Gia đình 5 người và nghị lực sống phi thường

Google News

(Kiến Thức) - Trong căn nhà nhỏ tạm bợ ở tổ 10, thôn Nhị Dinh 3 (Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) có một gia đình 5 người đang chịu nỗi bất hạnh nghiệt ngã của số phận nhưng họ chưa khi nào khuất phục.

Anh Võ Nga, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Điện Phước đưa chúng tôi vào thăm gia đình chú Trương Phú Một khi chiều đã ngả bóng. Vừa đi anh vừa bảo: "Gia đình chú Một có cả thảy 5 người: Chồng là Trương Phú Một (50 tuổi), vợ Trần Thị Lệ Hương (48 tuổi), hai con trai Trương Hùng Anh (22 tuổi), Trương Phước Thiện (16 tuổi) và con gái Trương Ánh Diệu (19 tuổi). Có nhà nào khổ như nhà này không chứ? Cái nghèo, cái bệnh lại cõng lên lưng cái chữ".

“Tên em không có trong danh sách”

“Học mờ, học mờ, học mờ…” – muốn ré lên nhưng vì ngọng, Trương Hùng Anh chỉ có thể ú ớ từng từ. Cậu ngồi trên bàn, đầu ghếch sang một bên, lưỡi lè ra, tay co giật. 

Nằm trên giường, Trương Phước Thiện cũng hao hao giống tình cảnh của anh trai nhưng lại cười khì khì vô hồn. Thấy Thiện trườn người suýt ngã xuống đất, cô Hương vội chạy tới đỡ con.

 
 Ngày nào cô Hương cũng vất vả vì các con.

Khi chúng tôi tới thì nhà chỉ có 3 người, anh Một đã đi phụ hồ, còn Diệu thì ra Huế học cách đây mấy ngày.

Bồng Thiện lên, cô Hương rưng rưng mắt nhìn sang Trương Hùng Anh: “Thằng này thì bệnh nặng quá không thể học được rồi. Còn thằng kia cứ đòi học miết. Nhưng hắn bệnh tật, hắn không được học nữa. Tên hắn không có trong danh sách”.

Chuyện rằng, trở về từ chiến tranh, chất độc da cam đã ngấm vào người chú Một. Khi chú cưới vợ sinh con, đứa đầu lòng đã thấy ngoắc nguơ ngoắc ngoải, miệng mồm há hốc, tay chân cứng đơ. Bác sĩ bảo với chú nó bị di chứng chất độc da cam, rối loạn hệ vận động rồi. 

Đẻ tiếp đứa con gái được lành lặn thì đẻ thêm đứa trai nữa, nhưng không may cậu trai thứ lại gặp cảnh như anh trai. 

“Hồi trước nhà ni có 2 sào rưỡi ruộng, giờ lở xuống sông Thu Bồn còn 1 sào rưỡi. Ba mấy đứa làm thợ hồ, gặp đâu làm đó. Còn má lo cho hai đứa con trai cũng hết ngày. Đã nghèo mà còn bệnh tật, sao học cho nổi!” – anh Nga nói.

Thế nhưng, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn vào góc nhà, trên cái bàn gỗ ọp ẹp, nhiều trang giấy cũ ghi rành rọt các phương trình toán học, công thức hóa học... Anh Võ Nga giải thích: “Em Anh bị chất độc da cam, nhìn bề ngoài giống như một đứa con nít nhưng trí tuệ minh mẫn lắm. Em đánh cờ tướng giỏi, mấy ông già chơi còn thua, em được giải ba trong cuộc thi cờ tướng của xã tổ chức vừa rồi. Vì bệnh tật, hồi cấp 1 em không được học. Rồi sang cấp 2, em thấy bọn trẻ được đi học nên đòi đi. Từ đó, em biết chữ rồi ham học. Về nhà là cứ ngồi vào bàn học. Điểm 8,9 là bình thường. Ngày nắng thì tự đi bộ, còn ngày mưa thì bảo mẹ đưa đi”.

Em Trương Hùng Anh rất ham học dù... không có tên trong danh sách.

Khi hỏi vì sao em không học tiếp cấp 3, anh Nga nói: “Bởi em bệnh tật, chỉ là một học sinh dự thính. Trường thấy thương nên mới cho em học, cho ngồi lớp và chấm điểm bài thi. Nhưng tên em Hùng Anh và điểm số không được nhập vào danh sách của trường”.

"Có cách nào cho nó được học tiếp cấp 3 không anh?” – cô Hương khóc nức nở khi nghe nhắc đến hoàn cảnh của con mình.

Tối hôm ấy, thầy giáo Phan Minh Vinh – Hiệu trưởng trường THCS Trần Quý Cáp, xã Điện Phước, nói với chúng tôi: “Vì em Anh đã quá độ tuổi đi học theo quy định nên không có tên trong danh sách của trường. Bây giờ các lớp đã học rồi nên tôi cũng không biết làm sao xin lên Phòng Giáo dục huyện cho em được học tiếp cấp 3, dù chỉ là học dự thính”.

"Em phải học y"

Tay run run, cô Hương lật giở cho chúng tôi xem những tấm ảnh, những giấy chứng nhận thành tích học tập của cô con gái Ánh Diệu. Từ khi đi học, Diệu toàn nhận danh hiệu học sinh, sinh viên xuất sắc. 

Năm lớp 12, Diệu đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Anh văn nhưng khi thi đại học, Diệu lại chọn khối A và khối B rồi đỗ liền 2 trường đại học.

Trương Ánh Diệu đạt giải nhất cuộc thi nữ sinh thanh lịch do trường Đại học Y Dược Huế tổ chức.

Thi vào Đại học kinh tế Đà Nẵng đạt 27 điểm, đứng thứ 3 và nằm trong top 5 thí sinh đầu vào cao điểm nhất của trường, thầy Hiệu trưởng GS.TS Trương Bá Thanh gửi cho Diệu lá thư: “Em sẽ được ưu tiên chọn theo học bất cứ chuyên ngành nào trong số các chuyên ngành hiện đang được đào tạo của trường. Em sẽ được miễn học phí, được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá, được cấp học bổng toàn phần trong năm thứ nhất và sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu tiên này trong những năm tiếp theo nếu kết quả học tập tại trường đạt loại giỏi”. Thế nhưng, Diệu lại chọn học ở Đại học Y Dược Huế (với số điểm là 26,5). 

“Em phải học y. Em phải làm bác sĩ để gia đình thoát nghèo và nỗi ám ảnh bệnh tật”, Diệu nói với chúng tôi qua điện thoại.

Trong bảng điểm đại học năm thứ nhất, Diệu mang về nhà, hiếm lắm mới có một con số 8, toàn 9 với 10. Cũng trong năm nhất này Diệu còn đạt giải nhất trong cuộc thi “Sinh viên thanh lịch” do Đại học Y Dược Huế tổ chức. Tiền vay sinh viên, rồi số tiền có được từ việc dạy thêm, bán cà phê… người con gái xinh đẹp và tài giỏi ấy tự trang trải cuộc sống, học tập và vươn lên.

Cô Hương kể, ngày 1/9/2012, trong bữa ăn gia đình tiễn Diệu ra Huế học, Diệu rưng rưng mắt nhìn người anh và người em tật nguyền của mình rồi hét to: “Con phải trở thành một bác sĩ giỏi, nhà mình phải thoát khỏi cái bệnh tật ám ảnh. Con phải…”

 Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Gia đình chú Trương Phú Một, tổ 10, thôn Nhị Dinh 3, Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam.
2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.

Trân trọng!

 


TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Lưu Minh - Hà Kiều

Bình luận(0)