Phòng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi

Google News

Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 54% trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển đã tử vong do thiếu dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng trẻ hợp lý là nền tảng quan trọng trong việc tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, trong đó trẻ bị suy dinh dưỡng chủ yếu là do người nuôi trẻ có hiểu biết chưa đầy đủ và có những sai lầm cơ bản về thực phẩm cũng như về dinh dưỡng.
Ngay cả trong điều kiện chăm sóc tốt nhất, trẻ vẫn mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng. Theo ghi nhận hiện nay, trẻ suy dinh dưỡng là do chế độ dinh dưỡng cho trẻ nghèo nàn, không hợp lý. Do sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng như cho trẻ ăn bột trước 6 tháng tuổi, chủ yếu là bột đường, bột mắm muối, mì chính, hoặc trẻ phải cai sữa quá sớm, khi chưa được 12 tháng tuổi. Cho trẻ ăn kiêng khi trẻ bị tiêu chảy, đặc biệt là kiêng mỡ, do đó sẽ làm giảm nguồn năng lượng cung cấp cho trẻ.
Phong suy dinh duong o tre duoi 5 tuoi
Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh minh hoạ. 
Để phòng suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi cần cung cấp đủ năng lượng hàng ngày, để đảm bảo quá trình trao đổi chất trong cơ thể, sự tăng trưởng và hoạt động thể chất hàng ngày. Do đó, để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi cũng cần nạp đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết, bao gồm:
- Protein (chất đạm): Cần thiết cho sự tăng trưởng của hệ xương, cơ và các mô trong cơ thể. Nhóm thực phẩm giàu đạm cần được bổ sung cho trẻ là trứng, thịt, sữa. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần ăn nhiều thực phẩm chứa protein để trẻ được hấp thụ đủ.
- Lipid (chất béo): Nguồn dưỡng chất có vai trò sản sinh năng lượng quan trọng nhất cho trẻ. Nhóm chất béo còn có vai trò làm chất dung môi để hấp thụ một số dưỡng chất khác như vitamin A, D, E, K. Giai đoạn này sữa mẹ là nguồn cung cấp chất béo dồi dào nhất, là những axit béo cần cho não bộ phát triển. Trẻ bắt đầu ăn dặm cần bổ sung thêm những thực phẩm giàu lipid, do lúc này sữa không phải thức ăn chính nữa.
- Glucid (chất bột đường): Trong sữa mẹ có chứa lactose, một chất bột đường mà cơ thể trẻ rất dễ hấp thu. Tuổi càng cao thì nhu cầu bột đường càng tăng, vì vậy hãy bổ sung nguồn thực phẩm đa dạng khi trẻ mới ăn dặm.
- Vitamin và khoáng chất: Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều vitamin như B, C, nhưng vitamin A, D lại rất ít, nên cần được bổ sung bằng cách khác. Vitamin A phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng của mẹ khi mang thai, do nó được dự trữ trong gan từ khi trẻ sinh ra. Vitamin D trong sữa mẹ có hàm lượng thấp, nên cần được bổ sung hàng ngày với liều lượng từ 200 IU – 400 IU, tùy vào tháng tuổi.
- Canxi, kẽm, sắt: Đây là nhóm khoáng chất nhất định phải bổ sung cho trẻ dưới 1 tuổi. Canxi có trong sữa mẹ với vai trò hỗ trợ hệ xương phát triển, sắt cần thiết cho quá trình tạo máu, nhưng chỉ đủ lượng dự trữ trong 3 tháng đầu sau sinh, nên cần được bổ sung vào chế độ ăn những tháng sau. Kẽm có tác dụng tăng trưởng cho cơ thể và phát triển hệ miễn dịch, cho trẻ cảm giác ăn ngon miệng.
Đối với trẻ từ 1 đến 5 tuổi
Trẻ trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi sẽ có nhiều thay đổi hơn so với những trẻ dưới 1 tuổi. Sự phát triển cả về thể chất và trí não diễn ra chậm hơn, nhưng lại có nhiều cột mốc quan trọng. Chế độ dinh dưỡng luôn có vai trò lớn, quyết định đến sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.
Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Trong độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ bắt đầu hoàn thiện, nhu cầu năng lượng cần khoảng 1300 Kcal mỗi ngày. Do đó, trẻ cũng cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất, protein, glucid, lipid. Lưu ý nên cho trẻ uống đủ nước, chế biến thức ăn mềm, các món ăn thay đổi hàng ngày, không nên cho trẻ ăn một món trong nhiều bữa, vì sẽ dễ gây nhàm chán.
Trẻ từ 3 – 5 tuổi: Giai đoạn này trẻ hoạt động nhiều hơn, nên nhu cầu năng lượng cũng tăng cao hơn, khoảng 1600 Kcal mỗi ngày. Cần bổ sung cân bằng các chất như Protein, lipid, glucid, hãy ưu tiên protein từ động vật. Cha mẹ cũng nên luyện cho con thói quen ăn uống khoa học.
Cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng
Trong 2 năm đầu, mỗi tháng nên cân trẻ 1 lần và ghi vào biểu đồ. Trẻ từ 3 – 5 tuổi thì 2 – 3 tháng cân 1 lần. Nếu thấy cân nặng của trẻ trong 2 tháng liền không tăng hoặc sụt cân, thì đấy là dấu hiệu sớm để phát hiện suy dinh dưỡng.
Cần tiêm chủng theo khuyến cáo
Tiêm chủng phải thực hiện ngay trong năm đầu, chủ yếu là các loại vaccine lao, viêm gan B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi. Tiêm chủng đầy đủ và đúng kỳ hạn.
Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ thì cần nhớ cho trẻ tẩy giun định kỳ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, sử dụng và chế biến món ăn bằng nguồn nước sạch… Đây chính là những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Đặc biệt, các mẹ nên hướng dẫn và giúp con vệ sinh tay chân trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
Những trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng
Trẻ từ 6 - 24 tháng: Thời kỳ có nhu cầu dinh dưỡng cao, thời kỳ thích ứng với môi trường, thời kỳ nhạy cảm với bệnh tật.
Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không đủ sữa.
Trẻ sinh ra đã nhẹ cân (<2500g), trẻ sinh đôi, sinh ba.
Trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém, gia đình không hòa thuận.
Trẻ hiện đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: Bệnh sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp.

Theo BS Nguyễn Ngọc Sáng/Đời sống và Sức khỏe

>> xem thêm

Bình luận(0)