Khuyến nghị mua CTR với giá mục tiêu 71.200 đồng/cp
CTCK SSI: Kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (UPCoM: CTR) khá tích cực với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ước tính là 37% so với cùng kỳ và 25% so với quý trước.
Tốc độ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2022 cao hơn một chút so với dự báo kết quả kinh doanh của Công ty Chứng khoán SSI được cập nhật ngày 7/10/2022.
SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế khả quan chủ yếu là nhờ tăng tỷ trọng đóng góp từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Việc xây dựng các trạm BTS mới đang được đẩy mạnh từ quý II/2022 (742 trạm) và thêm 361 trạm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2022 so với 162 trạm trong quý I/2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế sơ bộ đạt 400 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 70% dự báo năm 2022 của SSI.
SSI nhận thấy vòng quay tiền mặt và vị thế tiền mặt ròng của CTR tốt hơn dự kiến. Trước đây, công ty chứng khoán này lo ngại về việc vòng quay tiền mặt sẽ bị kéo dài khi mở rộng sang phân khúc xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2022, chỉ số vòng quay tiền mặt trong vòng 12 tháng qua đạt mức 84 ngày, thấp hơn ước tính hiện tại của SSI cho năm 2022 là 94 ngày. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 194 tỷ đồng so với ước tính năm 2022 là 84 tỷ đồng.
Do dòng tiền hoạt động khá tốt, dư nợ ngắn hạn thấp hơn dự kiến và mang lại tỷ lệ tiền mặt ròng trên vốn chủ sở hữu là 0,4 lần ở thời điểm tháng 6/2022, tốt hơn so với ước tính của SSI là tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của năm 2022 sẽ đạt 0,4 lần.
Cổ phiếu CTR hiện giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 17,9 lần và năm 2023 là 14,9 lần, thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là 22 lần và 21 lần. Trong khi đó, tăng trưởng EPS năm 2022 và 2023 của CTR được dự báo là sẽ đạt lần lượt 22,6% và 20,2%, so với các công ty cùng ngành hiện ở mức 9% và 10%.
Tuy nhiên, SSI vẫn duy trì dự báo hiện tại cho năm 2022 và năm 2023 do những lo ngại về suy thoái kinh tế. Giá mục tiêu 1 năm hiện tại của SSI cho CTR là 71.200 đồng/cổ phiếu trên cơ sở áp dụng phương pháp định giá DCF, tiềm năng tăng giá là 17%.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 18/10? |
Khuyến nghị mua VNM với giá mục tiêu 85.776 đồng/cp
CTCK Phú Hưng (PHS): Kỳ vọng doanh thu của VNM trong năm 2022 sẽ đạt 62.138 tỷ đồng (tăng 2%) trong bối cảnh sức tiêu thụ của toàn ngành sữa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các bất lợi về vĩ mô như lạm phát, lãi suất cao.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 9.722 tỷ đồng (giảm 7,7%), biên lợi nhuận gộp nhiều khả năng giảm 5,4 điểm phần trăm do tình trạng lạm phát, chi phí logistics tăng cao, áp lực của tỷ giá tăng cộng với các bất ổn về địa chính trị tại Ukarine sẽ tạo ra áp lực tăng giá lên nguyên vật liệu nhập khẩu.
Theo PHS, VNM đang ngày càng tích cực đẩy mạnh mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa chuỗi nguyên vật liệu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những dự án lớn như nhà máy sữa Hưng Yên, Mộc Châu, và các dự án mở rộng các nhà máy hiện hữu sẽ góp phần lớn vào việc cải thiện khả năng sản xuất của Vinamilk trong 2 - 3 năm tới, khi hiện tại các nhà máy tại miền Bắc đã đạt trên 70% công suất.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), công ty con của Vinamilk, đã phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án bò thịt liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, dự kiến phân phối ra thị trường vào cuối năm 2023. PHS đánh giá đây sẽ là động lực tăng trưởng của Vinamilk trong thời gian sắp tới khi công ty có thể tận dụng lợi thế về kinh nghiệm trong chăn nuôi và thị trường bò thịt còn khá phân mảnh, chưa có người dẫn đầu.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VNM là 85.776 đồng/cổ phiếu. PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 22%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính trong giai đoạn 4 năm tiếp theo nhưng chưa bao gồm mảng bò thịt do cần thêm thông tin/thời gian để đánh giá.
Khuyến nghị mua IJC với giá mục tiêu 25.163 đồng/cp
CTCK Bảo Việt (BVSC): CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) nói riêng và doanh nghiệp bất động sản nói chung đang có những áp lực từ nay đến nửa đầu 2023. Các rủi ro này đã và đang phản ánh sớm lên giá cổ phiếu IJC. Kết quả kinh doanh không lạc quan sau đó sẽ thể hiện nhiều hơn vào lợi nhuận trong 1-2 quý tới.
Tuy nhiên, xét trên quan điểm quỹ đất và định giá, chúng tôi cho rằng cơ hội tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn đang mở ra. Và sự phục hồi diễn ra sớm hoặc cần thời gian sẽ phụ thuộc nhiều vào kiểm soát soát lạm phát, và cụ thể là quan điểm điều hành chính sách tiền tệ. Kịch bản chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn vào nửa sau 2023.
Hoạt động kinh doanh của IJC sẽ phục hồi do i) quỹ đất sẵn sàng kinh doanh; và ii) thị trường bất động sản TPM.Bình Dương thanh khoản hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài như Capitaland, Gamuda, VSIP…
Và quan trọng hơn, BVSC cho rằng giá cổ phiếu IJC vẫn đang định giá thấp so với giá trị hợp lý của Công ty. Theo ước tính thận trọng của BVSC, giá hợp lý mỗi cổ phần IJC là 25.163 đồng/CP, cao hơn 92,8% giá thị trường ngày 11/10/2022.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu IJC cho mục tiêu đầu tư trung hạn. Rủi ro: chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài hơn kịch bản.