Ngoại trưởng Mỹ khiến “Nhật mừng, Trung Quốc tức”

Google News

(Kiến Thức) - Chuyến đi Đông Á của Ngoại trưởng John Kerry cho thấy Mỹ không muốn thực sự thỏa hiệp để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đàm phán.

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi là chủ đề chính trong cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô ba nước Đông Á.

Theo đài “Tiếng nói nước Nga”, để tình hình không tiếp tục leo thang, người Mỹ đã thực hiện một số động thái. Đặc biệt, Washington đã thông báo hoãn việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa để tránh khiêu khích Bình Nhưỡng. Và bản thân ông Kerry khi ở Seoul đã thanh minh rằng sự hiện diện của quân Mỹ trong khu vực chỉ nhằm mục đích bảo vệ đồng minh. Tuy nhiên, các tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry, cũng như những gì mà ông ta nói sau đó ở Bắc Kinh và Tokyo, khó có thể thay đổi thái độ cảnh giác của Bình Nhưỡng trước chính sách của Mỹ.

Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Quan hệ Quốc tế MGIMO Andrey Ivanov nói: “Ông Kerry tuyên bố rằng Mỹ coi việc Triều Tiên chuyển thành quốc gia hạt nhân là điều không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên không hề hy vọng Ngoại trưởng Mỹ sẽ ca ngợi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa. Nhưng một thời gian dài họ không mất hy vọng và chờ đợi tín hiệu từ phía Washington sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng. Và việc Triều Tiên đe dọa tiêu diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân chỉ là tín hiệu gửi đến Washington rằng các nhà lãnh đạo của Triều Tiên đã rút ra bài học mà người Mỹ đã làm ở Iraq và Libya. Hussein và Gaddafi đã chấp nhận ngừng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kết quả mà họ nhận được là cuộc xâm lăng của Mỹ và cái chết. Kim Jong-un không sẵn sàng chia sẻ số phận buồn thảm của Saddam Hussein và Gaddafi, và do đó sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ít nhất, cho đến khi ông ta nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ các quan chức Mỹ. Và nếu Mỹ không dám thực hiện động thái này, sẽ không có tiến bộ thực sự trên bán đảo Triều Tiên”.

Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nỗ lực thuyết phục Trung Quốc theo đuổi đường lối cứng rắn chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Và mặc dù Trung Quốc không hài lòng với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, họ kêu gọi Washington linh hoạt hơn trong việc đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, các bất đồng giữa Washington và  Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở đó.

Chuyên gia Andrey Ivanov nhận định: “Bắc Kinh không hài lòng với học thuyết trở lại châu Á của Mỹ. Nó được coi là một phương tiện để kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù người đầu tiên áp dụng học thuyết này là Hillary Clinton, không có lý do gì để cho rằng John Kerry sẽ theo đuổi một chính sách khác. Rõ ràng là Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì vai trò lãnh đạo trong khu vực. Do đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục không tin tưởng Mỹ”.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Kerry gợi ý rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là đủ rộng  cho Trung Quốc và Mỹ. Ông cũng trình bày kế hoạch đối tác xuyên Thái Bình Dương với Mỹ, điều mà các nhà phân tích Bắc Kinh cho rằng có thể là công cụ gây áp lực đối với Trung Quốc. Và điều quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi Mỹ không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Kerry ngay lập tức trả lời rằng ông thừa nhận sự kiểm soát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) của Nhật Bản.

Và sau đó, tại Tokyo, trong cuộc hội đàm với ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kisida, ông Kerry đã tuyên bố rõ ràng rằng "Hoa Kỳ phản đối việc thay đổi hiện trạng xung quanh quần đảo Senkaku". Cùng ngày, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng ông sẽ không có bất kỳ nhượng bộ trước Trung Quốc về quần đảo Senkaku.

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự trùng hợp giữa hai tuyên bố này sẽ không góp phần cải thiện  quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:









ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)