Yến Nhi và hành trình trong bóng tối

Google News

(Kiến Thức) - Mới 4 tuổi mà bé Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã phải chịu đau đớn của căn bệnh ung thư 3 năm nay rồi. Đau, bé chỉ biết khóc và tát vào má mình, đưa tay móc con mắt giả ra...


Họa vô đơn chí

Trước Tết bạn đồng nghiệp rủ tôi đi thăm một cô bé 4 tuổi bị ung thư võng mạc. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên bé: Yến Nhi. Chúng tôi quyên góp và định ngày đi. Đến lúc gọi điện hẹn, thì mới biết hai mẹ con đang phải vào khám trong TPHCM. Thế là chuyến đi phải hoãn. Chiều 28 Tết cô bạn một mình lặn lội ra bến xe đón hai mẹ con họ, lúc về gọi cho tôi, khóc như mưa như gió, kể, chưa thấy trường hợp nào thương như thế. 

Ra Tết chúng tôi lại hẹn nhau đến thăm bé Yến Nhi. Căn phòng hai mẹ con bé thuê nằm trên tầng 2 của một căn nhà có nhiều phòng cho thuê, nằm đối diện với ngõ vào Bệnh viện K2 (Thanh Trì, Hà Nội). May gặp lúc bé không đau, đang chơi với mẹ. Con mắt bên phải được lắp mắt giả nhìn trong veo, còn mắt bên trái có khối u lớn quá nên không lắp được mắt giả. Chẳng nhìn thấy gì nữa, nhưng trò chơi bé thích nhất là nghịch giấy, bất kể giấy tờ gì, cả đơn thuốc, bệnh án... cứ thấy tiếng sột soạt là bé lần đến, cầm từng tờ giấy tung lên. Bé còn thuộc cả bảng chữ cái điện tử, mẹ bấm vào chữ nào là bé đọc theo, cái giọng còn hơi ngòng ngọng. Thỉnh thoảng bé lại kêu: mẹ ôm. Người mẹ nhỏ bé lại vội vàng ôm con vào lòng. Cái cảnh mẹ chỉ có mình con, con chỉ có mình mẹ sao mà thương quá.

Cũng như bao đứa trẻ khác, Yến Nhi rất thích ăn bim bim. 

Chị Nguyễn Thị Sáu, mẹ cháu kể, lúc sinh Yến Nhi được 3,5kg, khoẻ mạnh, bình thường. Nhưng cháu thiệt thòi vì mới sinh được mấy ngày thì bố bỏ đi với người khác, để mặc hai mẹ con đơn độc, trắng tay trong căn nhà trọ. Đến khi được 14 tháng tuổi thì bé hay bị sốt, có lúc sốt 42oC, không làm thế nào mà hạ sốt được. Bé đi lại hay bị vấp. Tối đến nhìn ánh điện là mắt bé đỏ lên. Nhiều người khuyên đưa đi khám. Nhưng cũng phải cả tuần sau đó chị mới vay mượn được 1 triệu đồng để đưa con lên Hà Nội khám. Và còn choáng váng hơn khi biết đứa con bé bỏng của mình bị ung thư võng mạc.

Chị bảo, vào viện thấy nhiều trường hợp ung thư như con chị, nhưng phát hiện sớm, mổ sớm thì vẫn giữ được một mắt. Nhưng lúc đó chẳng có tiền. Bà chủ nhà trọ đuổi đi không cho ở. Người thân cũng hắt hủi, chẳng ai dám cho hai mẹ con chị ở vì chỉ sợ cháu chết trong nhà mình. Đau đớn, tủi cực, chị ôm con đi ăn xin. 4 tháng xin được 6 triệu rồi mới dám quay lại bệnh viện. Cũng may có bảo hiểm 100% nên không tốn nhiều, chứ từng ấy thời gian hết phẫu thuật, thuốc men, nằm viện, rồi lại truyền hoá chất tới 22 đợt thì lấy đâu ra tiền. Người ta truyền hoá chất xong thì về, còn mẹ con chị chẳng biết về đâu, đành ôm nhau vạ vật trong bệnh viện.

Đợt đầu điều trị hoá chất, mắt bên phải đáp ứng tốt. Đến tháng 7/2011 lại mổ mắt trái nhưng khối u to quá không xử lý được, điều trị hoá chất cũng không tiến triển. Đến tháng 11/2011 thì bệnh viện trả về vì hết phác đồ điều trị. Từ đó đến nay hai mẹ con vẫn thuê nhà ở ngay cổng bệnh viện, để thỉnh thoảng cháu đau quá lại chạy vào. Vừa rồi hai mẹ con lại sang viện Mắt T.Ư khám. Các bác sĩ bảo khối u to nhanh quá, nếu mổ thì phải khoét rộng, sức cháu không thể chịu đựng nổi. Vậy là bó tay. 

Những lúc không đau là giây phút hạnh phúc của hai mẹ con. 

Sống nhờ người dưng

Giờ thì chỉ chờ mong vào một phép màu nào đó, một điều kỳ diệu nào đó làm cho khối u kia biến mất mà thôi. Hằng ngày bé vẫn phải uống hoá chất. 550.000đ/lọ, uống được 1 tháng. Người lớn uống hoá chất còn mệt nói gì đến đứa bé 4 tuổi. Tối nào bé cũng khóc, chân tay lại bứt rứt không yên, mẹ lại phải ngồi bóp chân bóp tay. Có hôm suốt đêm chị Sáu phải ngồi bóp chân cho con. Lúc nào đau quá lại phải cho bé uống moocphin 1,2 triệu đồng một viên, chia làm 4 lần. 

Mặc dù bác sĩ đã khuyến cáo không được dùng moocphin cho trẻ, nhưng những lúc đau quá, nhìn con cứ lấy tay lôi con mắt giả ra, có lúc lại móc vào con mắt bên trái, máu me be bét, chị lại không thể cầm lòng. Và Yến Nhi đã có những biểu hiện của chứng loạn thần, rất dễ hoảng sợ, kích động. Đợt vừa rồi vào TPHCM khám, khám xong rồi lại ra chứ không dám ở lại điều trị vì chả có ai quen. Dù gì thì ngoài này vẫn còn những người quen: Các bác sĩ, y tá trong bệnh viện, bà chủ nhà trọ, mấy cô chú sinh viên hàng xóm, ông già trong chùa, mấy bà, mấy chị bán hàng ngoài chợ... 

Suốt đợt con ốm, chị không thể làm được một việc gì để kiếm tiền. Hai mẹ con chẳng lúc nào rời nhau. Có đi ăn xin thì cũng phải bế con đi. Mọi chi tiêu đều trông vào lòng hảo tâm của người đời. Như đợt mổ lần thứ hai, chị lại bế con ra khu chợ gần đó để xin. Cũng được 4 triệu đồng. Rồi đây nếu không qua khỏi, chị cũng chả đưa con về quê. Có gì thì gửi bên chùa gần đây vậy.

Chao ôi, cái con chim Hoàng Yến bé nhỏ thế mà sao cuộc đời lại đắng cay đau đớn nhường này. Dường như mọi cái cơ cực của cõi đời này đều dồn hết vào cái hình hài nhỏ bé đó.

Ai đã từng làm mẹ, đã từng phải thức đêm để trông đứa con nhỏ bị ốm, mới thấy hết cái sự hãi hùng, lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng khi ôm trong tay cái hình hài bé bỏng mà sự sống đang rất mong manh kia. Chỉ thức vài ba hôm thôi mà người đã mệt mỏi tưởng kiệt sức. Vậy mà người mẹ này đã phải sống trong lo âu, trong nỗi tuyệt vọng khi nhìn đứa con thơ đau đớn suốt 3 năm trời. Đã thế chẳng có người thân nào bên cạnh. Đã có lúc chị tuyệt vọng, tìm đến cái chết. Nhưng giờ chị bảo, chẳng cần gì nữa, chỉ cần sáng sáng được nghe tiếng con bé gọi mẹ ơi, để biết rằng nó vẫn còn sống. 

Tiễn chúng tôi ra cổng, chị Sáu vừa bế con vừa cầm theo cái hộp nhựa để sang viện xin cháo từ thiện, đó là bữa chiều của hai mẹ con vì “tiền đâu mà ăn hai bữa hả cô?”. Câu nói sao mà não lòng.

Nhật Minh

Bình luận(0)