Nên nghiệp khoa bảng đúng giấc mơ bà hàng nước

Google News

(Kiến Thức) - “Ông nào là Trần Thế Vinh, ông ấy sẽ đỗ đầu Tiến sĩ năm nay”, lời bà hàng nước tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại linh nghiệm vô cùng.

Kể từ khi nước ta có khoa cử thời nhà Lý cho đến đầu thế kỷ XX nhà Nguyễn dứt nghiệp khoa cử của các nho sinh, kể ra tiến sĩ có đến hàng nghìn, được xem là tinh hoa của Nho học nước nhà. Mỗi người đều có những đóng góp ở các lĩnh vực khác nhau cho sơn hà xã tắc. Đơn cử như trường hợp của tiến sĩ Trần Thế Vinh là một dẫn chứng tiêu biểu.

Giấc mơ bà hàng nước, biết trước được Hội nguyên

Theo sách Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục được viết ra năm Kỷ Hợi (1799) ghi chép về những người đỗ đạt trong khoa cử kể từ đời Lý, phần tiểu sử của Trần Thế Vinh gói gọn như sau: “Người làng Đào Châu, hạt Tiên Phong thi đỗ Tam giáp khi 27 tuổi. Hội nguyên, có đi sứ, làm đến Binh Bộ Thị Lang, tước Nam, sau tặng Công Bộ Thượng thư, tước Tử”. Nay quê ông thuộc xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Tìm trong sử sách, thân thế sự nghiệp của vị tiến sĩ họ Trần đất Ba Vì được đề cập đến rất ít. Theo đó, Trần Thế Vinh còn có tên hiệu là Nhân Trai. Ông sinh năm Giáp Tuất (1634), mất năm Tân Tỵ (1701). Ông quê ở làng Phong Châu, hay còn có tên Nôm là làng Séo, thuộc xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội ngày nay. Làng Phong Châu là nơi cư ngụ của dòng họ Trần. Trần Thế Vinh được sinh ra trong hoàn cảnh đất nước lúc đó đã chia cắt, ở Đàng Ngoài là chính quyền vua Lê – chúa Trịnh. Thuở nhỏ Trần Thế Vinh đã “có chí tranh tiêu đoạt gấm, ra sức học tập, rốt cục thành danh”. Nhờ chăm lo theo nghiệp bút nghiên nên khi được 21 xuân xanh, ông thi đỗ trong kì thi Hương năm Giáp Ngọ (1654).

 Ảnh minh họa.


Tháng 11 năm Canh Tuất (1670) Trần Thế Vinh thi đỗ Hội nguyên trong kì thi Hội. Đại Việt sử ký toàn thư nhân sự kiện này có ghi lại: “Mùa đông tháng 11, thi Hội các Cống sĩ trong nước, lấy đỗ bọn Trần Thế Vinh 31 người”. Tên tuổi của ông và những người đỗ khoa thi ấy đều được tạc vào bia đá. Lời minh được khắc tại bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội chép rằng: “Mùa đông, tháng 11 năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, triều đình mở khoa thi chọn kẻ sĩ bốn phương… Số người về thi 2000, lấy đỗ 31 người 27 người đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ, trong đó có Trần Thế Vinh”. Năm sau nhằm tiết xuân tháng Giêng năm Tân Hợi (1671) ông vào thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Trong nghiệp khoa bảng của Trần Thế Vinh, đường khoa cử hanh thông, thuận lợi, tất nhiên nhờ vào sức học nổi trội, sự chuyên cần, thông minh mẫn tiệp của Tiến sĩ tương lai họ Trần. Nhưng ngoài ra, danh hiệu Hội nguyên mà ông vinh dự đạt được đã được cho biết trước khi ông tham gia thi. Điều này sách Công dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề (1697 - ?), người sống sau ông một lục thập hoa giáp ghi lại.

Theo đó, trong khoa thi Hội năm Canh Tuất (1670) đời vua Lê Huyền Tông, sau khi các sĩ tử thi xong kỳ đệ tứ, hơn 20 Cống sĩ, trong đó có Trần Thế Vinh vào trong Nội điện xem sân Long Trì. Một hồi sau, mọi người ra ngồi uống nước tại quán nước ngoài cửa điện. Bà hàng nước thấy các Cống sĩ tự nhiên nói rằng:

- Các ông là Cống sĩ vào thi Hội, bây giờ tôi mới được gặp. Nhưng đêm hôm qua nằm mơ, tôi đã thấy rồi.

Các Cống sĩ nghe thì lấy làm lạ lắm, mới tò mò mà rằng:

- Chúng tôi là Tiến sĩ khoa này, vào xem sân Long Trì để nhận chỗ vào thi Đình. Bà nằm mơ thấy gì, xin cho chúng tôi biết cùng.

Bà hàng nước đáp:

- Đêm qua, tôi nằm mơ thấy Hoàng thượng ngự trên điện xướng danh các ông Tiến sĩ. Trong đám các ông ngồi đây, có ông nào họ Nguyễn và tên là Công Phái không?

Trùng hợp làm sao, lúc ấy Nguyễn Công Phái đang ở trong nhóm nho sinh, mới đáp lại một cách tự tin:

- Tôi là Công Phái, bà thấy tôi đỗ thứ nhất, có phải không?

Bà hàng nước trả lời:

- Xin ông đừng quở. Tôi thấy một người đứng trên điện cầm sổ gọi tên. Đúng là gọi tên Nguyễn Công Phái đầu tiên thật. Nhưng sau đó một người đứng bên cạnh cầm bút gạch đi, nói rằng người này vô hạnh, không nên cho đỗ, phải xóa tên đi. Rồi lại gọi đến tên người khác, tức là Trần Thế Vinh. Ông nào là Trần Thế Vinh, ông ấy sẽ đỗ đầu Tiến sĩ năm nay.

Nghe lời bà hàng nước nói, Trần Thế Vinh mới đứng dậy cho biết tên ấy chính là mình. Bà hàng nước lại nói:

- Tôi thấy người trên điện gọi lâu lắm, chắc hẳn khoa này nhiều người đỗ Tiến sĩ, các ông thử chờ xem giấc mơ của tôi có đúng không.

Kỳ lạ làm sao khoa thi Hội ấy, quả nhiên kết quả vận đúng như lời bà hàng nước đã nói, Trần Thế Vinh đỗ Hội nguyên, vinh hiển như cái tên của ông vậy, và 31 người được lấy đỗ Tiến sĩ, là khoa thi lấy đỗ Tiến sĩ nhiều hơn tất cả các khoa khác trước đó kể từ khi nhà Lê Trung hưng. Riêng Nguyễn Công Phái quả thật về sau dù có tham gia thi cử nữa, nhưng suốt đời không bao giờ được đỗ đạt.

Đi sứ đất Trung nguyên, người hiền được ngô giống

Sau khi thi đỗ, Tiến sĩ Trần Thế Vinh được sung vào làm quan trong bộ Lại, sau đó được cử làm Tri phủ phủ Khoái Châu (thuộc Hưng Yên ngày nay). Trong đời làm quan của mình, kể có Lục bộ thì Trần Thế Vinh gần như kinh qua hết, lúc làm Giám sát ngự sử rồi lên Đề hình, Bồi tụng, lại được giao chức Giám sát Hải Dương, hoặc làm Đốc đồng Hải Dương. Về sau về bộ Hộ, bộ Lại, rồi bộ Công. Tiếp đó làm Hữu đường bộ Binh, rồi thăng làm Thái bảo tham gia giải quyết các sự vụ cơ mật, thung dung nơi miếu đường.

Năm ông 52 tuổi, tức năm Ất Sửu (1685) niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6, ông phụng mệnh triều đình cử làm phó sứ sang nhà Thanh. Việc này được sách Đại Việt sử ký tục biên chép: “Sai Chánh sứ Nguyễn Đình Cẩn, Hoàng Công Trí, Phó sứ Nguyễn Tiến Tài, Trần Thế Vinh sang nhà Thanh”.

Trong chuyến đi sứ lần ấy, Phó sứ Trần Thế Vinh góp phần làm cho chuyến sang Thanh được vẻ vang, tốt đẹp, uy tín Đại Việt và vua Lê được nâng cao khi tự tay dâng lên vua nhà Thanh 31 bài thơ, được Hoàng đế nhà Thanh lúc bấy giờ là Khang Hy đọc và khen ngợi, đích thân viết tặng 4 chữ “Diên phi ngư dược” (Diều bay cá nhảy) nghĩa là: Chim diều hâu bay sát trời, cá nhảy dưới vực sâu.

Trong thời gian đi sứ của Trần Thế Vinh, có một chi tiết đáng lưu ý. Trong tác phẩm Vân Đài loại ngữ, một bộ sách viết về Trung Hoa là phần nhiều, nhà bác học Lê Quý Đôn có đoạn viết về Trần Thế Vinh như sau: “Hồi đầu đời Khang Hy (1662 – 1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong, Sơn Tây, sang sứ nhà Thanh, mới lấy giống lúa ngô đem về nước”.

 Ngô là loại lương thực phổ biến ở nông thôn Việt Nam.

Sử sách không ghi lại việc vị Phó sứ nước Nam lấy được giống ngô của Trung Quốc như thế nào. Nhưng ở quê ông, dân làng vẫn còn truyền nhau câu chuyện về việc lấy giống ngô đem về nước của viên quan họ Trần với lòng thán phục. Theo đó, trong thời gian ở Yên Kinh, những lúc rảnh rỗi, Trần Thế Vinh thường đi dạo khắp nơi trong kinh thành, khi vào chợ ông thấy người dân ở đây chế biến một thứ hạt vàng đỏ to bằng đầu ngón tay thành bột rồi quấy thành bánh. Cụ Trần Thế Vinh mua ăn thử thấy rất ngon, béo, hợp với khẩu vị mình. Sau khi tìm hiểu, biết được đó là giống “ngọc mễ” theo cách gọi của người Trung Quốc. Phó sứ họ Trần tìm đến vùng ngoại thành Yên Kinh để tận mắt xem giống cây này.

Vốn xuất thân từ thôn quê, hiểu được việc làm nông, Trần Thế Vinh thấy giống ngọc mễ phù hợp với phong thổ, khí hậu nước ta, quả là một giống ngũ cốc quý hiếm có thể giúp dân canh tác, cải thiện đời sống. Trần Thế Vinh bèn tìm cách đem giống quý về nước, ông bí mật chọn mua một đấu ngọc mễ. Khi về nơi đoàn sứ bộ ở, Trần Thế Vinh lấy chiếc bút lông hay viết, bỏ hết ruột bút ra, bỏ những hạt ngọc mễ tốt vào trong đó, rồi búi tó mái tóc lại, cài bút lông lên đó.

Khi đoàn sứ bộ nước Nam về nước, nhà Thanh dù tiếp đón nồng hậu lắm, nhưng cũng không vì thế mà sơ sót để cho những giống quý, vật lạ có thể được chuyển về Nam, nên lệnh cho các trạm kiểm soát làm rất ngặt. Phát hiện thứ gì thuộc cấm không được đem ra khỏi bờ cõi là tịch thu lại. Tuy nhiên, từ quan tuần phủ tới lính nhà Thanh lại bỏ quên chiếc bút lông cài tóc của Phó sứ Trần Thế Vinh, nhờ đó giống ngọc mễ được về đất Nam ta. Về nước, quan họ Trần mới lấy những hạt giống quý mà gieo, sau khi thu hoạch được sau một vụ, ông đem giống đưa cho người dân trồng, từ đó mà phổ biến ra khắp nước, thành một loại ngũ cốc quen thuộc từ đồng bằng tới miền núi ở nước ta với tên gọi hạt ngô, bắp quen thuộc cho đến nay.

Năm Tân Tỵ (1701), Tiến sĩ Trần Thế Vinh mất, thọ 67 tuổi ta. Thi hài ông được đem về bản quán địa táng. Phần mộ của ông hiện vẫn còn nguyên vẹn ở cánh đồng Gò Gạch, thuộc thôn Phong Châu, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội nay, xung quanh là cánh đống lúa, ngô ngút mắt gợi nhớ lại công lao đem giống về Nam của ông.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Trần Đình Ba

Bình luận(0)