GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Một số ý kiến để chống dịch COVID-19 hiện nay“

Google News

Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu tham luận của GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam nêu tham luận về "Một số ý kiến để chống dịch COVID-19 hiện nay" tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.

 Kính thưa:
• Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ;
• Ban chủ tọa Hội nghị;
• Các quý vị tham gia và tham dự Hội nghị!
Theo sự phân công của Ban tổ chức Hội nghị, tôi xin có tham luận về chống dịch Covid-19.
Kính thưa Hội nghị! Gần 2 năm vừa qua Việt Nam đã chống dịch Covid-19 rất quyết tâm, rất quyết liệt và đã đạt được những thành công rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên đại dịch Covid này là rất ác liệt, là rất khó lường.
Trong thời gian có hạn, tôi xin phép được đóng góp một số ý kiến ngắn về chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay như sau:
I. Chống dịch Covid-19 trước hết cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và chuyên môn Y khoa
Lý do: Covid-19 là một loại bệnh dịch do virus SARS-CoV-2. Vì vậy cần phải có kiến thức về y khoa, có hiểu biết về khoa học, công nghệ thì mới chống dịch được tốt.
Bên cạnh sự tham khảo các nghiên cứu của quốc tế, chúng ta cần có những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn Việt Nam về các biến thể virus SARS-CoV-2, về đặc điểm diễn biến dịch bệnh, về kháng nguyên, về kháng thể, về Vắc xin, về thuốc điều trị tây y và nhất là các phương pháp đông y, cổ truyền của nước ta.
GS.AHLD Nguyen Anh Tri: “Mot so y kien de chong dich COVID-19 hien nay“
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam. 
Dựa trên những căn cứ khoa học đó, để các Nhà khoa học đề xuất cho được đúng và kịp thời những biện pháp chống dịch cụ thể cho Ban chỉ đạo chống dịch Covid quốc gia và các địa phương để triển khai trên thực tế.
Rồi nữa là: Cần ứng dụng mạnh mẽ hơn Công nghệ vào để chống dịch.
Xin đề nghị các Nhà khoa học trong Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam hợp sức lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành với Chính phủ, với nhân dân tham gia vào trong cuộc chống lại đại dịch Covid khủng khiếp này.
II. Cần tổ chức để “người dân phải thực sự là chủ thể để chống dịch”
Đây là cuộc chiến tranh chống lại một loại giặc dịch rất khó khăn, ác liệt. Vậy phải toàn dân tham gia mới thành công được.
Cần làm mọi cách “để người dân hiểu, biết, tin và đồng hành cùng làm”: Từ đó Nhân dân đồng lòng, chủ động, tích cực, nghiêm túc tham gia tất cả các hoạt động chống dịch;
Thực hiện mỗi phường xã, mỗi tuyến phố là một pháo đài chống dịch; mỗi gia đình, mỗi cụm dân cư là một lô cốt chống lại Covid. Chỉ khi làm được như vậy thì chống dịch mới hiệu quả;
Cần đưa các dịch vụ như xét nghiệm, chăm sóc y tế, tiêm chủng vắc xin, hỗ trợ an sinh về gần dân hơn, thuận tiện và hợp lý hơn;
Phát huy hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền – đặc biệt ở cấp phường/ xã; thôn/khu phố, thậm chí là ngõ phố, cụm dân cư tham gia vào hoạt động chống dịch.
III. Phân chia và quản lý vùng cách ly cần dựa vào xác định các F
Phân chia tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thành các F và phân chia các vùng có nhiễm, nguy cơ nhiễm Covid theo các vùng đỏ, vàng, xanh là những sáng tạo rất Việt Nam. Cần làm sao cho 2 loại phân chia này có sự gắn kết với nhau hơn nữa.
Cụ thể: Vùng đỏ là vùng có F0 và những F1 có liên quan gần; Vùng vàng là có F1 và những F2; Còn lại là vùng xanh. Cần nỗ lực để thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh.
Không thể yêu cầu giãn cách quá dài, không thể để đình đốn sản xuất và hạn chế sinh hoạt Nhân dân mãi, vì vậy:
• Cần cân nhắc thật thận trọng để đưa ra quy định hạn chế việc yêu cầu giãn cách, cách ly cả thành phố, cả một quận, thậm chí là chỉ một phường;
• Căn cứ vào tình hình dịch bệnh mà các vùng đỏ/ vàng/ xanh có sự thay đổi theo thời gian và chính quyền cần công bố sớm để kịp thời tổ chức chống dịnh ở những nơi vùng đỏ, cũng như để ổn định xã hội trong trạng thái “bình thường mới” ở vùng xanh sớm nhất.
IV. Xét nghiệm phát hiện F0 thần tốc là đúng và cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không bỏ sót, không làm sai (nhất là khâu lấy bệnh phẩm), hợp lý và hiệu quả
Đây là một nội dung chuyên sâu, tôi đã trình bày kỹ trong bài viết đã in trong tập tài liệu chính thức của Hội nghị; và có thể cần được các Nhà khoa học trao đổi thêm. Rất mong Bộ y tế xem xét và tổ chức trao đổi để chúng tôi có thể phát biểu sâu hơn.
V. Đẩy mạnh tiêm chủng Vắc xin cho nhân dân nhanh nhất, sớm nhất, đầy đủ nhất
- Giai đoạn này là giai đoạn cần nhất, tốt nhất để tiêm Vắc xin cho cả nước, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao, nơi “hiểm yếu”, nơi đông dân, nơi có nhiều khách ra vào như Tp Hà Nội, thành phố HCM, các tỉnh/ thành là trọng điểm kinh tế…
- Nguồn Vắc xin đang còn chưa đủ, vì vậy rất cần sự phân bổ ưu tiên vùng và đối tượng hợp lý nhất có thể.
- Cần đẩy mạnh nghiên cứu để tự sản xuất Vắc xin, nhất là những Vắc xin chống lại biến chủng mới của Covid. Nên mua lại công nghệ để sản xuất cho nhanh, hạn chế việc nghiên cứu từ đầu. Cần sử dụng quỹ Vắc xin để đầu tư cho việc nghiên cứu và sản xuất Vắc xin trong nước.
VI. Một số đề nghị để sống chung an toàn lâu dài với dịch Covid-19
Phải đảm bảo an toàn nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng cần phải linh hoạt, hợp lý để thực hiện 2 mục tiêu “chống dịch và đảm bảo các hoạt động kinh tế”; thực hiện sống chung có hiểu biết, bình tĩnh, chủ động và linh hoạt.
Cần khoa học và hợp lý hơn – đặc biệt là việc phong tỏa, cách ly, giãn cách, ngăn đường, cấp giấy đi đường, xét nghiệm, tiêm Vắc xin…
Xin nhấn mạnh lại: Từ nay trở đi, chỉ những nơi có F0 thì đó là vùng đỏ, phong tỏa ngay trong một phạm vi hẹp vừa đủ, không được lơ là, bỏ sót.
Và cũng xin đề nghị, khi đã tiêm đủ 2 liều Vắc-xin, xét nghiệm kháng thể đủ để phòng nhiễm SARS-CoV-2, thì cho trở lại sinh hoạt bình thường, đi hoặc đến thì không cần cách ly 14 ngày nữa; nhưng vẫn tiếp tục việc đeo khẩu trang và sát khuẩn (tay, tắm rửa…), vẫn thực hiện giãn cách hợp lý ở những nơi quá đông người (như sân vận động, các hội trường lớn).
Lưu ý, vì dịch bệnh rất khó lường, nên những nội dung đã đề cập ở trên cần có sự điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn.
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2021
GS. AHLĐ. NGUYỄN ANH TRÍ.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)