Lấy cọc về làm chuồng trâu
Chúng tôi trở lại bãi cọc
Bạch Đằng đúng vào thời điểm chính quyền và người dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, hân hoan tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt do Chính Phủ trao tặng. Những chiếc thuyền đua rẽ sóng trên sông Bạch Đằng tái hiện những hình ảnh xưa kia Trần Quốc Tuấn lãnh đạo binh lính, đánh tan quân Nguyên Mông trên dòng sông lịch sử.
Từ lâu mọi người quan tâm nhiều nhất đến những chiếc cọc của
Trần Quốc Tuấn dùng làm vũ khí lợi hại tiêu diệt kẻ thù. Nhiều người thắc mắc, hiện nay bãi cọc đó còn không? Cọc gỗ này được lấy ở đâu? Cụ Đinh Văn Thiểm (78 tuổi ở phường Yên Giang) là một thầy giáo làng về hưu, cụ có nhiều năm nghiên cứu truyền thống lịch sử của địa phương. Những năm về trước, khi mà các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc nghiên cứu bãi cọc Bạch Đằng thì cụ đã đứng ra kêu gọi người dân hãy bảo vệ những bãi cọc đó. Vì đó là nhân chứng hùng hồn, biểu tượng cho ý chí chống xâm lăng của người Việt.
Khi đó cụ Thiểm lặn lội đến gặp hàng chục bô lão trong làng, nghe họ kể về bãi cọc Bạch Đằng, cụ tập hợp những ý kiến đó đề xuất lên chính quyền làm dự án gìn giữ, tôn tạo bãi cọc Bạch Đằng. Cụ Thiểm dẫn chúng tôi ra bãi cọc tại xứ Đồng Má Ngựa (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Chỉ xuống những thân cọc đang bị mục, nhưng phần đầu thì vẫn còn nhọn hoắt, cụ Thiểm buồn bã nói, hố cọc này chỉ là một phần cọc rất ít ỏi còn sót lại.
|
Cụ Thiểm bên hố cọc Bạch Đằng còn sót lại. |
Thuở nhỏ, cụ Thiểm đi chăn trâu cùng đám bạn, khi đó cả cánh đồng rộng chưa đắp đê nên nước sông ngập vào, bồi lên những lớp đất phù sa, phủ lên bãi cọc. Cả cánh đồng bạt ngàn cọc toàn là gỗ lim, táu, nghiến. Từ xưa người dân cũng nghe nói rằng đó là khu bãi cọc do Trần Quốc Tuấn dùng tiêu diệt quân Nguyên Mông. "Khi đó chính quyền địa phương chưa có phương án bảo vệ, người dân cần thì mang về sử dụng. Những chiếc cọc to bằng bắp chân, đã bị nhiều người trong làng ra lấy về làm cột nhà, chuồng trâu, chuồng bò", cụ Thiểm kể.
Cụ Đỗ Văn Thảo (81 tuổi) cho biết, từ nhỏ ông đã được nghe bố mẹ kể về bãi cọc Bạch Đằng. Khi đó bãi cọc rộng vài ha. Nhưng từ thời
thực dân Pháp đóng chiếm, bọn chúng đã cho quân lính ra lấy cọc về để làm nhà xưởng. Những năm 1950 khi lũ lụt diễn ra nhiều, ảnh hưởng đến việc sản xuất nhà máy kẽm. Vì thế, thực dân Pháp đã huy động người dân nơi đây ra đào đắp đê ngăn lũ. Những chiếc cọc của Trần Quốc Tuấn dùng để tiêu diệt giặc đã dùng trong việc làm tuyến đê này. "Trải qua thời gian hơn 700 năm, những chiếc cọc đã bị hư hỏng nhiều. Số lượng cọc còn lại ít ỏi như ngày nay là do sự tàn phá của của con người", cụ Thảo cho biết.
|
Cụ Thiểm bên cây lim giếng Rừng. |
Xét nghiệm niên đại cọc
Ông Nguyễn Bích Khuê, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) cho hay, bãi cọc Bạch Đằng, nơi chôn xác hàng nghìn quân địch đã được cha chú ông kể nhiều. Người dân nơi đây ai cũng biết, nhưng những năm trước do ý thức của người dân còn kém, nhiều người thấy lợi trước mắt đã ra lấy cọc về làm việc riêng. Nhiều đoàn thể, tổ chức ở trung ương và địa phương mỗi lần về đây tìm hiểu bãi cọc cũng lấy đi số lượng cọc lớn.
Cách đây mấy năm, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã mang một số chiếc cọc có mũi tên bọc bằng kẽm sang nước ngoài để kiểm tra về thời gian ra đời của cọc. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, những chiếc cọc đó có niên đại cách đây khoảng hơn 700 năm.
|
Nghĩa trang này trước đây chôn xác giặc Nguyên Mông. |
Nghĩa địa chôn xác giặc
Cụ Thiểm dẫn chúng tôi xuống một khu đầm bên trục đường chính của phường Yên Giang. Cụ chỉ về phía cánh đồng và bảo đây là nơi Trần Quốc Tuấn cho quân chôn cọc nhiều nhất và có nhiều gỗ quý nhất. Trong chiến tranh, bom đạn của giặc Mỹ ném xuống, những chiếc cọc nằm sâu trong lòng đất bung lên. Và sau này nhiều gia đình nơi đây đào ao, lấy lên hàng tạ cọc gỗ quý dưới lòng đất.
Cụ Thiểm cho hay, dựa vào thế trận lòng sông Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp với các dải đá ngầm tạo thành một phòng tuyến chặn đánh đường rút của giặc Nguyên Mông, với thế trận oanh liệt đó, chỉ trong ngày 9/4/1288 toàn bộ cánh quân giặc gồm 600 thuyền chiến và hơn 4 vạn tên giặc đã bị tiêu diệt và bắt sống cùng với tướng giặc Ô Mã Nhi.
Khi đó xác giặc chất đầy bãi sông, quân và dân ta với tấm lòng từ bi, đã đưa xác của bọn chúng lên cồn cao để chôn cất, khâm liệm. Khu chôn cất xác quân giặc giờ là khu nghĩa trang của phường Yên Giang. Người dân nơi đây từ bao đời nay vẫn biết nơi bãi tha ma đó chôn cất quân giặc, nhưng mỗi dịp lễ Tết đều ra thắp cho họ nén nhang, cầu mong cho linh hồn họ được siêu thoát.
|
Hai cây lim đại thụ án ngữ, nằm vị trí đắc địa bên UBND thị xã Yên Hưng. |
Hai cụ lim đại thụ
Theo các cụ cao niên, làng Rừng (tên gọi cũ của phường Yên Giang) trước đây là một rừng cây cối um tùm. Trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, gụ, sến. Những chiếc cọc xưa kia đóng trên sông Bạch Đằng tiêu diệt quân Nguyên Mông được khai thác tại làng Rừng.
Cụ Thiểm dẫn chúng tôi lên vị trí hai cây lim đại thụ án ngữ, nằm vị trí đắc địa bên UBND thị xã Yên Hưng. Thú thực tôi đi nhiều nơi, đến nhiều vùng, nhưng chưa từng thấy cây gỗ nào lại to và cổ như vậy. Đây là một loại gỗ quý hiếm vào bậc nhất nhì ở nước ta. Cụ Thiểm cố rướn cả thân mình để ôm một bên cây nhưng không được, vì đường kính của cây quá lớn. Cây lim đại thụ này cỡ phải 5 người ôm chưa chắc hết. Cụ Thiểm bảo, đây là hai cây lim còn sót lại. Có thể nó có niên đại ngang với những chiếc cọc Trần Quốc Tuấn dùng để tiêu diệt kẻ thù. Đây có thể xem là dấu tích một trong những khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc trên sông Bạch Đằng.
"Cây lim như vật bảo bối của dân làng, trước đây bom đạn dội xuống nhiều nhà trong làng bị tàn phá, nhưng lạ kỳ thay nó như có sức mạnh vô hình, bom đạn thả xuống có chăng chỉ trúng vào cành. Cây lim là linh hồn của dân làng. Vì thế mọi người rất có ý thức bảo vệ", cụ Thiểm cho biết.
Trước đây, những kẻ buôn gỗ, không biết nghe ai mách đã về tận làng, để gạ gẫm hỏi mua hai cây lim. Bọn chúng bảo, nếu dân làng đồng ý bán bọn chúng sẵn sàng chồng tiền tỷ. Không những dân làng không bán, mà bọn chúng còn bị nhiều người chửi như té nước vào mặt và đuổi ra khỏi làng.
Bãi cọc Bạch Đằng lần đầu tiên được tổ chức khai quật vào năm 1958, là bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm nước xã Yên Giang. Cọc chủ yếu là gỗ lim có đường kính từ 20 - 30cm được cắm thẳng, khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,9 - 1,5m, phần đầu cọc nhô lên đa phần bị gẫy xước do nước bào mòn mất phần giác gỗ.
TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học)
|