Tàu ngầm hạt nhân Nga Mỹ đâm nhau và cái kết khó tưởng tượng

Google News

(Kiến Thức) - Khi hai tàu ngầm hạt nhân Nga và Mỹ đâm nhau vào 8h16 phút ngày 11/2/1992, chỉ có phép màu mới cứu được thuỷ thủ đoàn của cả hai bên cũng như cả nhân loại tránh được khỏi một thảm hỏa hủy diệt hàng loạt.

Tàu ngầm hoàn toàn mù khi di chuyển dưới mặt nước, thứ duy nhất giúp thuỷ thủ đoàn định hướng được các chướng ngại vật xung quanh đó là sử dụng sóng thuỷ âm – một dạng sóng radar nhưng có bước sóng ngắn hơn nhiều, được tàu ngầm đánh ra môi trường bên ngoài sau đó phản xạ lạ, cho biết được vật cản trong tầm gần.

Tau ngam hat nhan Nga My dam nhau va cai ket kho tuong tuong
Cách tàu ngầm "dò dẫm" bằng sóng sonar khi di chuyển dưới lòng đại dương. Ảnh: Kongsberg.
Mặc dù công nghệ tàu ngầm đã phát triển được hàng trăm nay, tuy nhiên về cơ bản hệ thống thuỷ âm vẫn vậy, không khác gì những hệ thống thuỷ âm được sử dụng từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai dù rằng ta có thể đánh sóng thuỷ âm đi xa hơn nhưng thực tế, cái nhìn về môi trường xung quanh thông qua sóng thuỷ âm vẫn mù mờ như trước đây.

Vậy nên, việc hai tàu ngầm đâm nhau dưới lòng biển khi cả hai đang trong trạng thái “mù dở” là điều hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế là đã từng xảy ra trong quá khứ.

Ngày 11/2/1992, tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ mang tên USS Baton Rouge đang di chuyển ở độ sâu kính tiềm vọng – 20 mét dưới lòng biển khu vực quanh đảo Kildin, cách quân cảng Murmansk của Nga chỉ khoảng 22 km. Mặc dù vào thời điểm này, Liên Xô đã tan rã được 2 tháng nhưng Hải quân Mỹ vẫn tò mò muốn do thám sức mạnh của Hải quân Nga và quan trọng nhất đó là các vụ do thám này lại được thực hiện vào thời điểm cả nước Nga đang trở mình – không ai quan tâm tới việc họ có đang bị do thám hay không vì còn quá nhiều vấn đề khác cần phải xử lý.

Tau ngam hat nhan Nga My dam nhau va cai ket kho tuong tuong-Hinh-2
 Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles của Mỹ. Ảnh: NationalInterest.

Mục đích thực sự của tàu Baton Rouge trong ngày hôm đó hiện vẫn chưa được giải mã. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tàu Baton Rouge lúc đó hiện đang cố thu lại các âm thanh mà tàu ngầm Nga phát ra để sau này dễ dàng nhận diện tàu ngầm Nga hơn, hoặc cũng có thể là tàu ngầm Mỹ đang cố triển khai hoặc thu thập các thiết bị do thám được họ lắp đặt dưới lòng biển trước đó.

Chính xác vào lúc 8:16 phút ngày 11/2/1992, tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh dài 110 mét của Mỹ bị một vật thể húc trúng phần dưới thân tàu. Vụ va chạm làm toàn thể thuỷ thủ đoàn trên tàu Mỹ choáng váng và bất ngờ. Phần khoang dằn phía bên trái của tàu USS Baton Rouge bị hư hỏng nặng và bị hở. May mắn cho tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, khoang dằn bên trái là thiệt hại nặng duy nhất mà nó phải hứng chịu.

Kẻ đã gây ra vụ “tai nạn giao thông” dưới lòng biển không ai khác chính là một tàu ngầm của Nga, đó là tàu ngầm mang số hiệu B – 276 Kostroma và cũng là một tàu ngầm hạt nhân tấn công. Khi đó, tàu ngầm Nga đang trong quá trình nổi từ lòng biển lên mặt nước và quá đen đủi đó là trên đường nổi lên, nó đã va trúng tàu ngầm Mỹ ở tốc độ khoảng 12 km/h.
Phần thân tàu làm bằng titanium của tàu ngầm Kostroma đã đâm thẳng vào bụng tàu ngầm Mỹ, một phần còn sót lại của thiết bị định vị thuỷ âm trên tàu ngầm Mỹ sau đó thậm chí còn được tìm thấy trong khe nứt của thân tàu Nga.
Tau ngam hat nhan Nga My dam nhau va cai ket kho tuong tuong-Hinh-3
 Phần tháp chỉ huy của tàu ngầm Kostroma tan nát sau vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ. Ảnh: WeA.

Cả hai tàu ngầm của Nga và Mỹ trong vụ tai nạn này đều được thiết kế để phóng tên lửa hành trình từ ống phóng ngư lôi của mình. Về mặt lý thuyết, các tên lửa hành trình mà hai tàu mang theo đều có thể là tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

May mắn thay, cả Mỹ và Nga trước đó đã đồng ý giải giáp bớt vũ khí hạt nhân theo các điều khoản trong hiệp ước START I và dường như, tàu Baton Rouge không mang theo tên lửa hạt nhân khi xảy ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, vụ va chạm vẫn có thể làm ảnh hưởng tới lõi phản ứng hạt nhân của động cơ hạt nhân trên cả hai tàu, làm rò rỉ phóng xạ ra môi trường nước xung quanh.

May mắn cho nhân loại, điều đó đã không xảy ra, tàu ngầm Baton Rouge của Mỹ đã nhanh chóng quay đầu bỏ chạy khỏi lãnh thổ đối phương sau vụ tai nạn, liên hệ ngay với các tàu ngầm Mỹ trong khu vực để yêu cầu hỗ trợ và nhanh chóng về nước để sửa chữa. Tàu ngầm Nga cũng ngay lập tức quay về sửa chữa và thực tế thì sau vụ tai nạn, các thuỷ thủ trên tàu ngầm của Nga cũng không hề nghĩ ràng họ vừa đâm phải một tàu ngầm Mỹ.
Tau ngam hat nhan Nga My dam nhau va cai ket kho tuong tuong-Hinh-4
 Tàu ngầm Kostroma của Nga với số 1 to tướng ở trước tháp điều khiển biểu trưng cho... một tàu ngầm Mỹ đã bị nó tiêu diệt. Ảnh: Pinoumky.

Tuy nhiên các bằng chứng sau đó đã khẳng định tàu ngầm Mỹ chính là kẻ cản mũi tàu ngầm Nga khi nó đang thực hiện nỗ lực nổi lên. Đây được xem là vụ bê bối về mặt chính trị đầu tiên mà chính quyền Mỹ gây ra với chính quyền Nga non trẻ vừa được lập nên sau khi Liên Xô tan rã.

USS Baton Rouge là tàu ngầm thứ hai được đóng theo lớp Los Angeles của Mỹ và khi đó mới chỉ được sử dụng 17 năm – nghĩa là chưa được ½ vòng đời so với tuổi thọ trung bình của một tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ ước tính số tiền họ sẽ phải bỏ ra để sửa chữa con tàu này và “tiện thể” cũng phải tái nạp lại lõi phản ứng hạt nhân trên tàu vì dù gì nó đã hoạt động được nửa vòng đời là quá lớn. Sau một thời gian nghiên cứu, cuối cùng Hải quân Mỹ quyết định cho USS Baton Rouge về hưu vào tháng 1/1995.

Với Kostroma thì ngược lại, nó được Hải quân Nga sửa chữa lại đàng hoàng và quay trở lại biển cả vào năm 1997. Tới tận ngày nay, tàu ngầm Kostroma của Nga vẫn tiếp tục hoạt động. Đây cũng là tàu ngầm đầu tiên và duy nhất của Nga tính tới thời điểm này được đánh dấu “đã hạ một tàu ngầm Mỹ” – thực tế thì về lý thuyết pha húc của tàu Kostroma đã chính thức tiễn USS Baton Rouge của Mỹ về hữu non sớm tới hơn 20 năm.

Mời độc giả xem Video: Tàu ngầm Nga thử nghiệm phóng tên lửa.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)