổ chức lễ hội cho dân chúng ném còn, hát múa ăn mừng.
Để đưa tiễn nhà vua về kinh đô, bà Đinh Thị Vân đã huy động người dân vào rừng chặt bương tre đóng thành bè cho quân lính ngồi hộ tống thuyền rồng của nhà vua. Để ghi nhớ công đức của bà, sau khi bà mất, Lê Lợi đã lệnh cho dân bản xứ lập đền thờ bà bên cạnh Thác Bờ.
Ông Tới bảo, cũng trong thời gian lưu lại nơi đây, vua Lê Lợi đã dùng thanh kiếm thần khắc bài thơ lên bia đá. Bài thơ đó có nội dung khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của quân lính và sự anh dũng của người dân nơi đây. Do sông Đà được ngăn lại làm thủy điện, nước lòng hồ dâng cao, tấm bia đó đã được chuyển về Nhà Văn hóa trung tâm TP Hòa Bình để lưu giữ.
|
Ông Tới bên ngôi đền chúa Thác Bờ. |
Đền thờ chúa Thác Bờ phải 10 lần di chuyển
Ông Tới cho hay, trước đây khi đập thủy điện chưa làm thì đền thờ chúa Thác Bờ được xây dựng bên dòng sông Đà, bên quốc lộ 6 đi ngang qua. Nhưng từ khi người ta ngăn sông làm thủy điện thì toàn bộ con đường số 6 cũ và ngôi đền nằm dưới lòng sông Đà. Khi đó ngôi đền được làm bằng vôi mật với 3 mái vòm rất đẹp.
Ông Tới chỉ về phía lòng hồ thủy điện sông Đà và bảo, xưa kia những quãng sông này có hàng trăm thác ghềnh. Tuy nước không sâu lắm nhưng chảy rất xiết, có nhiều con thác gầm rú như muốn nuốt chửng người và thuyền. Nhiều chuyến đò đi qua quãng sông này đã bị tai nạn. Phải là những người lái đò giỏi mới có thể vượt qua những thác ghềnh đó. Thế nên những người làm nghề sông nước khi đi qua đây thường vào đền thờ chúa Thác Bờ để hành lễ, cầu xin cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
|
Động Thác Bờ. |
Ông Tới cho hay, tính tổng cộng đền chúa Thác Bờ đã di chuyển 10 lần. Lần cuối chỉ kịp di chuyển những bảo vật từ xưa để lại, còn toàn bộ ngôi đền nằm dưới lòng hồ sông Đà. Có hai thứ quý giá nhất của đền cũ để lại là hai pho tượng bằng đồng và một chiếc chuông cổ có niên đại từ thời Thành Thái.
Hằng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội tưởng nhớ chúa Thác Bờ. "Trong lễ hội xưa không thể thiếu con trâu trắng để tế lễ lên chúa Thác Bờ. Nhưng từ khi thầy mo Sỏn trong làng mất đi, nhiều thủ tục cổ trong lễ hội đã không còn nữa. Hiện nay chỉ có các trò chơi múa hát thông thường trong lễ hội. Tới đây UBND tỉnh Hòa Bình đang có kế hoạch khôi phục lại lễ hội theo đúng thủ tục từ thời xa xưa", ông Tới cho biết.
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN BÀI LIÊN QUAN