Gấu trúc "làm giàu" cho Trung Quốc như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Giống như các ngành kinh doanh khác, nghề nuôi, nhân giống gấu trúc đã và đang trở thành ngành hái tiền ở Trung Quốc.

Gấu trúc là loài động vật biểu tượng của Trung Quốc, cần được bảo tồn vì đang có nguy cơ tuyệt chủng. 
Bắt đầu từ cuối tháng 7, cơ sở nghiên cứu và nhân giống gấu trúc Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) đã lắp đặt tới 28 camera với độ sắc nét cao để ghi lại các hoạt động hàng ngày của hơn 80 con gấu trúc sống tại đây. Tất cả những hình ảnh, video ghi lại cuộc sống hàng ngày của loài vật này sẽ được đăng tải trực tiếp trên trang www.ipanda.com.
Từ tháng 8 tới, người dùng Internet trên thế giới có thể theo dõi chương trình phát sóng 24/24h về đời sống của gấu trúc.
Những dùng có thể truy cập trang www.ipanda.com và lựa chọn 6 chuyên mục, từ "vườn gấu trúc lớn", "vườn trẻ" đến "vườn gấu trúc mẹ và con”… để xem và theo dõi gấu trúc 24/24h.
Theo Tân Hoa xã, trang www.ipanda.com đã bắt đầu đăng tải thử nghiệm các video từ 24/6 và thu hút khoảng 15.000 người dùng truy cập và bình luận. Có rất nhiều người bày tỏ mong muốn được tận mắt nhìn thấy gấu trúc sau khi xem các clip trên trang.
Sự ra đời của chương trình iPanda dường như đang nhắm tới lượng lớn khán giả có niềm đam mê theo dõi trực tiếp các hoạt động của loài gấu trúc quý hiếm này. Chính vì vậy, chương trình nhanh chóng trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm trên mạng Internet.
Giống như các ngành kinh doanh khác, nghề nuôi, nhân giống gấu trúc đã và đang trở thành ngành hái tiền ở Trung Quốc. Hàng năm, nước này vẫn thu hàng trăm triệu từ việc cho các vườn thú trên thế giới thuê gấu trúc. Chẳng hạn như trong năm 2008, vườn thú San Diego và 3 vườn thú khác ở Mỹ đã đàm phán với chính phủ Trung Quốc, cắt giảm một nửa số tiền thuê gấu trúc là 1 triệu USD hàng năm, đồng thời giảm chi phí cho họ mỗi khi gấu trúc mẹ sinh thêm em bé.
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, gấu trúc được xem là “động vật quý quốc gia” và được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng do chỉ còn khoảng 1.600 con sống trong tự nhiên (số liệu năm 2004).
Năm 1987, cơ sở nghiên cứu và gây giống gấu trúc Thành Đô (phi lợi nhuận) được thành lập và hiện đang nuôi khoảng 83 con gấu trúc.
Nguyên Thảo (theo CNN, QZ)

Bình luận(0)