Xót xa tiễn đưa những cây đại thụ âm nhạc Việt

Google News

(Kiến Thức) - Trong năm 2012 và tháng đầu tiên của năm 2013, khán giả Việt đã nhiều lần phải lau nước mắt trước sự ra đi của những cây đại thụ nền âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy từ trần vào lúc 2 giờ 30 phút chiều ngày 27/1/2013 hưởng thọ 93 tuổi. Ngay sau khi thông tin nhạc sỹ số 1 Việt Nam qua đời trên nhiều trang mạng xã hội người hâm mộ, nghệ sỹ đã bầy tỏ niềm tiếc thương vô hạn với nhạc sĩ đa tài này.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời một khối tài sản âm nhạc khổng lồ với những ca khúc  sống mãi với thời gian như:Đưa em tìm động hoa vàng, Ngậm Ngùi, Tình ca, Thà như giọt mưa...

Nhạc sĩ Thanh Sơn

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 15/5/1938 tại Sóc Trăng, là con thứ 10 trong một gia đình có 12 anh chị em.
 Nhạc sĩ Thanh Sơn

Với mơ ước trở thành ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Sơn đã lên Sài Gòn học nhạc dù cuộc sống ở thuê khắc nghiệt.

Năm 1959, ông đăng kí tham dự cuộc tuyển lựa ca sỹ của Đài phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất. Những ca khúc thời kì đầu sáng tác của Thanh Sơn thường nói về tình cảm của tuổi học trò như: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn...Sau này ông viết thêm những ca khúc nhạc vàng như: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Hình bóng quê nhà, Bạc Liêu hoài cổ...được nhiều khán giả đón nhận.

Năm 2011, nhạc sĩ Thanh Sơn bị tai biến mạch máu não, sau một thời gian điều trị ông đã qua đời vào ngày 4/4/2012. Hưởng thọ 74 tuổi.

Nhạc sĩ Trần Trịnh

Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng. Ông là cha đẻ của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Lệ đá, Qua cơn mê, Hai sắc hoa tigon, Mùa phượng tím, Cung đàn muôn điệu, Chiếc lá cuối cùng…Ca khúc Lệ đá ra mắt 1968 và cũng là thời điểm cái tên Trần Trịnh trở thành ngôi sao của làng sáng tác. 

 Nhạc sĩ Trần Trịnh

Ngày 10/10/2012 Trần Trịnh trút hơi thở cuối cùng tại miền Nam California, Mỹ, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới- An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945 thuộc đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên. Sau ông chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948 và đã để lại cho đời nhiều tác phẩm bất hủ như: Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bến Hiền Lương, Trở về dòng sông tuổi thơ, Lá đỏ, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông...

 Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Rạng sáng ngày 2/1/2013, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bất ngờ ho ra máu và phải đưa vào viện cấp cứu. Sau đó nhạc sĩ "lá đỏ" rơi vào tình trạng hôn mê. 

Tuy nhiên đến ngày 9/1/2013, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã qua đời tại nhà riêng (Cao ốc An Khang, P.An Phú, Q.2, TPHCM) vào lúc 12 giờ 45 phút, hưởng thọ 81 tuổi. Ngày 12/1, lễ truy điệu nhạc sỹ "Lá đỏ" diễn ra trong không khí trang nghiêm với người thân và bạn bè của nhạc sĩ.

Gia Linh (tổng hợp)

Bình luận(0)