Tu-160 là lá bài của TT Putin xử lý vấn đề Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Jane's nhận định, oanh tạc cơ nâng cấp Tu-160 có thể trở thành một trong các lá bài của TT Putin nhằm giảm bớt sức ép từ Mỹ-NATO trong vấn đề Ukraine.

Tạp chí Jane's Defence Weekly dẫn lời một kênh truyền hình nhà nước Nga hôm 20/11 cho hay, Quân đội Nga đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với phiên bản nâng cấp của mẫu máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 "Blackjack".
Theo hãng thống TASS của Nga đưa tin, chuyến bay kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra vào hôm 16/11 tại trung tâm thử nghiệm máy bay nằm trong tổ hợp công nghiệp hàng không Kazan, phía đông Moscow.
 Toàn bộ phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga sẽ được hiện đại hóa trước năm 2020.
Trước đó, Bộ quốc phòng Nga đã quyết định nâng cấp toàn bộ số máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Cụ thể việc nâng cấp tập trung vào việc cải thiện hệ thống radar cùng trang thiết bị điện tử hàng không trên T-160. Hiện tại phía Quân đội Nga vẫn từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết về gói nâng cấp trên cho giới truyền thông.
Không quân Nga hiện tại sở hữu khoảng 16 chiếc Tu-160 được sản xuất từ cuối những năm 1980. Thời điểm đó, Tu-160 được xem như một trong những vũ khí then chốt trong lực lượng Không quân Liên Xô nói riêng và lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Quân đội Liên Xô nói chung. Đương nhiên, vai trò của Tu-160 hiện nay với quân đội Nga cũng vậy.
Sau khi tiếp nhận những chiếc Tu-160 từ Không quân Liên Xô, Nga tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí của T-160. Với việc trang bị thêm các tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kh-555 (AS-15 'Kent'), bên cạnh đó nó cũng được trang bị các loại bom được dẫn đường bằng laser. Không quân Nga tiếp nhận biến thể nâng cấp hệ thống vũ khí đầu tiên của Tu-160 là vào năm 2008.
Ngoài vấn đề trang bị lại hệ thống vũ khí, các động cơ phản lực của Tu-160 cũng được cho là hoạt động không hiệu quả. Nhưng do thiếu hụt kinh phí nên Không quân Nga đã tạm hoãn chương trình nâng cấp động cơ của Tu-160, mặt khác vẫn duy trì thời gian kết thúc chương trình nâng cấp này vào năm 2020.
 Trong ảnh là một chiếc Tu-160 cùng các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-55MS.
Trong khi các thông số kỹ thuật của hệ thống radar và các trang thiết bị điện tử mới vừa được nâng cấp trên T-160 vẫn chưa được tiết lộ, thì một nguồn tin lại cho rằng nhiều khả năng các hệ thống nâng cấp trên sẽ được tích hợp với hệ thống vũ khí đã được hiện đại hóa trên Tu-160 trước đó.
Theo đó phiên bản hiện đại hóa toàn diện của mẫu máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Không quân Nga sẽ bao gồm: trang bị lại hệ thống vũ khí mới; nâng cấp hệ thống radar cũ và hiện đại hóa toàn bộ các trang thiết bị điện tử hàng không.
Toàn bộ các phi đội máy bay ném bom Tu-160 đều sẽ được Không quân Nga phân bố ở khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Trong tương lai mẫu máy bay ném bom này sẽ dần được thay thế bằng các máy ném bom chiến lược tàng hình PAK-DA đang được phát triển. Thời gian đưa vào thử nghiệm mẫu thử đầu tiên PAK-DA sẽ là vào năm 2020 và sẽ được trang bị chính thức cho Không quân Nga vào năm 2030.
Jane’s bình luận
Với khả năng mang theo 40 tấn vũ khí và có thể hoạt động 12.297km liên tục không cần tiếp nhiên liệu với tốc độ tối đa là 1.800km/h. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 là mối đe dọa thật sự với bất kỳ quốc gia nào trở thành mục tiêu của nó.
Nhiều khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ sử dụng lực lượng máy bay ném bom chiến lược của mình để gây sức ép trực tiếp đến Châu Âu.
Rất có thể với sự hiện diện của phiên bản hiện đại của Tu-160 sẽ trở thành một trong những lá bài mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng sử dụng, nhằm giảm bớt sức ép từ phía Mỹ và NATO trong vấn đề Ukraine. Điều này càng thể hiện rõ qua các khu vực mà Tu-160 sẽ được triển khai, và nó như một thông điệp mà Nga muốn gửi tới Phương Tây về quyết tâm của nước này trước mọi cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trong những tháng gần đây, sự xuất hiện của các máy bay ném bom chiến lược Nga gần không phận Châu Âu có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Bên cạnh đó Nga cũng tuyên bố về mở rộng các khu vực tuần tra tại Bắc Cực. Tuy nhiên phía Nga cũng phải đối mặt với vấn đề ngân sách để vận hành phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của mình, đó là còn chưa kể tới việc phải chi ra một khoảng tiền khổng lồ để nâng cấp số máy bay trên.
Tuấn Đặng

Bình luận(0)