Tại sao vũ khí Nga gặp khó ở Ấn Độ?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Nga không giành thắng lợi trong một số gói thầu vũ khí lớn ở Ấn Độ một phần vì những yếu tố chính trị.

Trang mạng Russian Army Messenger đăng bài bình luận về nguyên do tại sao vũ khí Nga ngày càng gặp nhiều khó khăn ở thị trường Ấn Độ. Qua đó, vấn đề được đưa ra không phải là vũ khí Nga đắt đỏ, hay kém hiện đại mà do chính sách của Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Pakistan.
Theo đó, bài viết cho rằng, để ngăn chặn Trung Quốc, Ấn Độ đang “xa lánh” Nga, tích cực tăng cường hợp tác công nghệ quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, Nga đang đối mặt với sự lựa chọn lớn: tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao không có ý nghĩa hay là tập trung xây dựng trục chính trị quân sự Nga - Ấn.
Gần đây, mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ được tăng cường rõ rệt. Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 23-24/6 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một loạt các vấn đề quan trọng như xung quanh diễn biến khu vực châu Á, hòa giải ở Afghanistan, hợp tác công nghệ quân sự song phương đã được hai bên trao đổi và đạt được sự thống nhất chung trong việc tiếp tục mở rộng hợp tác năng lượng, công nghệ cao, an ninh quốc phòng.
Cần phải nhấn mạnh là, vấn đề thảo luận của Mỹ và Ấn Độ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, mà còn liên quan trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Nga. Ấn Độ lực chọn hợp tác với Mỹ trong những vấn đề này, không phải là hợp tác với Nga cho thấy những tính toán sai của ngoại giao Nga.
 Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ để đối phó Trung Quốc.
Dù vậy, Việc Ấn Độ giảm nhập khẩu vũ khí Nga, các doanh nghiệp sản xuất và chuyên gia Nga thông thường xem như là vấn đề kỹ thuật như giá sản phẩm, yêu cầu về đổi mới và công nghệ của Ấn Độ đối với vũ khí trang bị tăng cao. Tuy nhiên, đây không hẳn là vấn đề chính dẫn tới việc Ấn Độ giảm nhập khẩu vũ khí Nga.
Trên thực tế, nếu Nga coi Ấn Độ là thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nhất, thì cần phải xác định một kế hoạch thúc đẩy quân sự chính trị tương ứng. Đối với nguyên nhân cơ bản khiến Ấn Độ thể hiện sự tăng cường hợp tác công nghệ quân sự với Mỹ và NATO, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố chính trị thay vì vấn đề công nghệ.
Vị chuyên gia này cho rằng, Ấn Độ lo ngại về sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và thực lực quân sự của Trung Quốc, hy vọng thông qua các đơn hàng mua vũ khí lớn của Mỹ, củng cố mối quan hệ đối tác quân sự chính trị với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc hơn nữa. Và đây đã trở thành xu hướng ưu tiên trong chiến lược toàn cầu của Ấn Độ.
Hiện nay Ấn Độ tích cực xây dựng liên minh quân sự chính trị, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước như Mỹ và Nhật Bản, mục đích chính là ngăn chặn Trung Quốc. Việc Nga thúc đẩy chính sách ngoại giao toàn diện, ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc, rõ ràng không phải là phương thức tốt nhất để củng cố quan hệ Nga - Ấn.
 Việc Nga bán vũ khí mới nhất cho Trung Quốc đã làm Ấn Độ phật ý.
Việc Nga bán vũ khí hiện đại cho Trung Quốc cũng đã làm cho Ấn Độ không hài lòng. Ngày 24/12/2012 Nga và Ấn Độ ký một số hiệp định hợp tác công nghệ quân sự với tổng trị giá 2,9 tỷ USD, bao gồm việc cung cấp giấy phép sản xuất linh kiện phụ tùng 42 tiêm kích Su-30MKI cho Ấn Độ.
Ngày 17/6/2013 các phương tiện truyền thông Nga cho biết, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lô tiêm kích đa năng Su-35 kiểu mới. Đây là loại máy bay tiêm kích đa năng siêu cơ động thế hệ 4++, về tính năng kỹ chiến thuật rõ ràng ưu việt hơn Su-30MKI.
Trong khuôn khổ chính sách ngoại giao toàn diện, Nga còn có ý xuất khẩu vũ khí sang Pakistan. Chuyên gia Nga cho rằng phương châm tương tự này là sai, Nga tăng cường mối quan hệ với Pakistan, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quân sự chính trị là không triển vọng. Đối với việc cung ứng vũ khí trang bị cho Pakistan có thể sẽ mang lại hậu quả tiêu cực. Pakistan không quá hy vọng vào việc nhập khẩu vũ khí của Nga nâng cao khả năng phòng vệ, mà là để phá vỡ mối quan hệ quân sự chính trị Nga - Ấn.
Nga thua cuộc trong vụ đấu thầu mua 126 máy bay tiêm kích đa năng của Ấn Độ năm 2011 đối với MiG-35 và không hài lòng với việc Ấn Độ có ý muốn mua linh kiện vũ khí từ nước thứ 3 và việc Nga bán vũ khí cho Pakistan là một cách để Nga trừng phạt Ấn Độ, có thể sẽ làm cho Ấn Độ có những phản ứng mạnh mẽ.
Hơn nữa, xem xét từ phương diện doanh nghiệp, khả năng chi trả của Pakistan thấp, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đối với Pakistan cũng không thể cao. Dưới tác dụng của các yếu tố trên, tầm ảnh hưởng quân sự, chính trị và kinh tế của Nga đối với Ấn Độ giảm dần là điều bình thường.
Ngoài ra, Ấn Độ còn tăng cường hợp tác với Nhật Bản, nội dung quan trọng trong hiệp định hợp tác Ấn – Nhật chính là hợp tác kỹ thuật quân sự, hai bên thảo luận và xác định việc tổ chức diễn tập quân sự chung trên biển, công ty Nhật Bản còn có thể cung ứng máy bay quân sự và lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ. Thực tế này một lần nữa cho thấy trong tương lai doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh mạnh mới.
Bằng Hữu

Bình luận(0)