Mỹ lợi dụng vấn đề Senkaku để bao vây Trung Quốc?

Google News

Một học giả Hong Kong nhận định việc Mỹ lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là một nước cờ trong chiến lược “trở lại châu Á”.

 Ngoại trưởng Hillary Clinton thừa nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong bài viết trên tờ “Đại Công báo” ngày 23/1, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (Hong Kong) Trịnh Hải Lân đã liệt kê một số diễn biến đáng chú ý trong thời gian gia. Đó là việc Nhật Bản từ chối đàm phán về vấn đề Senkaku, không thừa nhận có tranh chấp chủ quyền về quần đảo này; Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua đề án phòng thủ chung với Nhật Bản và tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton thừa nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku.

Theo học giả Trịnh Hải Lân, sâu chuỗi các sự kiện nói trên, có thể thấy rất rõ sự thống nhất giữa Mỹ và Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku cũng như Mỹ ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp này. Thời gian qua, Mỹ luôn có thái độ lấp lửng và dường như chỉ đứng ở hậu trường cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Hiện thời, Mỹ  từng bước xuất đầu lộ diện. Tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Hillary Clinton cho thấy Mỹ buộc phải từng bước công khai lập trường ủng hộ Nhật Bản và động thái này cũng báo hiệu một vòng xoáy tranh cãi ngoại giao mới sắp bắt đầu.

Theo tiết lộ của báo giới Nhật Bản, trong cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản ngày 18/1, hai bên còn cho rằng để bảo đảm ổn định khu vực biển Hoa Đông trên cơ sở nhận thức chung “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật”, cần tăng cường hợp tác với các nước xung quanh.

Nếu kết hợp nội dung cuộc hội đàm trên với cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku đang ngày càng leo thang, không khó có thể nhận ra rằng Điếu Ngư/Senkaku là một phần trong chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ.

Xét từ góc độ địa chính trị, sau khi Liên Xô tan rã, chiến lược toàn cầu của Mỹ đã từng bước chuyển dịch trọng tâm về châu Á, nhắm vào Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng. Phương châm chiến lược của Mỹ một mặt nhằm củng cố chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Hoàng Hải, qua Biển Hoa Đông xuống tới Biển Đông (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines). Mặt khác, lôi kéo các nước Đông Nam Á và  Ấn Độ… để hình thành một vòng vây chiến lược bao quanh Trung Quốc, không để Trung Quốc vươn ra đại dương. Vòng vây bao quanh Trung Quốc này bắt đầu hình thành từ sau khi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông, nay đã cơ bản hình thành. Nếu muốn vươn ra đại dương, khả năng lớn nhất là Trung Quốc phải đột phá vòng vây ở khâu yếu nhất của chuỗi đảo thứ nhất là từ Đài Loan đến quần đảo Ryukyu, tức khu vực Điếu Ngư/Senkaku.  Mỹ muốn thăm dò quân bài chủ của Trung Quốc cũng như thử thách lập trường của Đài Loan.

Học giả Trịnh Hải Lân kết luận: việc bà Hillary Clinton công khai ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Có thể thấy, vấn đề Điếu Ngư/Senkaku chẳng qua chỉ là một nước cờ trong chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:



Theo “Đại Công báo”

Bình luận(0)