Cẩn thận khi dùng xung điện chữa bệnh

Google News

Các chuyên gia y tế đều khẳng định, máy xung điện không thể có tác dụng chữa bệnh và cẩn thận tiền mất, tật mang.

- Dù công ty bán hàng quảng cáo máy Movas đảm bảo an toàn và hiệu quả trị bệnh tiên tiến nhất thế giới, nhưng các chuyên gia y tế đều khẳng định, không thể có tác dụng chữa bệnh và cẩn thận tiền mất, tật mang.

Điện không chữa bệnh tim mạch

TS Lê Văn Trường, Trưởng khoa Can thiệp mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, trong điều trị tim mạch chưa nghe nói đến có một thiết bị y tế nào dùng dòng điện có tác động đến máu để làm giảm mỡ máu, thải độc, hạ huyết áp và chữa bệnh tim mạch cả.
 
Nếu thiết bị thực sự có tác dụng "lọc máu" như nhà sản xuất giới thiệu, thì cần phải có thông số xác định cụ thể, trước điều trị máu có bao nhiêu độc tố, sau đó thải ra mồ hôi và nước tiểu bao nhiêu, máu sạch bao nhiêu phần... thì mới đáng tin, chứ không thể chỉ nói mơ hồ như vậy được.
 
Thực tế, trước đây cũng có máy xung điện từ trường ở chân quảng cáo trên dưới 20 triệu đồng có tác dụng trị "bách bệnh" nhưng rồi hiệu quả thấp nên cũng không thấy xuất hiện nữa.

TS Lê Văn Trường khẳng định, các thiết bị sử dụng điện dùng trong y tế điều trị bệnh cũng chỉ có tác dụng trị liệu cho các rối loạn thần kinh chức năng như đau mỏi cơ khớp, mất ngủ... còn các bệnh cụ thể như hạ huyết áp, điều trị mỡ máu... hay thay thế thuốc chữa bệnh thì càng không thể.

TS Võ Tường Kha, Trưởng phòng Kế hoạch, Bệnh viện Thể Thao cho biết, nếu xem các thông tin giới thiệu này thì thật không rõ loại máy này dùng dòng điện gì vì ghi rất chung chung là 9.000V.
 
Khi dùng các thiết bị này người dân cần phải hết sức cân nhắc, xem thể trạng của mình có dùng được không, nếu không dễ tiền mất, tật mang. Trong y học cổ truyền, các máy trị liệu chỉ dùng với mức điện áp 2 - 3V, cao nhất là 6V và chỉ định dùng cũng chỉ khoảng 10 - 20 phút chứ không dùng nhiều như vậy.

Rất đông người đến dùng thử máy tại 142 Ngọc Hà, Hà Nội.
Rất đông người đến dùng thử máy tại 142 Ngọc Hà, Hà Nội.

Không thể có tác dụng chữa bệnh

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho hay, các thông tin trên tờ hướng dẫn máy Movas chưa thật cụ thể. Ở đây, có thể có nhầm lẫn khi tờ giới thiệu ghi máy trị liệu tạo ra "dòng điện" cao hàng nghìn vôn xoay chiều tác động lên cơ thể (?).

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, đây có thể là phương pháp ứng dụng "trường điện áp" cao, chứ không phải là dùng "dòng điện" trực tiếp nên không có cảm giác bị điện giật. Bộ phận để điều trị cho người bệnh có hai dạng:
 
Một là điện cực dạng tấm đệm mà người bệnh ngồi lên trên đó, dòng điện được dẫn từ máy ra tấm đệm, tạo ra trường điện áp tại vùng đó, người bệnh ngồi trong thiết bị này chịu ảnh hưởng của "trường điện áp" cao chứ không phải "dòng điện".
 
Thứ hai là dùng các điện cực tại chỗ có dạng giống như đầu bút hay con lăn với mức điện áp thấp hơn để tác động trực tiếp vào điểm đau. Loại máy này nếu là để dùng trong gia đình thì khó có thể có tác dụng chữa bệnh cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu cho biết, Khoa Vật lý trị liệu sử dụng nhiều thiết bị điện, dùng các trường điện ngoài tác động vào trường điện nội sinh giúp cân bằng hoạt động thần kinh, miễn dịch, nội tiết, tái sinh dẫn tới sự cân bằng và hồi phục sức khoẻ có cơ sở khoa học từ trước. Tuy nhiên, nó cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh rối loạn chức năng, chứ không thể chữa khỏi các bệnh có nguyên nhân thực thể được.
 
Ngay sau khi đăng tải bài viết về "Máy xung điện Movas không thể chữa bách bệnh", tòa soạn đã có buổi làm việc với đại diện Công ty THHH MTV Danaseiki (đơn vị nhập khẩu và phân phối máy xung điện Movas). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.
 
(còn nữa)

Nhóm PV Y tế
 

Bình luận(0)