Philippines “đổi chiêu” đối phó Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Sau ba năm đàm phán song phương không thành với Trung Quốc, Philippines tìm kiếm cách thức mới để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

 

Từng kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi lãnh đạo ở Bắc Kinh, Philippines hiện phải đối mặt với một Hải quân Trung Quốc (PLAN) ngày càng hung hăng hơn và tăng cường "giám sát" ở các vùng biển tranh chấp. Theo quan điểm của Manila, việc Bắc Kinh leo thang căng thẳng, trực tiếp đánh chiếm một số  khu vực biển đảo tranh chấp (trong đó có bãi đá ngầm Scarborough) chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, cuộc cải tổ chính phủ Mỹ cũng không làm khởi sắc quan hệ quân sự Philippines-Mỹ, khi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đã chiếm hết tâm trí của tân Ngoại trưởng John Kerry.

Chiến lược mới của chính quyền Aquino

Do đó, chính quyền Aquino đã lựa chọn một chiến lược mới, dựa trên chính sách ngoại giao sức mạnh hơn là hoàn toàn dựa vào các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Mục đích của chính sách này là tạo ra áp lực quốc tế giúp Manila khởi động lại cuộc đàm phán hướng tới Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý hoặc đạt được một thỏa thuận song phương với Bắc Kinh, đảm bảo chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) rộng 200 hải lý.


 Tổng thống Philippines, B. Aquino.

Theo chiến lược mới này, chính quyền Aquino không ảo tưởng về “cam kết chiến lược vô điều kiện” của Mỹ. Sau ba năm nỗ lực, Ngoại trưởng Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nhận ra rằng Philippines và Mỹ đã thất bại trong việc tạo ra sức mạnh răn đe đáng kể đối với Trung Quốc.

Do quan hệ song phương “ngoại cỡ” Mỹ-Trung Quốc, do những điều khoản không rõ ràng trong Hiệp ước phòng thủ chung Philippines-Mỹ năm 1951, do nguồn tài lực Mỹ hạn hẹp và do Washington còn quá tập trung vào cuộc khủng khoảng đa tầng ở Trung Đông… các nhà hoạch định chính sách ở Manila hiểu ra rằng việc phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ là một sự lựa chọn không thực tế. Philippines cũng không còn kỳ vọng vào thái độ tự kiềm chế của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.

Bằng việc sử dụng luật pháp quốc tế và vấn đề tự do hàng hải, Manila đã lôi kéo các cường quốc khu vực và toàn cầu vào cuộc. Nước này cũng khiến cho ASEAN khó có thể né tránh việc coi tranh chấp lãnh thổ là một mối quan tâm an ninh chính đáng cần được nhanh chóng quyết định bằng hành động tập thể.

Giới trí thức hàng đầu và các nhà lập pháp Philippines nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược ngoại giao mạnh mẽ, đoàn kết khu vực và dựa vào luật pháp quốc tế thay vì chỉ tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.

Thất bại của “cây gậy và củ cà rốt”

Nhận thức được sự nhạy cảm của Trung Quốc trước sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, nhiều nhà phê bình đã chỉ ra những mâu thuẫn vốn có trong chiến lược ban đầu của chính quyền Aquino, một chiến lược kết hợp “cây gậy” liên kết với Mỹ với “củ cà rốt” quyến rũ ngoại giao đối với Trung Quốc.

Chiến lược này rõ ràng là phản tác dụng, cho phép Trung Quốc viện cớ sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ để biện minh cho hành động quyết đoán hơn của PLAN.

Kết quả là những nỗ lực của Manila nhằm tiến tới một Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc đã không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên ASEAN, khi Trung Quốc sử dụng toàn bộ ảnh hưởng của nước này đối với các đồng minh như Campuchia để đẩy lùi nỗ lực của Manila. Kết quả là một sự sụp đổ trên thực tế của những nỗ lực ngoại giao trong khu vực nhằm giảm bớt căng thẳng trên biển, giữa lúc các thế lực diều hâu đang thúc đẩy chính sách bên miệng hố chiến tranh.

Chủ tịch ASEAN Brunei muốn làm trọng tài đáng tin cậy

Tập trung vào việc tập hợp khu vực hậu thuẫn sự nghiệp chính đáng của Philippines và thừa nhận các nhược điểm của chiến lược ban đầu, chính quyền Aquino đã tác động đến lo lắng của các nước khác trong khu vực về sự leo thang căng thẳng nguy hiểm trong lĩnh vực hàng hải. Vốn là động mạch chủ đối với vận tải hàng hóa và năng lượng, một cuộc đối đầu trực tiếp quy mô lớn ở Biển Đông sẽ tác động xấu đến toàn bộ khu vực và xa hơn nữa.

 Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah, muốn làm trọng tài đáng tin cậy xử lý tranh chấp Biển Đông.

Không giống như Campuchia, Brunei là một trong những nước can dự trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và vương quốc nhỏ xíu này quyết tâm trở thành một trọng tài đáng tin cậy trong việc giải quyết tranh chấp. Cảnh báo về căng thẳng gia tăng giữa các nước láng giềng, các thành viên sáng lập của ASEAN, như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với  việc xây dựng tình đoàn kết trong khu vực bằng cách tái khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông và tránh thất bại ngoại giao hơn nữa.

Trong khi trao đổi với các nước thành viên ASEAN, Bắc Kinh đã nói rõ rằng Trung Quốc không chịu xuống thang về chủ quyền "không thể chối cãi" và "cố hữu" của nước này ở Biển Đông. Không có sự đồng ý của Trung Quốc, ASEAN là khó có khả năng đạt được thỏa thuận làm việc về  thành phần của một sơ thảo các thành tố của Bộ tắc ứng xử Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn theo đuổi cách tiếp cận song phương và kiên quyết phản đối việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông. Giữa lúc đưa các đội tàu công vụ ngày càng lớn hơn đến khẳng định quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những nỗ lực Philippine (được cả hai Liên minh châu Âu lẫn Mỹ hỗ trợ) nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)