Sát thủ của sa mạc

Google News

Mèo cát - loài động vật được mệnh danh 'sát thủ sa mạc' đã chinh phục vô số người vì vẻ ngoài… quá đáng yêu.

Kể từ lần đầu tiên ra mắt công chúng thông qua ảnh vào năm 2017, mèo cát - loài động vật được mệnh danh “sát thủ sa mạc” đã chinh phục vô số người vì vẻ ngoài… quá đáng yêu.
“Ngôi sao” hoang dã
Mèo cát nổi tiếng là loài động vật hoang dã khó nắm bắt nhất. Chúng sinh trưởng ở các vùng sa mạc cát và đá siêu khô hạn trên khắp Bắc Phi, Trung Đông, Tây Nam và Trung Á, nhưng lại gần như vô hình vì sở hữu màu lông trùng với màu cát và biệt tài ngụy trang siêu đẳng.
Lần đầu tiên nhân loại phát hiện và ghi nhận sự có mặt của mèo cát trên hành tinh là vào năm 1858, tại khu vực sa mạc Sahara thuộc Algeria (Bắc Phi). Thế kỷ XX, mèo cát được nhìn thấy nhiều hơn, phạm vi xuất hiện cũng rộng hơn, nhưng vẫn chỉ là thi thoảng.
Theo kết quả quan sát, mèo cát thuộc dạng mèo nhỏ, chỉ cao tối đa 36cm và nặng nhất là 3,4kg. Ở khu vực Trung Á, mèo cát có bộ lông dài và dày, sợi lông dài nhất 51mm. Ở các khu vực khác, lông của chúng ngắn hơn.
Sat thu cua sa mac
Rắn độc là một trong các món khoái khẩu của mèo cát. Ảnh: Youtube.com
Tai mèo cát rất to, chân ngắn, móng vuốt chi trước sắc, móng vuốt chi sau cùn. Gan bàn chân mèo cát có lông mọc trong các kẽ ngón chân phủ kín, khi bước đi không để lại vết.
Mãi tới năm 2017, công chúng mới được ngắm nhìn mèo cát thông qua bộ ảnh chụp loài mèo này trong tự nhiên. So với các loài mèo nhà, mèo cát dễ thương không kém, thậm chí còn nhỉnh hơn. Ai nấy cũng trầm trồ khen mèo cát xinh và ước gì có một con trong nhà.
“Ăn như hạm”
Một trong các fan cuồng của mèo cát là Tiến sĩ Grégory Breton, Giám đốc điều hành của tổ chức bảo tồn mèo hoang toàn cầu - Panthera France. Kể từ năm 2013, ông đã tập trung nghiên cứu loài mèo này vì có quá ít thông tin về chúng.
Năm 2015, Panthera France hợp tác với Sở thú Cologne và Sở thú Rabat ở Morocco, tiến hành dự án nghiên cứu mèo cát. Tiến sĩ Breton dẫn đầu nhóm nghiên cứu gồm 5 người là các nhà khoa học và bác sĩ thú y, đeo vòng cổ vô tuyến VHF cho 22 con mèo cát ở khu vực sa mạc nóng bức nhất tại miền Nam Morocco, quan sát và theo dõi chúng suốt cho đến tận năm 2019.
Sat thu cua sa mac-Hinh-2
Mèo cát đi săn đêm xa hơn bất cứ loài mèo nhỏ nào. Ảnh: Gregory Breton, Edition.cnn.com
Đầu tiên, phạm vi hoạt động của mèo cát cực lớn. Trước đây, các nhà nghiên cứu ước đoán nó vào tầm 50 km2 nhưng, kết quả của nhóm Breton lại chỉ ra lên tới 1.758 km2. Đây là quãng đường xa hơn bất cứ loài mèo nhỏ nào cùng kích thước, và tương đương với phạm vi hoạt động của những loài mèo lớn như sư tử, hổ, báo.
Tiếp theo, mèo cát có khả năng là loài di cư - chuyện chưa từng thấy ở loài mèo. Nó di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác theo lượng mưa hoặc điều kiện môi trường sống.
Cuối cùng, mèo cát “ăn như hạm”. Chúng săn mồi vào ban đêm và vồ giết bất cứ loài động vật nào mà bản thân có khả năng, không chừa cả rắn độc, bao gồm cả loài rắn sừng độc bậc nhất.
“Mèo cát không uống nước. Thay vào đó, chúng uống máu con mồi và săn bắt suốt đêm, ăn nhiều để tích trữ năng lượng”, Tiến sĩ Breton cho biết.
Cần gấp rút bảo tồn
Trong danh sách tình trạng của các loài động vật của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), mèo cát thuộc diện “ít quan tâm”. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Breton chỉ ra, loài mèo này đang gặp nguy cơ tuyệt chủng lớn do “phạm vi sinh sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn tự nhiên bị hạn chế và sức khỏe hệ sinh thái quá mong manh”.
Mặc dù sinh trưởng trong môi trường nóng bức, khô hạn nhất, mèo cát vẫn là loài có khả năng bị tổn thương cao do nóng lên toàn cầu. Tuy mang danh “sát thủ sa mạc”, loài mèo này bị chó chăn cừu xem như mục tiêu giải trí và thỉnh thoảng lại bị giết.
Chưa hết, mèo cát còn bị săn trộm với mục đích buôn bán thú cưng bất hợp pháp. Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq, mèo cát là món hàng giá trị. Cư dân các vùng sa mạc cũng ghét mèo cát, vì bị chúng bắt mất gia cầm, không chỉ xua đuổi, mà còn bẫy giết bằng thuốc độc hoặc bắt sống đem bán.
Mèo cát không thích hợp làm thú cưng. Tuy rất dễ thương và ăn tạp, chúng phải được nuôi trong chuồng cực khô, nhiệt độ cao và độ ẩm thấp ổn định, nên rất khó đáp ứng. Ngoài ra, mèo cát còn dễ bị mèo nhà lây bệnh và rất khó để chữa khỏi.
“Nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ là sơ bộ”, Tiến sĩ Breton nói. Ông hy vọng, có nhiều hơn các quan sát và theo dõi mèo cát từ các khu vực khác. “Chúng ta cần hiểu rõ thêm về hành vi, lối sống của loài mèo này cũng như xác định rõ các mối đe dọa lên chúng, để tìm ra phương pháp bảo vệ thích hợp nhất”, Tiến sĩ Breton nói thêm.
Theo Vũ Thị Huế/GD&TĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)