Những người tuổi Tỵ lừng danh trong sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Những Triệu Thị Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Khắc Nhu…là các danh nhân tuổi Tỵ tiếng tăm lẫy lừng trong sử Việt.

Sách “Bí ẩn 12 con giáp” nói rằng cuộc đời  người tuổi Tỵ hoặc là ca khúc khải hoàn hoặc là kết thúc bi đát nhưng dù thế nào họ luôn tin vào những tôn chỉ của chính bản thân mình. Điều này thật đúng khi ta điểm lại những danh nhân tuổi Tỵ.

Nữ trung hào kiệt

Người đầu tiên phải nói đến là Bà Triệu, sinh năm Ất Tị (225). Bà Triệu là tên gọi của đời sau để tôn xưng người con gái anh hùng. Tên thật của Bà Triệu là Triệu Thị Trinh. Quê hương của Bà Triệu ở vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là xã Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa). Là nữ nhi song Bà Triệu lại có tính tình mạnh mẽ và ham thích võ nghệ, sớm nuôi chí đánh đuổi giặc Ngô giành lại độc lập dân tộc.

Triệu Thị Trinh. 

Năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân đã đánh chiếm được quận lỵ Tư Phố - một căn cứ quân sự lớn của quân Đông Ngô bên hữu ngạn sông Mã rồi thừa thắng chuyển xuống hoạt đột ở vùng đồng bằng của sông này. Không may, đúng lúc đó, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Triệu Thị Trinh dũng mãnh xông pha trận mạc nên được tôn làm tướng. Khi ra trận thường cưỡi voi, đi guốc ngà, mặc áo giáp vàng.

Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Triệu Thị Trinh đã chiến đấu ngoan cường với quân Ngô khiến địch phải thừa nhận “ Hoành qua đương hổ dị, đối diện Bà vương nan” nghĩa là cầm giáo chống hổ dễ, đối diện với Vua Bà khó. Tuy nhiên do chênh lệch lực lượng, đồng thời một số tù trưởng đi theo nghĩa quân đã ly khai do bị địch mua chuộc nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị đàn áp sau mấy tháng. Bà Triệu lên núi Tùng (Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) tự tử khi mới 23 tuổi. Tuy chỉ diễn ra ngắn ngủi song cuộc khởi nghĩa này đã tiếp nối truyền thống bất khuất từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 và cổ vũ mạnh mẽ ý chí vùng lên giành độc lập của dân ta.

Thánh thơ – Cao Bá Quát

Trong các danh nhân tuổi Tỵ, Cao Bá Quát là người nổi bật nhất trên lĩnh vực văn thơ. Ông sinh năm Kỷ Tỵ (1809), quê ở làng Phú Thị huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ nhỏ Cao Bá Quát đã nổi tiếng hay chữ, hay thơ. Năm 1831, ông đậu á nguyên trường thi Hà Nội nhưng thi hội 2 năm đều hỏng nên bỏ đi ngao du non nước. Năm 1841, được quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử, triều đình triệu ông vào kinh nhận chức Hành tẩu bộ Lễ.

 Cao Bá Quát.

Cuộc đời làm quan của Cao Bá Quát trải qua nhiều thăng trầm. Sang nửa cuối thế kỷ 19, đời sống nhân dân ngày càng lầm than nên các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên chống nhà Nguyễn cũng liên tiếp nổ ra. Chán nản với chốn quan trường tha hóa, Cao Bá Quát bỏ quan rồi đi làm quân sư cho Lê Duy Cự khởi nghĩa chống triều đình. Cuộc khởi nghĩa sau đó bị đàn áp đẫm máu. Cao Bá Quát bị bắn chết tại trận ở núi Yên Sơn – phủ lỵ Quốc Oai (nay là thị trấn Quốc Oai – Hà Nội) năm 1855, kết thúc một số phận tài hoa mà lỡ vận.

Mặc dù đường công danh trắc trở và kết cục bi thảm song sự nghiệp thơ văn của Cao Bá Quát lại rất nổi bật. Sau khi ông chết, tác phẩm của ông bị đốt và cấm tàng trữ, lưu hành. Dù vậy, năm 1984, khi đi sưu tầm thơ văn Cao Bá Quát, sau khi loại trừ các bài chắc chắn không phải của ông, người ta vẫn còn tìm được trên 1000 bài được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Thơ văn của ông nổi tiếng một thời, cùng với Nguyễn Văn Siêu được dân gian xưng tụng là Thần Siêu, Thánh Quát. Trong sự phát triển văn học, Cao Bá Quát có đóng góp đáng kể vào thể loại Phú và Ca trù. Giáo sư Thanh Lãng đánh giá “Về mặt nghệ thuật, sở trường của ông là thể phú và thể ca trù. Hai thể này, với ông đã vươn tới một trình độ nghệ thuật tuyệt vời”.

Nhà cách mạng Nguyễn Khắc Nhu

Nguyễn Khắc Nhu sinh năm Tân Tị (1881), là một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ). Ông quê làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Sau nhiều lần thi Hội không đậu, ông về quê dạy học và tham gia phong trào Đông Du, lập Hội quốc dân dục tài theo kiểu phong trào Đông Kinh nghĩa thục, thực hiện một số cải cách tại quê nhà, tuy nhiên đều bị chính quyền thực dân cấm không được phép hoạt động.


Năm 1909, sau khi cả phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục đều bị tan vỡ, Nguyễn Khắc Nhu trốn sang Trung Quốc, tham gia vào cuộc vận động cứu nước. Từ đó, ông chuyển dần xu hướng đấu tranh bất bạo động sang xu hướng bạo động. Năm 1927, ông về nước cùng với các đồng chí thành lập Hội Việt Nam Dân Quốc, tổ chức nhiều cuộc tập kích một số đồn Pháp ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại... với ý định vũ trang khởi nghĩa. Năm 1928, ông sát nhập hội Việt Nam Dân Quốc vào Việt Nam Quốc Dân Đảng và ông được cử làm trưởng ban Lập pháp của đảng.

Năm 1930, trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Khắc Nhu được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây. Do không chuẩn bị kỹ lưỡng, các lực lượng ở các nơi không cùng bộc phát một lúc, thực dân Pháp có điều kiện phòng ngừa, nên cuộc khởi nghĩa thất bại, các lãnh tụ lần lượt bị bắt. Nguyễn Khắc Nhu bị trúng đạn trong trận đánh đồn binh Hưng Hóa ngày 9/2/1930.

Trên đường rút lui, ông dùng lựu đạn tự sát nhưng không chết và bị quân Pháp bắt. Trên đường giải về trại giam ông lại nhảy xuống sông nhưng quân Pháp lại vớt được. Ngày 11/2, ông đập đầu vào tường nhà giam tại Hưng Hóa tự tử để bảo toàn khí tiết. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Khắc Nhu cùng các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức tuy không thành công nhưng đã cổ vũ tích cực cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, góp phần vào phong trào đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc ta chống lại ách đô hộ của người Pháp.

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)